Thể thao quốc tế

World Cup, nụ cười & nước mắt

ClockThứ Bảy, 21/07/2018 10:30
TTH - Buổi sáng chủ nhật trước khi diễn ra trận chung kết World Cup 2018, ở quán cóc nọ có 2 gã đàn ông, một già và một trẻ.

Gần 25 triệu vụ tấn công mạng bị ngăn chặn tại World Cup 2018Khép lại World Cup 2018

Tổng thống Macron ăn mừng đầy cảm xúc khi ĐT Pháp giành chiến thắng. Ảnh: Reuters

Gã trẻ bi bô, còn người đàn ông lớn tuổi thì chủ yếu im lặng. Câu chuyện xung quanh trận cầu buổi tối. Gã trẻ có vẻ lo lắng, luôn miệng bảo chừ răng ôn hè. Mặc kệ, người đàn ông lớn tuổi chẳng thèm trả lời. Bỗng gã trẻ buông miệng, có khi mô Croatia vô địch không? Chỉ chừng nớ thôi cũng đủ chọc giận. Người đàn ông nói liền một tràng dài. Ông bảo Pháp là đội bóng cho đến chừ vẫn chưa có đối thủ. Croatia thật tội nghiệp khi trải qua mấy trận liền phải thi đấu hiệp phụ khiến cho sức cùng lực kiệt. Tôi nghe và hiểu rằng, người đàn ông là một fan của đội bóng áo lam. Và rồi khi gã trẻ rời quán, ông quay lại bảo tôi, đồ cá độ, cả tháng ni ngày mô cũng chơi, nghe đâu thua cả mấy chục triệu đồng, vợ con đòi bỏ đi, rứa mà vẫn cứ lì.

Tôi là kẻ ghiền banh da. Cả tháng nay, xem ra "ăn ngủ cùng bóng đá". Lúc đầu xem, đội nào đá hay và đá đẹp là thích. Lâu dần có sự thiên vị. Ví như, chọn giữa Nam Mỹ và châu Âu, tôi ngả theo Mỹ latinh hay chọn giữa ông lớn (như Brazil) với những đội bóng hạt tiêu (kiểu như Croatia), tôi chọn kẻ mạnh, có bề dày. Tình cảm cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn, tôi thích Pháp dưới thời Platini, vô địch Euro 1984, nhưng lại ghét đội bóng vô địch thế giới 14 năm sau đó. Lý do cũng thật buồn cười, Zidane và đồng đội đã đánh bại Brazil tôi yêu thích. Ngay cả đội bóng áo lam mới đăng quang tôi cũng chẳng ưa, bởi đội bóng này đã sớm loại Argentina có cầu thủ Messi mà tôi thần tượng.

Xem xong cả 64 trận cầu ở World Cup mới chợt như hiểu ra, chưa có ở đâu và sân chơi nào mà tình cảm con người lại bộc lộ dễ thương và cũng nhiều cung bậc tình cảm đến thế. Không có trận bóng nào không có người khóc và kẻ cười. Cầu thủ khóc cười và khán giả cũng vậy. Trên sân cười khóc, ở trước màn hình xa cách cả vạn cây số cũng bao kẻ khóc cười theo. Có người mới thấy khóc đã chộ cười. Còn với 6 bàn thắng, chỉ kém chung kết World Cup 1958 (Brazil - Thụy Điển: 5/2), trận chung kết World Cup 2018 trải qua nhiều cảm xúc vui buồn thật khó tả, theo nhịp điệu của những đường bóng bay.

Giành danh hiệu á quân là điều mà trước đó Croatia chẳng dám nghĩ tới. Thất bại khi ngôi vương chỉ còn cách một trận cầu khiến hàng triệu người Croatia đổ lệ. Thế nhưng ngày sau đó, gạt nước mắt hàng trăm nghìn người ở thủ đô Zagreb và các thành phố của Croatia đã xuống đường ăn mừng. Màn trình diễn tuyệt vời của "Vatreni" (biệt danh của đội bóng Croatia) đã là quá đủ. Còn các nhà vô địch, niềm vui trọn vẹn hơn nhưng đằng sau đêm vui cũng đã có những câu chuyện buồn và giọt nước mắt, khi nhiều người Pháp đã chết trong phút giây thái quá.

Người Croatia vẫn ăn mừng dù thua cuộc. Ảnh: Reuters

Khó có hình ảnh nào đẹp hơn khi Tổng thống Emmanuel Macron ăn mừng chiến thắng của đội nhà trên khán đài cùng với Tổng thống Nga - Putin. Còn chẳng nỗi buồn nào da diết hơn khi trước đó trong trận cầu Croatia - Argentina, khoảnh khắc Luka Modric sút tung lưới thủ thành Willy Cabralero, đâu đó trên khán đài xuất hiện những giọt nước mắt, trong đó có cả của những em bé đẹp như thiên thần. Và khi mà những trận cầu World Cup đi qua, tôi lại nhớ đến câu chuyên ban sáng nơi quán cà phê. Có lẽ giờ này, đội Pháp vô địch và người đàn ông lớn tuổi đang vui. Thế nhưng còn gã trẻ kia, canh bạc cuối cùng mùa World Cup ra sao? Sẽ là những đêm vui khi thắng cược và ngược lại, nợ nần thêm chất chồng. Tôi không tường tận nhưng hiểu rằng, giọt nước mắt kia là có thật và cả những "cái chết tủi nhục" mùa World Cup nữa.

Thế nên, dù có đam mê bóng đá, hãy là người sáng suốt, đừng theo con đường cá độ, tỉ số để niềm vui được trọn vẹn, và nỗi buồn (nếu có) khi đội mình yêu thích không giành chiến thắng chỉ có thể là cảm xúc của bản thân để không ảnh hưởng, liên lụy đến gia đình, người thân...

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấm áp những nụ cười không quen

Cách đây khá lâu, khi tôi đang đi bộ dọc bờ sông Hương cùng mẹ, có một cô gái người nước ngoài đi ngược đường cười với tôi một cái rõ tươi. Tôi cũng đáp lại nhưng hơi ngớ người vì nhớ rằng mình không hề quen biết họ. Tôi quay sang hỏi mẹ: “Sao tự dưng người ta lại cười với con hả mẹ?”. Mẹ tôi đáp: “Có những người tính cách thân thiện như vậy, con cứ mỉm cười lại với họ!”.

Ấm áp những nụ cười không quen
Tác nghiệp trên sóng Trường Sa: Nước mắt và nụ cười

Thời gian chuyến tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là 18 ngày, nhưng với tôi, cảm xúc trong trái tim mãi đầy theo năm tháng, khi đã được “chạm” vào thiêng liêng tiếng sóng; rưng rưng ngước lên Quốc kỳ hiên ngang tung bay, in vào sóng bóng hình đất nước; mang theo hình ảnh người lính kiên cường giữa trùng khơi, cất lên giọng hát hào hùng: “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…”

Tác nghiệp trên sóng Trường Sa Nước mắt và nụ cười
Nụ cười Đông Ba

Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu từ thời con gái như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến bao buồn vui của ngôi chợ trên 120 tuổi này. Mệ kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Nụ cười Đông Ba
Return to top