ClockThứ Tư, 27/03/2013 21:52

Đạo đức cách mạng

TTH - Trước tình hình phát triển của đất nước, khi nền kinh tế chuyển sang thời kỳ hội nhập, khó khăn và thuận lợi đan xen. Sự tác động của nền kinh tế - xã hội ở góc độ nào đó đã làm cho một số bộ phận cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân, ham tiền tài vật chất, chức quyền địa vị. Không chỉ quyền cao chức trọng, ngay cả một số cán bộ bình thường ở các ngành có quyền lực, trong quan hệ công tác thường lợi dụng chức năng, quyền hạn của ngành mình tỏ ra “ta đây”, coi thường cán bộ, công chức ngành khác, nhất là “hoạnh họe” các công ty, xí nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Đây có thể xem là biểu hiện cửa quyền, hách dịch nếu không nói là lợi dụng “thế mạnh” của ngành mình để vụ lợi cá nhân.

Thời gian qua, đây đó có nhiều cán bộ trong thực thi nhiệm vụ của mình đã tỏ ra như ông tướng con có lời lẽ, thái độ không đúng mực với nhau trong quan hệ công việc. Ở nhiều lĩnh vực công tác, báo chí, thanh tra, bộ phận một cửa, ngành tòa án, công an... đều có hiện tượng cán bộ sa sút phẩm chất dẫn đến vi phạm pháp luật, để lại điều phàn nàn trong nhân dân. Những điều nhức nhối ấy như mách bảo chúng tôi cần sâu sát với các ngành, các cấp, gần gũi với cuộc sống hơn để nhận diện loại cán bộ này. Quả không sai như những thông tin chúng tôi thu thập được khi trực diện chứng kiến những thái độ từ lời nói, gương mặt, cách hành xử của một số cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.

Đã là cán bộ, đảng viên bất luận ở ngành nào, hoàn cảnh nào, ở những thời điểm khó khăn, thách thức, việc nâng cao đạo đức cách mạng phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết, chỉ thị về nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại đa số cán bộ đảng viên tận tụy, công tâm trong công việc, vậy tại sao ngày càng có nhiều con sâu làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Có thể khẳng định rằng có biểu hiện ấy là do nhiều nguyên nhân, song trước hết phải thấy là cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi bổn phận, trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Ở một số nơi, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa tới nơi, tới chốn; kỷ cương kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm. Vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương của người đứng đầu chưa ngang tầm. Thậm chí ở một số cơ quan, vai trò của người đứng đầu bị cấp dưới lèo lái. Tại sao cấp dưới lại lèo lái được cấp trên. Có nhiều vấn đề cần tìm hiểu, song vấn đề dan díu nhau trong lợi ích cá nhân nên “kẹt số” không thể không nghe cấp dưới là hiện tượng đã xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị. Khi sự việc vỡ lở mới nhận ra nguyên nhân này!

Học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại mình. Đây là việc làm không dễ, nó phụ thuộc vào ý chí của các tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành. Phải tự rèn luyện, tự chỉnh đốn. Thực hiện điều này đạt hiệu quả rất cần sự tự giác, gương mẫu của cán bộ cấp trên, của người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Nếu không tự giác, cầu tiến bộ thì chỉ thấy ưu điểm, thành tích, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác. Còn nhìn nhận khuyết điểm thì thiếu dũng cảm. Nếu không dũng cảm nhận ra khuyết điểm để có hướng khắc phục, sửa chữa thì sự thoái hóa đạo đức cách mạng là điều đương nhiên”. Đồng chí Tổng Bí thư nói, nếu người đứng đầu không làm được thì ở cơ quan, đơn vị đó khó tạo được chuyển biến trong đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta, ai cũng có tính tốt, tính xấu. Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống, mà do đấu tranh, rèn luyện hằng ngày để phát triển và củng cố.

Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào, ngành nào đều đề cao đạo đức cách mạng của người cán bộ: Tận tụy, trung thành, văn minh, công tâm và có văn hóa...

Để nâng cao đạo đức cách mạng, chúng ta phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi do cá nhân chủ nghĩa mà sa vào tham ô, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền...

Hôm về công tác ở một công ty T, chúng tôi chứng kiến chị X trong quan hệ làm việc với công ty đã có lời lẽ thiếu văn hóa, thậm chí dám hù dọa cán bộ công ty T. Tại sao khi Đảng và Nhà nước luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải đề cao đạo đức cách mạng trong thực thi nhiệm vụ thì ở một số ngành có chức năng lại có số cán bộ thoái hóa đến mức vậy? Thiếu ý thức rèn luyện, lợi dụng quyền năng chăng? Tổ chức, cơ quan nào đứng ra vạch trần và phê phán thậm chí kỷ luật, luân chuyển số cán bộ này sang làm công việc bình thường khác?

Chiến Hữu - Văn Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top