Thứ Năm, 22/07/2010 10:52
(GMT+7)
Danh gia vọng tộc
TTH - Một lần chuyện trò, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bất ngờ đặt câu hỏi: “Các cậu có biết vì sao đến Huế, nhiều người muốn đến thăm gia thất của ông Phan Thuận An?”. Ông An là nhà văn hóa Huế, nhà Huế học và còn là mẫu người điển hình cho phong cách văn hóa Huế truyền thống, ai cũng muốn được giao tiếp. Nguyễn Đắc Xuân không hề phủ nhận, nhưng điều mà ông muốn nói đến là hiện tại ông Phan Thuận An đang sống tại ngôi nhà vườn nổi tiếng ở Huế là phủ Công chúa Ngọc Sơn, con gái thứ hai của vua Đồng Khánh và chồng là phò mã Nguyễn Hữu Tiến. Theo ông Xuân, khách lạ tò mò muốn biết một quý tộc Huế xưa có cuộc sống đời thường như thế nào.
Câu chuyện của ông Nguyễn Đắc Xuân bất giác khiến tôi nhớ đến ngôi nhà của công tử Trần Trinh Huy, nổi tiếng với biệt danh Hắc công tử ở Bạc Liêu trong một lần ghé thăm. Chuyện Hắc công tử giàu có nhiều người biết nhưng không lạ. Chỉ duy lối chơi ngông của ông thì thiên hạ phải ngả mũ chào thua với đỉnh điểm là giai thoại đốt tờ bạc bộ lư (100 đồng) cho ông bạn chơi là Bạch Công tử tìm tờ bạc con công (5 đồng) trong đêm tối. Khách đến Bạc Liêu chưa ghé thăm được ngôi nhà của Hắc công tử thì xem như chưa đến vùng đất Nam Bộ này. Và tôi cũng đã có sự háo hức kỳ lạ đó khi lần đầu tiên đặt chân đến Bạc Liêu. Sự háo hức muốn khám phá về những lời đồn đại.
Phủ Công chúa Ngọc Sơn
Hơn một thế kỷ là kinh đô của đất nước, Huế là nơi hội tụ của những danh gia vọng tộc một thời của đất Việt. Theo một nghiên cứu điều tra, tại kinh đô Huế có đến 85 phủ đệ của những hoàng thân quốc thích. Chỉ tính riêng vùng An Cựu, Phủ Cam đến sông Như Ý, gần nơi tôi sinh sống đã có một mật độ các phủ đệ ken dày với An Thường công chúa, An Hóa công, Hàm quận công, Hân Vinh phủ, Kiến Hoài quận công, Lạc Hóa quận công, Mỹ Hóa công, Tùng Thiện vương…Bên cạnh đó là dinh phủ của những quan lại, nhà ở của những danh nhân văn hóa, như phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Kim Long, phủ thờ quan đại chính phụ thần Tôn Thất Thuyết ở Thủy Thanh (Hương Thủy)…Mỗi nhân vật có một phận số riêng và nhiều người trong chúng ta đều đã làm quen với họ từ trong sách sử, từ trong những lời đồn đại và cả từ trong ký ức của những người lớn tuổi, rất khát khao được tận mắt “mục sở thị” những kỷ vật liên quan đến họ một thời.
Một thầy giáo cũ đã về hưu của tôi là ông Nguyễn Văn Hóa trong chuyến đi du lịch đến Trung Quốc trở về tâm sự rằng, một trong những ấn tượng lớn nhất của ông là được thăm gia thất của những “danh gia vọng tộc” Trung Hoa. Sự bề thế và độc đáo của công trình là điều đáng được chiêm ngưỡng. Quan trọng hơn là những cảm giác vừa lạ lại vừa quen. Lạ là do chưa bao giờ tận mắt thấy. Quen là đã được nghe, được đọc và bây giờ mới được tận mắt nhìn.
Tôi lại nghĩ đến Huế mình, một thuở là kinh đô và dấu xưa hầu như nguyên vẹn. Đó là dấu tích về một thời lầu xanh gác tía gắn với Hoàng thành Huế, với những địa danh, những con người từng được ghi danh trong lịch sử. Hay nói như một nhà văn ở Huế “đến Huế, mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài Vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”. Vậy mà kho báu vô cùng quí giá này, hình như ta vẫn chưa nhìn nhận đúng và còn đang bị bỏ quên. Nó đã là những điểm đến nhưng còn rất nhiều trong số đó vẫn chưa thực sự là địa chỉ văn hóa- du lịch trong hành trình khám phá xứ Thần kinh.
Đình Nam