Thứ Sáu, 16/07/2010 11:04
(GMT+7)
Góp sức già bảo tồn văn hóa
TTH - Một trong những khó khăn của công tác bảo tồn văn hóa truyền thống hiện nay là vấn đề kinh phí. Trong khi nhiều nơi chờ đợi sự đầu tư, hỗ trợ từ cơ quan chức năng thì có người tự bỏ công sức, tiền bạc phục dựng vốn quý văn hóa.
1. Cụ ông Phạm Bá Diện ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền dành trọn tâm huyết nhiều năm sưu tầm, phục dựng các làn điệu ca cổ bị thất truyền. Múa bát dật, múa bài bông, múa thiên hạ thái bình, hát sắc bùa, chèo đồng ấu... sống lại nhờ tấm lòng của người cựu binh già. Lớp đồng ấu trong làng cũng được ông truyền tập nhiều điệu múa cổ bản. Mỗi khi làng quê vào hội, đội văn nghệ do “ông bầu” nghiệp dư Phạm Bá Diện điều hành luôn phục vụ công chúng nhiệt tình. Đoàn liên tục biểu diễn tại Liên hoan các làng văn hóa Huế; Đà Nẵng; Festival nghề truyền thống Huế… góp thêm nét văn hóa đặc trưng cho vùng quê “đệm bàng” nổi tiếng một thời. Một số tư liệu văn hóa – âm nhạc ông Diện sưu tầm còn là đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở Huế.
2. Mới đây, cũng trong Lễ hội “Hương xưa làng cổ”, cụ Lê Trọng Sâm, quê ở Phước Tích tự bỏ tiền túi về làng tổ chức lại trò chơi “Xiếc thìa lia”. Đó là nét sinh hoạt gắn liền với nghề gốm truyền thống. Người chơi dùng những mảnh gốm vỡ liếc trên mặt sông, ai xa nhất là người chiến thắng. Hơn 120 người dân, cán bộ địa phương nô nức tranh tài khiến một khúc sông Ô Lâu sôi động. Phần thưởng đơn giản chỉ là chiếc phong bì mừng tuổi 10 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng. Tính công tác quảng bá, tổ chức, người cán bộ hưu trí này đã chi gần 2 triệu đồng.
3. Ông Diệm và ông Sâm có lẽ là một trong những người hiếm hoi dám bỏ công sức, tiền bạc đi làm cái việc dân gian thường gọi là “vác tù và hàng tổng”. Không chỉ giáo dục lớp trẻ về cội tích, gốc gác của làng mình; họ còn giúp văn hóa truyền thống có mảnh đất để “bén rễ” trong đời sống cộng đồng. Nếu các nhà quản lý lo lắng về sự lung lay của những giá trị văn hóa trong cơn lốc kinh tế thị trường thì đây chính là chất keo gắn kết cộng đồng làng xã một cách sâu đậm. Người bảo tồn ở đây không ai khác chính là con dân của làng, là những người già tự hào về những truyền thống của cha ông. Hy vọng, họ không đơn độc trên con đường bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
Anh Túc