ClockThứ Năm, 22/08/2013 15:22

Lễ hội đầu thu

TTH - Tháng bảy âm lịch đầu thu, khi bắt đầu có những ngày có mây bay vần vụ và nửa đêm thức giấc nghe rào rạc tiếng gió heo may cũng là lúc các làng quê ở Thừa Thiên mở hội tế thu. Ngày rộng tháng dài, vậy nên các làng cứ thế mà chọn. Ví như làng Chuồn, lễ thu tế được mặc định trong 3 ngày 15, 16 và 17 tháng 7 âm lịch. Trong khi nhiều làng bỏ lửng, chỉ cần ngày tốt, ngày thuận lợi là được. Dù nghi lễ có khác, tựu trung thu tế vẫn là ngày hội của các dân làng với ý thức sâu xa muôn thuở là tỏ bày sự biết ơn, ngợi ca công đức tiền nhân, những vị khai canh khai khẩn, chư vị thành hoàng, những kẻ khuất mặt khuất mày… đã góp công, góp sức tạo nên xóm làng ban đầu và giúp cho người dân qua bao đời được an cư lạc nghiệp.

Cũng đến tháng 7 âm lịch, điện Hòn Chén có từ thế kỷ 16 cử hành lễ hội. Nguyên đây là ngôi đền thờ nữ thần PoNagar (Nữ thần Mẹ xứ sở). Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần PoNagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Vân Hương Thánh Mẫu cũng được đưa vào thờ ở đây. Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Vua Ðồng Khánh cũng là một trong những đồ đệ ấy. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, lễ của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Lễ hội pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng và không tín ngưỡng, đưa mọi người đến gần nhau hơn.

Rồi nữa, Rằm tháng 7 âm lịch là lễ Vu Lan gắn với sự tích đức Mục Kiền Liên cứu mẹ. Cùng với lễ Phật Đản vào Rằm tháng tư, Vu Lan báo hiếu là ngày lễ lớn nhất trong năm của Phật giáo. Huế được mệnh danh là kinh đô Phật giáo của nước Việt. Vậy nên không có gì lạ khi đây là dịp tưng bừng lễ hội của đất Thần Kinh. Hàng trăm ngôi chùa là nơi các tín đồ Phật giáo và cả rất nhiều người dân nữa cùng khách du lịch hành lễ trong ngày báo hiếu. Cũng vào dịp này, nhà Phật tổ chức cho tín đồ gắn hoa hồng, hoa trắng vào ngực áo những người còn sống để tưởng nhớ đến cha mẹ. Hễ cha mẹ còn sống thì gắn hoa hồng, cha mẹ qua đời thì gắn hoa trắng. Còn cha mẹ là một điều hạnh phúc.

Tác giả của “Bông hồng cài áo” là một người con xứ Huế, thiền sư Nhất Hạnh. Năm 1962, trong tùy bút “Bông hồng cài áo”, được yêu thích cho đến tận bây giờ, thiền sư giới thiệu về tục lệ cài bông trên áo nhân “Ngày của mẹ” (Mother’s day) theo văn hóa Nhật Bản. Ông viết: “Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”.

Vậy là, cũng như vào dịp xuân về, không gian đầu thu ở Huế ngập tràn lễ hội. Và, cũng như tiết trời đằm thắm, nhẹ nhàng, ẩn chứa bao điều suy tư, những lễ hội đầu thu ở Huế không quá nhiều sự vui chơi rộn ràng mà thật sự lắng đọng. Đó là dịp để những con dân xứ Huế sau bao tháng ngày bực nhọc mưu sinh tri ân những bậc tiền nhân đã có công lao khai khẩn, tạo dựng nên xóm làng yêu thương, tưởng nhớ và báo hiếu những bậc sinh thành. Còn gì lắng đọng hơn là: “Một bông Hồng cho em/ Một bông Hồng cho anh/ Và một bông Hồng cho những ai/ Cho những ai đang còn Mẹ/ Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn…” (Bồng hồng cài áo - nhạc Phạm Thế Mỹ)

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top