Thứ Năm, 05/08/2010 10:29
(GMT+7)
Phí những “đặc sản”
TTH - 1. Nhìn những “cung nữ” xuất hiện ở Đại Nội trong các đêm dạ tiệc hay lễ hội, du khách không khỏi phấn khích và tò mò. Không ít người lân la xin chụp ảnh lưu niệm hoặc hỏi han. Nào là cung nữ ngày xưa sinh hoạt ra sao, họ có được ra khỏi cung vào ngày Tết không, họ được phát “lương” bao nhiêu... Câu trả lời là cái lắc đầu ái ngại bởi “cung nữ” chỉ là diễn viên đóng thế.
Lần tìm tư liệu và gặp gỡ các nhà nghiên cứu, song, những gì chúng tôi có được rất ít ỏi. Nhiều người khẳng định, sử sách ít ghi chép về tầng lớp này, muốn hiểu rõ chi bằng tìm đến cung nữ “chính hiệu”. Quả thật, mọi thắc mắc được giải đáp khi chúng tôi gặp nhân chứng sống.
Tiếc là số cung nữ còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi họ nắm giữ nhiều thông tin thú vị về chốn hậu cung vốn bí ẩn một thời. Chỉ e những câu chuyện hấp dẫn ấy sẽ không còn đến với nhiều người khi tuổi họ ngày càng cao. Trong một lần gặp gỡ, bà Bích Cẩn, người gắn bó với hậu cung triều Nguyễn từng bộc lộ ý định liên lạc các cung nữ còn sống. Do sức khỏe, bà ra đi đột ngột, mục đích kết nối câu chuyện xưa và nay của những cung nữ vẫn dở dang.
2. Người dân tộc Pa kô ở A Lưới (TT.Huế), Hướng Hóa (Quảng Trị), thậm chí là cả đồng bào người Lào giáp biên giới Việt thường chơi một điệu khèn nổi tiếng có tên Kăn A Kết. Làn điệu này thường xuất hiện trong các chương trình văn nghệ, lễ hội. Tương truyền, nó nói về cô gái đẹp nhất dải Trường Sơn với mối tình được thêu dệt như một truyền thuyết. Nhiều khách du lịch, nhà nghiên cứu muốn tìm gặp nhân vật “tiếng tăm” một thời ấy nhưng không dễ nếu không tìm đúng người.
3. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan cho rằng, đó là những “đặc sản” văn hóa đang bị để phí. Từ họ, câu chuyện về phong tục tập quán, văn hóa đời sống một thời sẽ hiện ra một cách chân thực, sinh động. Nếu trong Đêm hoàng cung có một cung nữ thật ngồi kể chuyện ăn uống, lễ tiệc chốn cung cấm... và giải đáp phần nào thắc mắc của khách, lễ hội càng tăng thêm ý nghĩa. Giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng từng vùng đất không đâu xa mà chính là ở những con người đặc biệt ấy. Giúp du khách khám phá văn hóa, trao đổi kiến thức... qua nhân chứng sống đó cũng là một cách làm mới du lịch truyền thống.
A.Túc