Thế giới

WHO: COVID-19 là “đại dịch có thể kiểm soát”

ClockThứ Sáu, 13/03/2020 07:39
TTH.VN - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/3 nhận định, sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (virus SARS-CoV-2, dịch bệnh COVID-19) "là một đại dịch có thể kiểm soát", nếu các quốc gia đẩy mạnh biện pháp để giải quyết nó.

Đại dịch COVID-19: Năm điều nên biếtNgười phát ngôn Y tế: Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn “đỉnh dịch” Covid-19Pháp thử nghiệm lâm sàng 3 loại thuốc điều trị COVID-19

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN

Trước đó vào ngày 11/3, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, sự bùng phát toàn cầu của COVID-19 hiện có thể được xem là một đại dịch, một căn bệnh lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các nhà ngoại giao ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ) rằng, việc mô tả sự bùng phát này là một đại dịch không có nghĩa là các quốc gia từ bỏ cuộc chiến để ngăn chặn nó lan rộng hơn nữa.

"Đây là một đại dịch có thể kiểm soát. Chúng tôi quan ngại sâu sắc rằng, một số quốc gia không tiếp cận mối đe dọa này với mức độ cam kết chính trị cần thiết để kiểm soát nó”, Tổng giám đốc WHO nói trong một tuyên bố.

Theo thống kê của Hãng thông tấn AFP, hơn 4.500 người tử vong, trong khi WHO cho biết, khoảng 125.000 trường hợp nhiễm bệnh đã được báo cáo từ 118 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

"Để cứu sống mọi người, chúng ta phải làm giảm sự lây nhiễm. Điều đó có nghĩa là tìm ra và cách ly càng nhiều trường hợp nhiễm bệnh càng tốt, và cách ly những người tiếp xúc gần nhất với họ", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh; đồng thời thúc giục các quốc gia kiểm tra mọi trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trong nỗ lực làm chậm lại sự lây truyền của dịch bệnh.

"Ngay cả khi bạn không thể ngừng sự lây truyền lại, bạn có thể làm chậm nó và bảo vệ các cơ sở y tế, nơi chăm sóc người già và những khu vực quan trọng khác, nhưng chỉ khi bạn kiểm tra tất cả các trường hợp nghi ngờ", người đứng đầu WHO lưu ý.

Đa số các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12 năm ngoái; nhưng các điểm nóng lớn cũng xuất hiện ở Hàn Quốc, Iran, và Italy.

Theo WHO, tổng cộng, 4 quốc gia này chiếm hơn 90% tất cả các ca bệnh được báo cáo.

Giám sát mạnh mẽ

Đại dịch đã và đang làm gián đoạn các sự kiện văn hóa và thể thao trên khắp thế giới, khi các nhà chức trách cố gắng ngăn chặn những cuộc tụ họp lớn.

Các quốc gia cần tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, "ngăn chặn" cần tiếp tục là trụ cột trung tâm trong bất kỳ kế hoạch nào để giải quyết sự lây lan của căn bệnh này.                      

"Bạn không thể chống lại virus nếu bạn không biết nó ở đâu. Điều đó có nghĩa là giám sát mạnh mẽ để tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và điều trị mọi trường hợp, để phá vỡ chuỗi lây truyền", theo người đứng đầu WHO.

Qua đó, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia không bị ảnh hưởng chuẩn bị cơ sở y tế, đồng thời thúc giục tất cả các quốc gia đổi mới và chia sẻ bất kỳ cách mới nào để ngăn ngừa lây nhiễm và giảm thiểu tác động của đợt bùng phát dịch bệnh.

81 quốc gia chưa báo cáo bất kỳ trường hợp nào, vì vậy họ nên làm mọi cách để không xuất hiện các ca nhiễm bệnh. 57 quốc gia khác đã báo cáo 10 trường hợp hoặc ít hơn, vì vậy họ có thể ngăn chặn căn bệnh này phát triển.

Hơn 440 triệu USD vừa được cam kết cho kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Tất cả các Chính phủ mở rộng phản ứng

Trong một động thái liên quan, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hối thúc các Chính phủ trên thế giới khẩn trương mở rộng phản ứng đối với chủng mới của virus Corona.

"Tuyên bố về đại dịch là một lời kêu gọi hành động dành cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. Tôi kêu gọi mọi Chính phủ đẩy mạnh và tăng cường nỗ lực ngay bây giờ", người đứng đầu LHQ khẳng định trong một tuyên bố.

Trong một thông điệp, ông Antonio Guterres cho hay: “Khi chúng ta chiến đấu với virus, chúng ta không thể để nỗi sợ lây lan nhanh chóng. Cùng nhau, chúng ta vẫn có thể thay đổi tình hình diễn biến của đại dịch này… Khoa học tốt nhất cho chúng ta thấy rằng, nếu các quốc gia phát hiện, kiểm tra, điều trị, cách ly, theo dõi và huy động người dân của họ trong các phản ứng, chúng ta có thể thành công trong việc giảm thiểu sự lây nhiễm".

Tổng Thư ký LHQ kêu gọi tất cả các Chính phủ đẩy mạnh và mở rộng các nỗ lực của họ, và nói thêm rằng: “Khi chúng ta thương tiếc tất cả những người đã mất đi sinh mạng và nhiều gia đình đang đau khổ, chúng ta phải thể hiện sự đoàn kết với những người dễ bị tổn thương nhất, đó là người cao tuổi, người bệnh, những người không được chăm sóc sức khỏe tốt và những người đang ở bên bờ vực nghèo đói".

Ngoài ra, khi được hỏi về việc liệu các quốc gia có nên đóng cửa trường học, biên giới và sân bay như một biện pháp phòng ngừa hay không, ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của WHO cho rằng, đây là quyết định đối với các Chính phủ quốc gia. Hành động của họ dựa trên đánh giá của họ về mức độ rủi ro và mức độ chấp nhận của biện pháp.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP, Straits Times & UN News)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có

Trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu, các dịch bệnh và tình trạng di dời đang tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có, với 305 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp vào năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang kêu gọi 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các biện pháp can thiệp y tế cứu sống trên toàn thế giới.

WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top