Thể thao

Nghề trọng tài, vất vả & đam mê

ClockChủ Nhật, 29/05/2022 14:05
TTH - Gọi cho “oai” là những ông vua sân cỏ, nhưng nghề trọng tài bóng đá cũng lắm vất vả, gian nan. Nhiều trọng tài ở Huế theo đuổi nghề này như một nghề tay trái, nhưng đam mê cứ buộc họ khao khát có mặt trên sân cỏ.

Lịch thi đấu ngày 19/5 tại SEA Games 3110 vận động viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam rước đuốc tại SEA Games 31

Được gọi là những “ông vua áo đen” nhưng các trọng tài cũng gặp nhiều áp lực

Nghề… part-time

Trở lại sân cỏ với những giải bóng đá phong trào từ giữa sau tháng 3/2022, trọng tài người Huế - Ngô Đắc Tiến tỏ ra khá hào hứng sau hai năm ít "ra sân" do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Anh Tiến bảo: “Là trọng tài của giải hạng Nhất quốc gia nhưng mình vẫn tham gia các giải phong trào ở Huế. Nghề trọng tài không mang lại thu nhập lớn, nhưng đó lại là đam mê”.

Ngô Đắc Tiến không chỉ được biết đến với trọng tài bóng đá, thậm chí nhiều người còn quen anh hơn với vai trò một huấn luyện viên Taekwondo, làm nhiệm vụ tại Liên đoàn Taekwondo. Đam mê khiến anh Tiến vẫn theo nghề trọng tài bóng đá, bất chấp những khó khăn trong tập luyện và áp lực trên sân cỏ.

Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 60 trọng tài ở các cấp độ từ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Đa số các trọng tài bóng đá phong trào có chung một xuất phát điểm. Họ từng học về thể thao hoặc từng làm nghề liên quan đến thể thao, nhưng nhiều người lại không “sống” bằng thu nhập chính từ nghề này. Theo các trọng tài ở Huế, phần lớn trọng tài bóng đá đang làm các giải ở Huế là giáo viên thể dục, hoặc các nghề khác có liên quan. Nhiều người đến với nghề trọng tài như nghề tay trái, nghề part-time (bán thời gian) nhưng đầy đam mê. Trung bình mỗi trận đấu ở tỉnh, chế độ của tổ trọng tài từ 1 - 1,5 triệu đồng/4 người, còn ở giải cấp huyện, xã là 800.000 - 1 triệu đồng/4 người. “Tuy thu nhập không cao, vất vả tập luyện và chịu ảnh hưởng bởi nắng mưa thời tiết, nhưng ai cũng vui và theo đuổi với nghề vì đam mê”, anh Nguyễn Thành Nhơn, trọng tài của Liên đoàn Bóng đá tỉnh chia sẻ.

Trọng tài điều khiển một giải bóng đá phong trào ở Huế

Quá trình để trở thành trọng tài ngay từ đầu cũng lắm gian nan. Theo anh Lê Xuân Vũ, trọng tài quốc gia, Ủy viên Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá tỉnh, trước hết, họ phải được Ban trọng tài Liên đoàn Bóng đá tỉnh giới thiệu đi học lớp trọng tài sơ cấp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sau đó phấn đấu tốt mới được chọn tiếp để học lớp nâng cao, điều động làm các giải trẻ từ U11 - U13, tiến đến các giải U17 - U19…, giải hạng Nhì rồi các giải cao hơn. Muốn gắn bó với nghề, mỗi trọng tài đều phải tập luyện hằng ngày, nhất là thể lực, các bài tập duy trì sức bền, tốc độ và thường xuyên cập nhật kiến thức luật. Các trọng tài chuyên nghiệp, trọng tài giải hạng Nhất mỗi năm phải trải qua hai lần kiểm tra thể lực. Con số này với trọng tài giải hạng Nhì, các giải trẻ ít hơn 1 lần, còn các trọng tài phong trào tuy không quá khắt khe các bài kiểm tra, nhưng không vì thế có thể quên đi sự chuyên cần tập luyện.

Trên sân thi đấu, trọng tài không hề nhàn. Ước tính của các trọng tài cho biết, với các giải quốc gia, trung bình họ phải chạy 12km/trận. Với những giải đấu sân 7 người, quãng đường phải chạy ít hơn, nhưng vẫn rất cần duy trì thể lực tốt, đảm bảo theo dõi và quan sát để đưa ra các quyết định đúng đắn.

Cố gắng vì tình yêu bóng đá

Bóng đá là môn thể thao mang tính cạnh tranh quyết liệt giữa các cầu thủ. Chính vì thế, trọng tài là người đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cũng như xử lý các tình huống trên sân. Họ phải chịu áp lực từ cầu thủ, ban huấn luyện đội bóng và khán giả. Một trọng tài bóng đá phong trào ở Huế chia sẻ: “Khi "cầm còi" một trận đấu, chúng tôi hay gặp trở ngại lớn nhất là việc các cầu thủ và cổ động viên phản ứng. Trọng tài cũng có thể bị chửi, bị dọa đánh và nhiều vấn đề phức tạp khác. Trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp lẫn phong trào, đã có nhiều trọng tài bị các cầu thủ hoặc cổ động viên hành hung vì cho rằng bị xử ép”.

Anh Dương Nguyễn Phước Đức, trọng tài các giải phong trào ở Huế cho rằng, giải phong trào càng có nhiều nỗi lo hơn bởi do quy mô giải, ít có giải pháp bảo vệ cho trọng tài, trong khi nhiều cầu thủ, khán giả còn chưa nắm rõ về luật.

Áp lực lớn, nhưng theo trọng tài Lê Xuân Vũ, niềm vui lớn nhất với người "cầm còi" là việc không để xảy ra sai sót nào trong trận đấu hay được nhận những lời khen ngợi của cầu thủ, huấn luyên viên và khán giả... Đó chính là động lực để họ gắn bó với nghề.

Trên thực tế, dù nắm rõ luật nhưng trọng tài đôi khi vẫn mắc những sai sót nhất định. Ngoài việc phải hứng chịu những lời chỉ trích từ cầu thủ và khán giả, những sai sót vô ý cũng khiến họ ray rứt. Trọng tài Ngô Đức Tiến cho biết: “Trong các trận đấu, một số sai sót có thể xảy ra có thể do góc nhìn của trọng tài không thuận lợi, hay tình huống quá nhanh khiến trọng tài không theo kịp dẫn đến quyết định sai lầm. Những lúc như thế, những người làm nghề đều cảm thấy rất buồn. Tuy nhiên, vì niềm đam mê, mỗi trọng tài học cách vượt qua để tiếp tục gắn bó”.

Người "trong cuộc" thừa nhận nghề trọng tài nhiều vất vả, áp lực. Thế nhưng vì yêu với trái bóng tròn, nghĩ đến tính công bằng trong bóng đá, nhiều người vẫn gắn bó để gìn giữ tính kỷ luật và vẻ đẹp của môn thể thao vua.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đam mê kiến trúc Pháp

Những công trình kiến trúc Pháp được xem là một phần quan trọng trong bức tranh văn hóa và lịch sử vùng đất Cố đô. Đó cũng là điều thôi thúc các bạn trẻ đến từ Khoa Kiến trúc, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế tìm cách góp phần bảo tồn hình bóng Huế xưa.

Đam mê kiến trúc Pháp
Nữ sinh biến đam mê thành thành tích

Từ niềm đam mê những bước chạy, nữ học sinh Trường THCS Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - Ngô Thị Đoan Trang đã nỗ lực tập luyện để đem về liên tiếp những tấm huy chương Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc.

Nữ sinh biến đam mê thành thành tích
Nuôi dưỡng đam mê robot trong học đường

Với niềm yêu thích mày mò, khám phá và chế tạo robot, các thành viên của câu lạc bộ (CLB) robot Trường THPT chuyên Quốc Học Huế - QH Panthers đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại Derichs - Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng năm 2024.

Nuôi dưỡng đam mê robot trong học đường
Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng

Do đặc thù công việc, nhiều lao động phải làm việc ngoài trời thường xuyên khi nhiệt độ thời tiết tăng cao. Ngoài kỹ năng phòng bị cho bản thân, các chuyên gia y tế khuyến cáo một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Vất vả mưu sinh, gồng mình chống nóng
Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề

Lực lượng trẻ đóng vai trò quan trọng trong làm chủ kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Họ còn là đội ngũ kế cận trên hành trình xây dựng, phát triển đơn vị hướng tới ngang tầm khu vực, thế giới…

Nuôi dưỡng đam mê, cống hiến cho nghề
Return to top