ClockThứ Năm, 21/02/2013 02:27

Phản biện & giám sát

TTH - Giám sát và phản biện xã hội là sự tương tác, đặt vấn đề, nêu vấn đề, chất vấn và đưa ra chính kiến giữa các thành viên trong xã hội về các vấn đề kinh tế, xã hội, con người trong cộng đồng xã hội. Phản biện xã hội đúng đắn sẽ làm cho xã hội phát triển. Phản biện xã hội nhằm mục đích tạo sự đồng thuận cho sự phát triển mới với cách nhìn tổng thể từ bên ngoài và bên trong về sự phát triển chung.

Từ ý nghĩa tích cực của phản biện xã hội, nó sẽ kiến tạo cách nhìn nhận đúng đắn hơn trước một vấn đề đang diễn ra trong hoạch định chính sách, chủ trương phát triển xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn. Tính tích cực của phản biện xã hội góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, phát huy quyền và nghĩa vụ của người công dân trước sự phát triển của ngành, địa phương hướng đến sự chuẩn mực, tính đúng đắn trong xây dựng và phát triển đất nước. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội tạo ra môi trường tương tác giữa cộng đồng trí thức, cộng đồng truyền thông và cộng đồng xã hội. Đó là sự kết nối cá thể, nhóm người, hình thành tính năng động xã hội trước những vấn đề có liên quan đến sự phát triển chung cho hôm nay và cả mai sau.

Giám sát và phản biện xã hội mang tính chủ động, tự giác là môi trường phát triển lành mạnh vì mục tiêu chung, ngăn ngừa và phá vỡ ốc đảo khép kín của những định hướng, những quyết định chưa mang tính đại diện của tầm cao tri thức.

Ở Thừa Thiên Huế có nhiều sự việc khi ngành, địa phương đã quyết định, thống nhất đầu tư, xây dựng cảnh quan, nhà hàng, khách sạn mang tính chủ quan của một bộ phận cán bộ hoạch định chính sách, đã được xã hội phản biện vấn đề ngược lại. Cũng nhờ sự phản biện xã hội ấy mà những hoạch định đó phải dừng lại, tổ chức tọa đàm để đi đến quyết định đúng đắn hơn. Cụ thể là xây dựng khách sạn ven bờ sông Hương, quyết định và cho phép “mọc lên” một khách sạn và khu du lịch tổng hợp trên đồi Vọng Cảnh, xây dựng sân golf thiếu tính toán. Xét trong thực tiễn, phản biện xã hội về những vấn đề nêu trên mang tính tích cực, có ý thức và tri thức làm cho địa phương tránh được một quyết định chưa chín muồi, ảnh hưởng xấu cho cảnh quanh, môi trường và những tác hại cho tương lai. Điều này cho thấy ý nghĩa và tính tích cực của giám sát và phản biện xã hội bởi sự thôi thúc của lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng. Ai cũng hiểu rằng, phản biện xã hội là trách nhiệm của cộng đồng. Tuy nhiên, trong thực tiễn với ưu thế về tri thức, năng lực, người trí thức luôn là lực lượng tiên phong, nhận lấy trách nhiệm cao hơn. Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hóa, lịch sử, có đội ngũ trí thức đông đảo ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ rất tâm huyết với sự phát triển của tỉnh nhà. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội trong lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật là việc cần làm khi Thừa Thiên Huế đang phấn đấu sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Xã hội ngày càng phát triển, mặt bằng dân trí cao là điều kiện hình thành một đội ngũ trí thức cho xã hội, đây là đội ngũ tiên phong trong công tác phản biện xã hội. Trên các phương tiện thông tin truyền thông, chúng ta thấy nhiều chương trình, chuyên trang đi sâu vào những sự kiện nóng của xã hội để tổ chức đối thoại, phỏng vấn nhân vật là những hoạt động mang tính phản biện vấn đề để góp chung tiếng nói nhằm hỗ trợ cho một chính sách, hoạch định của cơ quan công quyền.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói với báo chí rằng, Đảng rất lo lắng khi đội ngũ lãnh đạo cao cấp xa dân, quan liêu, làm việc đứng ngoài sự giám sát, phản biện của nhân dân, không tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Nền kinh tế trì trệ vì không gần dân, nghe dân, nhất là những ý kiến trái chiều. Đó là một thực tế mà sau này Đảng ta kiên quyết sửa chữa.

Giám sát và phản biện xã hội là quyền của người dân. Giám sát và phản biện xã hội là trách nhiệm của Mặt trận với nhân dân, với Đảng. Mặt trận và các cơ quan, đoàn thể cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, hình thành nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi nơi trong cả nước. Thông qua Mặt trận để khơi dậy tính giám sát và phản biện xã hội với những chính kiến, ý tưởng chất lượng, trách nhiệm cao góp phần cùng Đảng chống tham nhũng, chống đói nghèo, chống trì trệ, tụt hậu làm cho đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để việc giám sát và phản biện phát huy hiệu năng, cần công khai, dân chủ, minh bạch trong sinh hoạt. Trước hết là dân chủ trong Đảng và dân chủ trong nhân dân. Phải dân chủ hóa công tác cán bộ, dân chủ hóa việc hoạch định chính sách. Bác Hồ đã nhấn mạnh, toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, chỉ thuộc về nhân dân.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top