Tôi đã nghĩ nhiều đến vị thế và dấu ấn văn hóa còn lại của vùng đất từng trải qua chín đời chúa và mười ba đời vua là Huế mình. Để rồi bất chợt như được khám phá thú vị khi nhớ về những ôn Bửu, mệ Vĩnh hay các cô bà Tôn nữ kia. Minh Mạng là ông vua đã làm nên bài Đế hệ thi chữ cho 20 đời nhưng chỉ ngang đến đời thứ 5 (Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh) với ông hoàng Vĩnh Thụy - Bảo Đại thì nhà Nguyễn cáo chung. Cũng chính bắt đầu từ ông vua Nguyễn có tài kinh bang tế thế kia, con gái và cháu gái của Vua Minh Mạng có cách đặt tên riêng. Con gái của vua là Hoàng nữ, khi được sắc phong thì trở thành công chúa và có tên hiệu riêng. Công chúa về sau có anh hay em được làm vua thì được gọi là Trưởng công chúa (để phân biệt với công chúa của vua đang trị vì), có cháu làm vua (vua tại vị gọi bằng cô) thì được gọi là Thái trưởng công chúa. Con gái của Hoàng tử là Công nữ, con gái của Công tử là Công tôn nữ, con gái của Công tôn nữ là Công tằng tôn nữ, xuống một bậc nữa gọi là Công huyền tôn nữ... Nhưng để đơn giản đời kế tiếp chỉ gọi là Tôn nữ với ý nghĩa là cháu gái. Cũng có một cách hiểu đơn giản hơn nhiều mà lại giàu ý nghĩa. Tôn nữ là con cháu của Tôn thất - chúa Nguyễn, còn Huyền tôn nữ là con cháu vua Nguyễn.
Vượt ra bức tường thành của những vương phủ, hình ảnh về nàng Tôn nữ gợi nhớ bóng dáng giai nhân Đồng Khánh, Thành Nội một thời mỗi khi tan trường, xuống phố. Tôn nữ cũng được hiểu là những ai góp phần làm cho Huế đẹp hơn bởi tài nữ công gia chánh. Khi mà quan niệm xã hội định hình, nhiệm vụ “kinh bang tế thế” là trọng trách của đấng nam nhi thì người phụ nữ được hướng đến “công - dung - ngôn - hạnh” để chăm lo việc tề gia. Cuộc sống danh gia vọng tộc nơi xứ Thần kinh càng khiến cho các Tôn nữ ý thức rõ ràng hơn thiên hướng đó của cuộc sống. Vậy là ngay từ nhỏ, trong từng nếp nhà, những Tôn nữ mẹ đã âm thầm dạy bảo các Tôn nữ con chi ly theo kiểu “thanh cũng đặng mà thô cũng xong”, có nghĩa là ở nhà thì xốc vác, đảm đang, ra ngoài thì áo nón chỉnh tề, đi đứng ý tứ, nói năng lễ độ, họp bạn thì ít nhiều cũng góp tiếng ngâm thơ, đàn hát; đặc biệt là những khả năng về nội trợ và nấu nướng, lo miếng ăn, thức uống vừa miệng chồng, con. Một gia đình hạnh phúc trong quan niệm của người Huế không thể thiếu không khí sum vầy và những bữa ăn ngon. Lâu dần thành nếp, thành kỹ năng, nghệ thuật, những Tôn nữ đã góp phần làm thăng hoa nền văn hóa ẩm thực xứ Huế. Họ là những tên tuổi như Công Tằng Tôn Nữ Hội Hoàn có thể chế biến được đến 120 món, đi đâu thấy món ăn ngon chỉ cần nhìn qua đã làm được y chang. Hay như bà Tôn Nữ Hà, hiện là chủ nhà vườn Tịnh Gia Viên nổi tiếng ở Huế, đã và đang làm sống lại thực đơn cung đình Huế xưa.
Mới đây, một Tôn nữ là bà Tôn Nữ Thị Ninh lần thứ hai được nước Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Ba Tôn nữ này nổi tiếng trong vai trò là giáo viên, nhà ngoại giao và chính khách đã không ngừng đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và cho sự hội nhập của đất nước vào cộng đồng quốc tế, qua đó duy trì mối quan hệ bền chặt với nước Pháp. Khuôn mặt khả ái, kiến thức phong phú, thông minh, bặt thiệp, bà Ninh tiêu biểu cho hình ảnh những Tôn nữ Huế quảng giao, có khả năng dấn thân và thành công trong các hoạt động xã hội. Đó không phải quá xa lạ mà cũng là nét truyền thống về hình ảnh Tôn nữ xưa gắn với hình ảnh của Công nữ Đồng Cảnh nổi tiếng qua bút danh Đạm Phương nữ sử mà mới đây vừa kỷ niệm 130 năm ngày sinh, một nhà báo, nhà văn hóa, người không ngừng đấu tranh cho nữ quyền và sự tiến bộ của phụ nữ.
Vang mãi trong tâm hồn bao người là vần thơ của Đông Trình: “Gió chiều vương áo nàng Tôn nữ/ Quai lọng nghiêng vành chiếc nón thơ”. Một vẻ đẹp không lẫn lộn, là biểu tượng cho thiếu nữ Huế nói chung và cũng là của giai nhân một thời nơi lầu son gác tía đất kinh đô, những nàng Tôn nữ kiêu sa.