ClockThứ Hai, 19/11/2018 14:49

Cháy rừng California: Vì sao số người chết quá nhiều?

Trận cháy rừng khủng khiếp ở bang California (Mỹ) hơn 10 ngày qua vẫn chưa được dập tắt. Số thương vong lớn không ngờ, bên cạnh 79 người chết và hàng chục người bị thương, tính đến ngày 17/11 còn hơn 1.300 người chưa rõ tung tích.

Mỹ tìm kiếm gần 1.300 người mất tích trong cháy rừng CaliforniaMỹ: Hơn 1.000 người mất tích trong thảm họa cháy rừng ở CaliforniaCần ít nhất hai tuần để khống chế các đám cháy rừng ở California, MỹCháy rừng ở California, quận Cam báo động đỏ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/11 đến thị trấn Paradise ở Bắc California - nơi gần như bị xóa sổ trong đám cháy Camp Fire và TP Malibu ở Nam California - một trong những địa phương đám cháy Woolsey càn quét. Đi cùng với ông Trump là đương kim Thống đốc California Jerry Bromwn và Thống đốc đắc cử Gavin Newsom. Dù đều là người của đảng Dân chủ và vốn chỉ trích mạnh ông Trump nhưng cả hai ông Brown và Newsom đều hoan nghênh chuyến thăm của ông Trump. Nhiều người dân California hài lòng khi thấy ông Trump đích thân đến hiện trường chứ không phải chỉ nhìn thảm họa qua truyền hình.

Vì sao cháy?

Ngày 10/11, hai ngày khi cháy xảy ra, ông Trump lên Twitter chỉ trích chính quyền bang California quản lý rừng kém, dọa cắt hỗ trợ. Theo New York Times, ngày 17/11, đứng trước xác một ngôi nhà di động bị thiêu rụi ở Paradise, ông Trump đã rất sốc trước quy mô trận cháy. Nhẹ giọng hơn nhiều so với những gì thể hiện trên Twitter tuần trước, ông Trump nói nguyên nhân cháy là vì “rất nhiều yếu tố”, cho biết sẽ hỗ trợ hết mình giúp bang California vượt qua thảm họa.

Theo New York Times, một trong hai đám cháy bắt nguồn từ việc một người dân dọn dẹp hàng rào trên thảm thực vật khô. Đám cháy còn lại bắt nguồn từ một bữa tiệc nướng trong sân vườn. Tuy nhiên, quá trình điều tra nguyên nhân chính xác sẽ mất hàng tháng trời. Thực hiện điều tra không chỉ có bộ phận điều tra của chính quyền bang California mà có cả các công ty bảo hiểm.

Các nhà điều tra cũng đang cân nhắc đến nguyên nhân do điện, phòng khả năng có thể dây điện rớt xuống cành cây hay có trục trặc ở các thiết bị điện. Điện từng được xác định là nguyên nhân của nhiều vụ cháy rừng trước đây ở Bắc California. Trong 21 vụ cháy rừng ở Bắc California mùa thu vừa rồi thì có ít nhất 17 vụ do điện.

Các yếu tố nguy cơ khác cũng được tính đến, từ vứt tàn thuốc vô ý đến việc ống pô xe nóng kích cháy đám thực bì dày. Các nhà điều tra cũng thu thập và kiểm tra các đoạn video quay cảnh cháy được đưa lên mạng xã hội để có cái nhìn toàn cảnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với Thống đốc California đắc cử Gavin Newsom (trái) và Thống đốc California sắp ra đi Jerry Brown (phải) khi đến thị trấn Paradise, bang California (Mỹ) ngày 17/11. Ảnh: AP

Lửa lan nhanh, khó dập tắt

Theo New York Times, có bốn nguyên nhân chính. Đầu tiên là do khí hậu đặc thù khô nóng của California, khả năng cháy càng dễ xảy ra và độ nghiêm trọng càng lớn khi nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên. Đám cháy Camp Fire xảy ra trong điều kiện hạn hán kéo dài, nhiều vùng đất và cây cối cả hơn 200 ngày không có mưa.

Thứ hai là con người. Cháy thỉnh thoảng có thể xảy ra vì nguyên nhân tự nhiên như sét đánh nhưng hầu hết là từ con người. Phần lớn nguyên nhân các vụ cháy lớn xảy ra ở California là vì con người. Một nguy cơ lớn là vì thực tế lượng người di chuyển đến sống gần rừng, thậm chí len lỏi trong các khu rừng ngày càng nhiều. Theo nhà khoa học Mỹ Park Williams chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu lên sinh vật, California vốn đông dân và mùa khô lại rất dài, chỉ hai điều này thôi cũng có thể hiểu tại sao bang này dễ xảy ra cháy rừng.

Thứ ba là sai lầm trong phòng cháy rừng, để đám thực bì khô quá dày và một khi xảy ra cháy thì lửa lan rất nhanh. Sau một thế kỷ sai lầm, những năm gần đây Cơ quan rừng Mỹ đã dần điều chỉnh bằng cách áp dụng phương pháp “đốt có kiểm soát” các đám thực bì. Thêm nữa, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng việc đốn gỗ ở khu vực rừng từng xảy ra cháy năm 2008 không những không làm Bắc California an toàn hơn mà ngược lại khiến đường đi của lửa thông thoáng hơn.

Cuối cùng là gió mạnh. Cứ mỗi mùa thu lại xuất hiện các đợt gió Santa Ana thổi khí khô đến California. Theo các nhà địa lý học, California hằng năm có hai đợt cháy rừng, một từ tháng 6 đến tháng 9 và một từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Đợt cháy thứ hai thường lan nhanh hơn gấp ba lần và nghiêm trọng hơn nhiều vì có sự giúp sức của các đợt gió Santa Ana.

Nếu mưa - thường xuất hiện vào tháng 10 - không đến kịp như năm nay, các đợt gió Santa Ana càng làm không khí khô thêm khô hơn và dĩ nhiên cháy một khi xảy ra sẽ càng khủng khiếp hơn. Theo lời một trưởng nhóm cứu hỏa nói với Los Angeles Times thì nguyên nhân khiến trận cháy rừng vẫn chưa được dập tắt dù đã hơn 10 ngày là vì các đợt gió Santa Ana rất mạnh, di chuyển với vận tốc 80 km/giờ, lại còn thổi theo nhiều hướng. Hai yếu tố nữa khiến lửa lan quá nhanh và khó kiềm chế là vì độ ẩm thấp và nhiệt độ cao ở khắp California. Thêm nữa, các đợt gió khô nóng Santa Ana làm mực độ ẩm càng xuống thấp.

California ô nhiễm không khí nhất thế giới

Khủng khiếp nhất là đám cháy Camp Fire ở quận Butte, Bắc California. Phần lớn người chết là ở khu vực này (76 người), 1.276 người mất tích, 12.800 công trình, nhà cửa bị cháy rụi, 372.00 ha rừng bị thiêu. Tính tới ngày 17/11, đám cháy mới được khống chế 55%. Tại Nam California, đám cháy Woolsey Fire ở hai quận Los Angeles và Ventura làm ba người chết, 713 công trình, nhà cửa bị cháy, 57.000 công trình khác đang bị đe dọa, 246.000 ha rừng bị thiêu rụi. Đám cháy đã được khống chế 82%. California đang là địa phương ô nhiễm không khí nhất thế giới do khói từ cháy rừng, cao hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc, theo đo lường của tổ chức giám sát chất lượng không khí Purple Air.

Theo Dantri

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên

Hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER vừa công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Mỹ thúc đẩy xây nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên
Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

TIN MỚI

Return to top