Thế giới

Nhật Bản cam kết hỗ trợ tài chính giúp ASEAN khử carbon

ClockChủ Nhật, 05/03/2023 15:16
TTH.VN - Nhật Bản ngày 4/3 đã cam kết hỗ trợ tài chính và công nghệ, để giúp các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đẩy nhanh nỗ lực khử carbon cho nền kinh tế và chống lại biến đổi khí hậu.
leftcenterrightdel
 

Xe buýt tại một trạm cấp hydrogen ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: ENEOS/TTXVN

Theo Hãng Thông tấn The Japan Times, Nhật Bản hy vọng trở thành nền kinh tế hydrogen hàng đầu thế giới, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống gây ô nhiễm, chẳng hạn như than đá và dầu mỏ.

Với vai trò là Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm nay, Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp cấp Bộ trưởng về khí hậu, năng lượng và môi trường tại thành phố Sapporo (Nhật Bản) từ ngày 15 - 16/4, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến diễn ra tại tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) từ ngày 19 - 21/5, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế.

Phát biểu tại cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, ông Yasutoshi Nishimura cho biết: “Nhật Bản sẽ đi đầu trong việc cung cấp hỗ trợ về tài chính, công nghệ và các nguồn lực cá nhân để hỗ trợ cho quá trình khử carbon của khu vực châu Á”.

Được biết, khuôn khổ AZEC đã được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề xuất hồi năm ngoái, với mục đích chia sẻ triết lý thúc đẩy quá trình khử carbon ở các quốc gia châu Á, đồng thời hợp tác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tại cuộc họp có sự tham dự của một số thành viên ASEAN và Australia, ông Yasutoshi Nishimura nói thêm, việc thúc đẩy hợp tác sẽ bao gồm năng lượng tái tạo, khí đốt tự nhiên, hydrogen và ammoniac, bên cạnh những lĩnh vực khác.

Trong một tuyên bố chung, AZEC đã kêu gọi nhóm hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng khử carbon và tạo ra các chuỗi cung ứng năng lượng sạch.

Tiếp đó, trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản nhấn mạnh: "Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản, chúng tôi muốn có sự lãnh đạo mạnh mẽ trong việc hỗ trợ họ về công nghệ, tài chính, bao gồm cả đầu tư từ khu vực tư nhân và phát triển nguồn nhân lực".

Ông Yasutoshi Nishimura cho rằng, các thành viên AZEC gồm Australia, Brunei, Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam có thể xem xét việc xây dựng một kế hoạch tổng thể về hydrogen và amoniac ở châu Á như một bước đi tiếp theo.

Như một bước đi cụ thể đầu tiên trong khuôn khổ AZEC, các công ty Nhật Bản, bao gồm Iwatani và Electric Power Development đã nhất trí cùng xây dựng chuỗi cung ứng hydrogen đầu tiên của Nhật Bản, giữa tiểu bang Victoria (Australia) và thành phố Kawasaki (Nhật Bản), nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới một xã hội sạch hơn, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản cho biết thêm.

Đáng chú ý, Nhật Bản sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào khí đốt, khí đốt tự nhiên hóa lỏng, cũng như hydrogen và amoniac trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 năm nay, nhưng sẽ tiếp tục duy trì môi trường sạch để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon năm 2050.

Các chuyên gia về khí hậu và năng lượng chỉ ra rằng, Đông Nam Á là trung tâm của cả tăng trưởng về kinh tế và khí thải, và những nỗ lực khử carbon sẽ mang lại tác động rất lớn đến tiến trình của cả khu vực và toàn cầu về hành động khí hậu. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với các nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu, bởi khu vực này chiếm 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu, và 60% lượng tiêu thụ than của thế giới.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Japan Times, Reuters & Kyodo News)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS
Return to top