ClockThứ Năm, 28/03/2013 14:35

Không gian của Trịnh

TTH - Đã nhiều năm rồi, cứ vào dịp tháng tư, thầy giáo Lê Trọng Cáp lại có một cuộc gặp gỡ bạn bè ngay tại căn nhà nhỏ phía đường Nguyễn Công Trứ. Dăm ba người không nhiều, toàn là tri kỷ, ngồi lại bên ly rượu nồng cùng ôn những kỷ niệm về Trịnh, nghe lại những tình khúc bất hủ của gã nhạc sĩ tài hoa bậc nhất xứ Thần kinh. Lần đầu gặp Cáp, mặt gầy và dáng gầy, đầy suy tư, tôi ngỡ ngàng như bắt gặp ở đó bóng hình của Trịnh. Cáp cũng có thói quen cứ vào dịp kỷ niệm hằng năm ngày mất của Trịnh là đi lục tìm những bài báo mới nhất viết về ông, như cách tưởng niệm, để xem người đời còn nhớ hay đã quên. Rồi anh cất kỹ. Cáp bảo, có lúc mình tưởng như gục ngã bởi những nỗi đau của phận đời. Thế nhưng đã tìm đến được với nhạc Trịnh và đứng lên.

Vào buổi chiều tà của một ngày đầu xuân có nắng hanh vàng, tôi đã vội chạy lên Bàu Hồ, điểm cao nhất của Huế. Một dạo nghe xôn xao chuyện người đời có ý định xây dựng một khu lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở đó. Bao kẻ chờ đợi. Cảnh đó hợp với người kia. Vậy nhưng rồi, mọi cái đi vào quên lãng. Để lại vẫn còn đó không gian xưa Bàu Hồ đầy huyền bí và mênh mông để như chợt về trong tôi câu hát như một lời nguyền của Trịnh “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Lại nữa, nhớ và chợt buồn về con đường mang tên Sơn mới dựng nơi phía bên tê cầu Gia Hội, ở đó quá nhiều kẻ say ô trọc.

 

Khi mà những cái gì đó thật lớn lao để vinh danh Trịnh vẫn còn là sự hoài mong thì bàng bạc trong lòng người và cảnh vật ở vùng núi Ngự sông Hương thấy thấp thoáng những lưu giữ về bóng hình ông. Thỉnh thoảng trên những con phố, bất chợt tôi giật mình khi bắt gặp một ai đó có dáng vẻ hao gầy của Trịnh và rồi như chợt hiểu đã có nhiều người muốn ở mình có một cái gì đó giống Trịnh, nơi dáng hình hay cả một ứng xử. Nó không ồn ào và khoa trương mà thâm trầm và dữ dội. Rồi sáng cũng như chiều, đi qua dãy nhà nơi chân cầu Phủ Cam, một thời là chốn đi về của Trịnh thấy sao đã mấy mươi năm rồi mà chẳng có nhiều đổi thay. Như vẫn thế những con người của ngày xưa nhiều suy tư nhưng ít những toan tính bên ly cà phê sáng chiều và cũng như còn đọng mãi nơi phía sau ở trên lầu cao một hình bóng Trịnh suy tư, mơ màng ngắm nhìn nữ sinh qua cầu Phủ Cam, dọc theo con đường Nguyễn Trường Tộ đến Trường Đồng Khánh, để rồi hạ thế cho đời một “Diễm xưa” bất hủ.

Hình như ở cái xứ Huế nắng nóng và nhiều mưa này, bất kỳ nơi đâu cũng như bắt gặp bóng dáng của Trịnh. Đi giữa hoàng thành, nơi lâu đài và thành quách vàng son một thửa chợt nao lòng nhớ lại “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Nhớ những Festival Huế, người ta đã bỏ qua bao mời gọi để suốt đêm dừng lại Cơ Hạ Viên lắng đọng cùng những tình khúc vượt thời gian của Trịnh. Ngang qua những con đường lại da diết với “đường phượng bay mù không lối vào…”. Có người cất công đi tìm để đóng đinh một con đường phượng bay từ lời nhạc Trịnh. Tôi lại thấy nó bàng bạc ở mọi ngã đường. Cũng như gặp một tà áo dài, bất chợt như em là Diễm. Và nhớ rồi ai đó đã một lần bảo, ngay cả Diễm nữa đầy yêu thương kia cũng chỉ là cái cớ cho Trịnh tỏ bày và cảm nhận về Huế.
 
Còn nữa, giữa đêm Huế hòa bình đôi lúc lại như vang vọng một hoài niệm buồn thời chiến tranh năm nào đại bác ru đêm với niềm mong khổ đau, chết chóc đừng bao giờ trở lại. Rồi những lúc cảm thấy cuộc đời như buông xuôi, nhiều người Huế như Cáp, như tôi đã vịn nhờ đến một khúc ca Trịnh để tìm lại niềm tin cuộc đời. Cái không gian của nhạc Trịnh đậm đặc nơi Huế do thế không thể thấy được từ cách đo ngắn dài hay sự hình dung vuông tròn, mà lại được cảm nhận bằng chính trải nghiệm của những tấm lòng…

(viết nhân ngày mất của Trịnh Công Sơn) 

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top