ClockThứ Năm, 13/06/2013 05:28

Mưa trên Bạch Mã Sơn

TTH - Huế đang trong những ngày hè rát nóng lại nhớ nhiều về Bạch Mã Sơn, đặc biệt với những cơn mưa rừng kỳ lạ, thoắt đến rồi lại thoắt đi... Thì ra, cũng dễ chừng đã 30 năm rồi, tôi được diện kiến và trải nghiệm lần đầu cùng khu rừng có ngọn núi cao tới 1.450 mét mang dáng hình con ngựa trắng đang bay bởi quanh năm mây phủ này.

Không quên là một hôm nhà văn Nguyễn Quang Hà bất ngờ rủ rê, có chuyến thăm Bạch Mã cùng nhà văn Trần Nguyên Vấn và nhạc sĩ Mặc Hy mới từ Hà Nội vào, dám đi không. Sao lại không, tôi hồ hởi, vậy là cùng lên đường. Đường lên đỉnh núi Bạch Mã ngày ấy chỉ là con đường mòn, um tùm cây cối và các loại dây leo ngán đường. Trời trong veo, và rồi đang đong đưa trong thùng xe, tôi giật mình khi nghe anh cán bộ trẻ của Vườn Quốc gia Bạch Mã thông báo, chú ý cũng đã gần tới giờ trời đổ mưa... Ừ sao mà cứ như một lập trình sẵn có trong ngày. Tới ngọ, dừng lại ở Ngũ Hồ, vừa cơm nước xong đã thấy mây đen ngút ngàn ùn ùn kéo lại. Và rồi cơn mưa rừng ập đến, ào ạt và dữ dội. Nằm ở một góc kín, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp, tôi quan sát thấy nước tuôn ra từ mọi hướng. Nước chảy theo khe, theo suối, theo những thác nuớc và theo con đường mỗi lúc một nhiều hơn như thể cuốn trôi hết mọi mệt mỏi, lo toan. Thế nhưng rồi, đang chìm trong cảm giác sợ mưa kéo dài mang tới bao hệ lụy cho một chuyến đi, bất chợt lại thấy ánh nắng hé lên, những giọt mưa ánh lên lấp lánh trên những tán lá. Tạnh mưa. Cơn mưa rừng trên Bạch Mã Sơn kết thúc, cũng đột ngột như khi đến.

Huế mình được mệnh danh là xứ mưa của nước Việt thì đây Bạch Mã Sơn là nơi mưa nhiều nhất. Người ta tính rằng, lượng mưa nơi đây hằng năm đạt con số kỷ lục 8.000 mm. Độ cao lý tưởng, cộng với mưa nhiều đã mang tới cho Bạch Mã bao điều lạ. Đầu tiên là kiểu thời tiết mát lạnh miền ôn đới. Cứ thử tưởng tượng vào thời điểm tháng sáu này khi Huế như bị nung chảy bởi nắng nóng, có ngày lên tới 400C còn trung bình cũng đều đều trên 300C, thì ở Bạch Mã có nhiệt độ lý tưởng với mức 250C. Cũng bởi mưa nhiều kết hợp với độ cao lý tưởng mà ở Bạch Mã quanh năm cây cối xanh tươi, hệ thực vật phong phú đến bất ngờ với trên 1.400 loài, trong đó có nhiều loài cây tiêu biểu cho hệ thực vật từ miền Bắc hay miền Nam tới. Lý tưởng là thế nên cách nay cả thế kỷ người Pháp xâm lược nước ta đến từ xứ lạnh mê mệt. Để rồi ngay lập tức, sau đó Bạch Mã trở thành khu nghỉ mát với 139 ngôi biệt thự, khách sạn, nhà bưu điện mang nhiều kiểu dáng khác nhau và còn nữa là cả hệ thống đường đi bộ nối các biệt thự, đường từ trung tâm khu nghỉ mát đến các thắng cảnh. Có gián đoạn, có dở dang nhưng Bạch Mã một thế kỷ qua cứ vậy phát triển cho tới bây giờ. 

Thi sĩ Nguyễn Bính từ Bắc vào Huế cảm nhận mưa Huế dầm dề, lê thê và để lại cho đời câu thơ bất hủ “Trời mưa ở Huế sao buồn thế/ Cứ kéo dài ra đến mấy ngày”. Cũng một cảm nhận về mưa Huế, nhà thơ Huế xa quê là Tố Hữu từng viết “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên”. Tôi chưa có dịp về Bạch Mã nhiều ngày liền trong dịp mùa mưa nên chưa thấy hết cái tầm tã, lê thê mà Nguyễn Bính mô tả của những ngày mưa kéo dài trên Bạch Mã Sơn, nhưng tôi đã cảm nhận được rồi sức mạnh bí hiểm của cơn mưa rừng xối xả nơi đây. Và tôi cũng như ngộ ra một điều lý thú rất lạ về Bạch Mã sau cơn mưa rừng buổi chiều hè. Một thế giới mới đầy cựa quậy như bắt đầu sau cơn mưa khi cây cối được tắm mát. Và đó có vẻ như cũng là lúc mà các loại thú rừng, côn trùng bước ra khỏi hang động và nơi ẩn núp để nô đùa và kiếm ăn. Nó bắt đầu khi ánh nắng mặt trời lấp lánh trở lại trên những tán lá xanh sau mưa cho đến lúc đêm về và kéo dài dưới ánh sáng của ánh trăng rừng.

Thế là, cứ mỗi lần trở lại Bạch Mã Sơn, tôi lại hồi hộp chờ đợi cơn mưa rừng ập tới như để tìm lại một trải nghiệm rất quen mà cũng rất lạ về mưa Huế dịp hè về.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top