Thế giới

"Vũ khí" diệt biến chủng Omicron có thể "trình làng" vào đầu năm sau

ClockThứ Hai, 29/11/2021 12:28
Giám đốc y tế của hãng dược Moderna, Paul Burton, cho biết ông nghi ngờ biến chủng Omicron mới có thể kháng các vaccine Covid-19 hiện tại, do vậy cần phát triển loại vaccine mới để đối phó với biến chủng này.

FDA Mỹ cho phép tiêm kết hợp vaccine COVID-19 đối với liều tăng cườngỦy ban cố vấn FDA khuyến nghị cấp phép mũi 2 vắc xin Johnson & JohnsonWHO kêu gọi Đông Nam Á cảnh giác trước biến thể OmicronLo ngại về biến thể Omicron, nhiều quốc gia siết chặt hạn chế đi lạiKhẩn trương đánh giá hiệu quả thuốc, vắc xin với biến thể Omicron

Vaccine vẫn là "vũ khí" đối phó với chủng virus mới (Ảnh: Shutter Stock)

"Chúng ta cần biết về khả năng bảo vệ của vaccine hiện tại trong vài tuần tới. Nếu phải sản xuất một loại vaccine hoàn toàn mới, tôi nghĩ đó sẽ là đầu năm 2022 trước khi loại vaccine đó sẵn sàng được sản xuất với số lượng lớn", tiến sĩ Burton cho biết hôm 28/11 trong cuộc phỏng vấn trên BBC.

"Điều đáng chú ý về vaccine mRNA, nền tảng của Moderna, là chúng tôi có thể phát triển rất nhanh", ông Burton nói thêm.

Vào ngày Lễ Tạ ơn tuần trước, Morderna, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ đã huy động hàng trăm nhân viên nghiên cứu về biến chủng Omicron, sau khi thông tin về biến chủng này được lan truyền.

Omicron (hay B.1.1.529) là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. WHO vừa xếp Omicron vào nhóm biến chủng "đáng lo ngại" cần nghiên cứu về mức độ gia tăng lây nhiễm hoặc kháng vaccine, né miễn dịch.

Omicron gây lo ngại bởi có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến ở Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay. Omicron hiện đã lan đến hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước châu Âu.

Ông Burton cho biết vaccine Covid-19 hiện tại vẫn có khả năng bảo vệ nhất định, tùy thuộc vào thời gian tiêm chủng trước đó. Chuyên gia của Moderna nói rằng, lời khuyên tốt nhất bây giờ là mọi người nên tiêm ít nhất một loại vaccine sẵn có.

"Nếu chưa được tiêm phòng, hãy tiêm phòng. Đây là một chủng virus nguy hiểm, nhưng tôi nghĩ hiện tại chúng ta có nhiều công cụ trong kho vũ khí để chống lại nó", ông Burton nhấn mạnh.

Moderna ngày 28/11 cho biết hãng đang làm việc nhanh chóng để thử nghiệm hiệu quả vacine Covid-19 của hãng trong việc chống lại biến chủng Omicron, đồng thời nghiên cứu 2 loại vaccine tăng cường khác.

"Kể từ đầu năm 2021, Moderna đã thúc đẩy một chiến lược toàn diện để đón đầu các biến chủng đáng lo ngại mới. Công ty đã nhiều lần chứng minh khả năng phát triển các loại vaccine mới để thử nghiệm lâm sàng trong 60-90 ngày", thông cáo của Moderna cho biết.

Giáo sư Andrew Pollard, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine Oxford, cũng cho rằng các loại vaccine Covid-19 hiện nay vẫn có tác dụng chống lại chủng virus mới, nhưng điều này sẽ trở nên rõ ràng sau khi có thêm nghiên cứu trong những tuần tới.

AstraZeneca cho biết họ đang "hợp tác chặt chẽ với Đại học Oxford để phát triển một nền tảng vaccine cho phép phản ứng nhanh chóng với các biến chủng mới". Hãng dược có trụ sở tại Anh cho biết họ "đã tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm nơi biến chủng mới đã được xác định".

Các nhà sản xuất vaccine Pfizer-BioNTech và Novavax cũng cho biết họ tự tin có thể đối phó với chủng virus Omicron.

Hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) cho biết họ hiện chưa chắc chắn liệu biến chủng Omicron mới có khả năng né vaccine của hãng hay không. Tuy nhiên, hai hãng dược cho biết, họ có thể phát triển vaccine mới phiên bản chống Omicron trong 100 ngày.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Return to top