ClockThứ Hai, 14/03/2016 14:46

Syria “đàm” do Mỹ - Nga “phán”

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria hiện nay thật sự là sản phẩm do các nước lớn đạo diễn, mà MC (người dẫn chương trình) là đặc phái viên của tổng thư ký LHQ về Syria, ông Staffan De Mistura.

Lệnh ngừng bắn ở Syria có thể là “cơ hội cuối cùng để ngăn chặn bạo lực”LHQ tiếp tục trì hoãn vòng hòa đàm mới về Syria

Người bán trái cây ở thủ đô Damascus nói rằng ông mong “đàm phán ở Geneva đem lại sự khác biệt”. Các phe phái chính trị đánh đấm quá lâu và người dân quá mệt mỏi - Ảnh: Reuters

Cuộc đàm phán do Liên Hiệp Quốc bảo trợ giữa đôi bên Syria kình chống nhau sẽ được nối lại tại Geneva từ ngày 14-3, sau hơn ba tuần thi hành tương đối khả quan một thỏa thuận ngưng bắn được Mỹ và Nga áp đặt từ ngày 27-2.

Giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria hiện nay thật sự là sản phẩm do các nước lớn đạo diễn, mà MC (người dẫn chương trình) là đặc phái viên của tổng thư ký LHQ về Syria, ông Staffan De Mistura.

Sau nhiều lần nói tới nói lui, De Mistura ấn định nối lại đàm phán gián tiếp giữa đôi bên Syria tại Geneva vào ngày 14-3.

Ba nội dung trọng tâm của tiến trình đàm phán này, đồng thời là ba bước tuần tự, bao gồm: hình thành “một chính phủ tập hợp”; soạn thảo hiến pháp mới; và tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống. Thời hạn của tiến trình dự kiến kéo dài 18 tháng!

Áp đặt giải pháp và bất đồng nan giải

Đôi bên đối nghịch nhau tại Syria thể hiện sự cách biệt lớn lao về quan niệm đối với cả ba nội dung “bị áp đặt” trên.

Bên Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định “chính quyền mới” chỉ là sự cải tổ chính phủ hiện nay ở Damascus theo hướng mở rộng, có sự tham gia của một số thành phần “đối lập” do al-Assad chấp nhận.

Không cần hiến pháp mới mà chỉ cần cải tổ, bổ sung hiến pháp hiện nay của Syria. Bầu cử thì đã có quy định trong hiến pháp hiện thời, chỉ cần mở rộng quyền ứng cử cho các thành phần đối lập được Damascus 
thừa nhận tham gia.

Tổng thống al-Assad đã thể hiện sự thách thức của mình khi ký sắc lệnh, hôm 22-2 vừa qua, ấn định tổ chức bầu quốc hội nhiệm kỳ mới vào ngày 13-4.

Ngay cả Nga cũng coi động thái này của al-Assad là trái với nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an quy định tiến trình chính trị cho Syria.

Còn bên đối lập thì kiên quyết đòi thành lập “một chính quyền chuyển tiếp có đủ thẩm quyền”, nghĩa là xóa bỏ chính quyền hiện nay ở Damascus, al-Assad không được tham gia ngay từ thời gian đầu của sự chuyển tiếp này.

Xây dựng hiến pháp mới cũng trên căn bản hủy bỏ hiến pháp hiện hữu. Hiến pháp mới sẽ quy định việc tổ chức tổng tuyển cử bầu quốc hội và tổng thống, mà ông al-Assad không được quyền ứng cử.

Hiện Iran ủng hộ lập trường của Chính phủ Syria. Còn Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía phe đối lập.

Phương án “nhà nước liên bang Syria”

Xem ra, nếu đã phải buộc đôi bên từ bỏ phân định thắng thua trên chiến trường thì cũng không thể trông chờ gì ở đôi bên cù nhầy với nhau trên bàn đàm phán đến vô định!

Bởi thế, cả Mỹ và Nga đã chủ động đánh tiếng về một hình thái cuối cùng cho Syria 
“thời hậu al-Assad”.

Ngày 1-3, Nga và Mỹ đồng loạt nêu ý tưởng về một “nhà nước liên bang” cho Syria trong tương lai, coi đây là giải pháp khả thi nhất để duy trì sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Syria trong hoàn cảnh “chia năm xẻ bảy” như hiện nay.

Theo ý tưởng này, Syria sẽ có ba “bang” cho ba thế lực mạnh nhất hiện nay gồm khu vực thuộc chính quyền Syria, thuộc phe đối lập và thuộc người Kurd Syria.

Ý tưởng này còn tính đến phân chia địa bàn hiện do lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng sau khi tổ chức khủng bố này bị xóa sổ.

Theo đó, chính quyền Syria sẽ tiếp quản thành phố Raqqa - “thủ đô” hiện nay của IS. Phe đối lập tiếp quản phần lớn địa bàn của IS hiện tại.

Ý tưởng này vừa tung ra đã gặp ngay những phản ứng trái chiều mà chủ yếu là không chấp nhận. Chính quyền al-Assad và phe đối lập cùng “chung lập trường” phản đối.

Chỉ có người Kurd tán thành, bởi người Kurd đã công khai đòi “khu vực tự trị” từ tháng 12-2013. Các bên liên quan trong khu vực, cả khối Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng không tán thành 
phân chia Syria.

Nguyên nhân chính khiến ba bên vốn không cùng chiến tuyến này nay đồng quan điểm về “bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria” là sự lo ngại nguy cơ hình thành khu vực tự trị cho người Kurd tại Syria.

Nếu hình thành một “Kurdistan Syria” nữa, mà trước đó đã có Kurdistan Iraq từ năm 1991 đến nay rồi, tất yếu sẽ khuyến khích cộng đồng người Kurd đông đảo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran noi theo.

Và tương lai về sự xuất hiện của một nhà nước riêng cho người Kurd trên bản đồ thế giới, tại khu vực địa lý liền mạch thuộc bốn quốc gia hiện nay (gồm Iran, Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ), có vẻ không còn quá xa vời!

Đàm phán ngày 14-3 chưa biết sẽ đi đến đâu vì các nhóm đàm phán đều tuyên bố cứng giữ lập trường của mình. Nhưng chỉ riêng việc ngưng bắn được căn bản thực thi từ ngày 27-2 đến nay đã là quá diễm phúc cho nhân dân và đất nước Syria rồi.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay Iran

Ngày 7-3, tại Tehran, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng Iran “kiên quyết bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ của Syria”.

Ông khẳng định “có mâu thuẫn với Nga về ý tưởng phân chia Syria”, và “phối hợp với Nga không có nghĩa là Iran tán thành mọi bước đi của Nga tại Syria”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thì đã nhiều lần tuyên bố từ lâu “không cho phép” hình thành một thực thể tự trị người Kurd tại Syria!

Ngày 6-3, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thực hiện chuyến công du khá bất ngờ đến Tehran, mà một trong những nội dung chính là phối hợp lập trường với Iran để cản trở nguy cơ hình thành khu vực tự trị cho người Kurd tại Syria.

Hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin khi tiếp Thủ tướng Davutoglu, Tổng thống Rouhani nói “không có mâu thuẫn” giữa hai nước về các nguyên tắc “tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và vận mệnh quốc gia phải do nhân dân của họ quyết định”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thì nói thẳng nước ông 
bác bỏ các phương án chia nhỏ Syria thành các tiểu quốc.

Theo Tuổi trẻ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

TIN MỚI

Return to top