ClockThứ Năm, 05/09/2013 09:45

Trách nhiệm cá nhân

TTH - Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”.

Lãnh đạo tập thể không được tách rời cá nhân phụ trách. Mọi công việc khi bàn bạc và quyết định cần tính tập thể bao nhiêu thì cũng cần tới tinh thần trách nhiệm cá nhân bấy nhiêu. Thành công trong sự lãnh đạo tập thể là ở sự kết hợp giữa tập thể cùng thảo luận dân chủ để giải quyết mọi công việc và trách nhiệm cá nhân trong khi thực hiện.

Thực tế cho thấy, không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, thường là người đứng đầu, do tinh thần phụ trách không cao, khi phạm sai lầm, làm hỏng việc cũng quy cho tập thể mà không thấy trách nhiệm cá nhân của mình. Có trường hợp hội nghị bàn bạc, đi đến quyết định, nhưng không phân công cụ thể cho cá nhân phụ trách, khi công việc bị bê trễ, không biết quy trách nhiệm cho ai. Tình trạng vô trách nhiệm của một số cán bộ đối với công tác được giao còn rất nặng nề, song vẫn chưa được phê phán nghiêm khắc và xử lý thích đáng.

Khi đơn vị, địa phương có thành tích thì họ cho rằng đó là công lao của mình; khi có khuyết điểm, sai lầm thì họ lánh mặt làm ngơ, đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan hoặc đùn đẩy cho người khác.

Ai cũng cho mình là quan trọng, có quyền, nhưng trên thực tế lại không có trách nhiệm. Những sai phạm không quy được trách nhiệm rõ ràng, tất “hòa cả làng”, không xử lý được ai.

Trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng vừa qua, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp thật khó xử lý được ai. Một trong những lực cản làm cho tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn gay gắt, chính là vai trò trách nhiệm của từng cá nhân chưa được đề cao.

Thói thường người ta hay lên án và trừng trị những kẻ trộm cắp tài sản của công dân, của Nhà nước mà chưa lên án và trừng trị một cách thỏa đáng những kẻ vô trách nhiệm.

Những thất thoát do lãng phí gây ra có nhiều trường hợp còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các hành vi tham nhũng, nhưng không có cá nhân nào chịu trách nhiệm.

Trong phiên chất vấn được thực hiện tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 20/8/2013, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Từ khi Luật Khoáng sản có hiệu lực đến nay (hai năm), Bộ cấp 17 giấy phép, các địa phương cấp 957 giấy phép thăm dò, khai thác. Nhưng trong số 957 giấy phép thì có quá nửa vi phạm các quy định của pháp luật như cấp phép không qua đấu giá, cấp không đúng thẩm quyền, cấp phép khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa có báo cáo tác động môi trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Cấp phép khai thác khoáng sản thế này thì chết rồi. Hơn 900 cái giấy phép mà quá nửa là vi phạm. Vậy thanh tra ở đâu, kiểm tra, giám sát ở đâu ? Sai phạm như vậy mà không ai bị xử lý…” Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để đề cao được trách nhiệm cá nhân.

Trước hết, phải phân cấp rõ, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị và từng cá nhân là điều kiện tối cần thiết để làm cho guồng máy của Đảng, Nhà nước và mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao trách nhiệm cá nhân của mình.

Cùng với các biện pháp tổ chức, tăng cường công tác kiểm tra trên cơ sở mở rộng dân chủ, công khai việc đánh giá, nhận xét từng việc của từng cá nhân phụ trách, theo định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết, để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh. Biểu dương khen thưởng những người làm tốt trách nhiệm của mình; nếu sai sót, vi phạm, xử lý trách nhiệm cá nhân thật nghiêm túc. Làm được như vậy sẽ gắn quyền lợi với nghĩa vụ, gắn trách nhiệm với quyền hạn.

Cần có một cơ chế bãi miễn đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý tỏ ra vô trách nhiệm, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phải làm cho việc đề bạt, bãi miễn cán bộ là quy trình tất yếu trong công tác tổ chức.

Bảo đảm sự lãnh đạo tập thể gắn liền với trách nhiệm cá nhân vừa là nguyên tắc vừa là phương pháp công tác của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất kỳ cương vị nào, phụ trách công việc gì, nhất là người đứng đầu, đều phải thể hiện trong nhận thức và cả trong hành động thường ngày của mình.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top