Thế giới

Đông Nam Á cần một nỗ lực đa phương để khôi phục ngành du lịch và hàng không

ClockChủ Nhật, 04/07/2021 07:39
TTH - Trong một bài phân tích, ông Brendan Sobie, nhà sáng lập hãng tư vấn hàng không Sobie Aviation ( Singapore) cho rằng, ngành du lịch và hàng không tại Đông Nam Á đang trải qua một thời kỳ khó khăn khi làn sóng dịch bệnh mới tiếp tục gia tăng, gây cản trở mọi kế hoạch phục hồi của khu vực và đẩy lùi mốc thời gian nối lại các chuyến du lịch quốc tế.

ASEAN cần nhiều thập kỷ để thành lập cơ quan an toàn hàng không

ASEAN cần hợp tác để khôi phục ngành du lịch và hàng không. Ảnh minh họa: Getty Image

Theo ông Brendan, Đông Nam Á hiện đang phải đối mặt với sự phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác, điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước Đông Nam Á và khó thu hút khách du lịch quốc tế trong vài năm tới.

Mặc dù vậy, vẫn có tia sáng ở cuối đường hầm khi việc triển khai vaccine đang bắt đầu tăng tốc trong khu vực. Trên toàn cầu, hơn 25 quốc gia đã miễn cách ly hoặc đang có kế hoạch miễn cách ly cho những du khách đã tiêm phòng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các nước Đông Nam Á hiện khó có thể nới lỏng các quy định. Điều này khiến lưu lượng khách quốc tế tại Đông Nam Á giảm sút nghiêm trọng, chỉ ở mức khoảng 3% so với hồi trước đại dịch, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn cầu hiện tại là khoảng 15%. Khoảng chênh lệch này được cho là còn có thể gia tăng hơn nữa trong vài tháng tới khi các khu vực khác dần mở cửa đón khách trở lại, nhất là những khách du lịch đã tiêm chủng.

Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, dù số ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á hiện đang ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục, song đã đến lúc các chính phủ nên bắt đầu đưa ra các sáng kiến mới giúp nối lại các đường bay quốc tế, ít nhất là đối với những du khách đã tiêm phòng đầy đủ.

Cần có sự đồng thuận

Là khu vực phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế, giới chuyên gia cho rằng nếu ASEAN không sớm lên kế hoạch nối lại du lịch quốc tế, khu vực này có nguy cơ bị tụt hậu và gánh chịu thêm nhiều thiệt hại kinh tế. Thực tế hiện nay, ASEAN đang thiếu sự đồng thuận về các tiêu chuẩn và giao thức đi lại bằng đường hàng không, trở thành rào cản cho quá trình phục hồi.

Theo kênh CNA, một số quốc gia ASEAN hiện vẫn chưa áp dụng các hướng dẫn du lịch hàng không mới do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) công bố. Các nước trong khu vực, và trong một số trường hợp là các đơn vị chính quyền địa phương ở các quốc gia, đã áp dụng các quy định riêng, dẫn đến một loạt các quy tắc phức tạp và khó tuân thủ, gây bối rối cho nhiều du khách.

Ngoài ra, một số quốc gia chỉ công nhận “hộ chiếu vaccine” đối với những du khách đã tiêm các loại vaccine mà các nước đó đang sử dụng, thay vì tất cả các loại vaccine được WHO công nhận.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng các nước ASEAN cần khẩn trương xem xét một kế hoạch công nhận việc tiêm chủng lẫn nhau, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại các chuyến du lịch quốc tế. Đồng thời, giảm cách ly đối với tất cả khách du lịch đã tiêm phòng trong ASEAN sẽ là bước đầu tiên được hoan nghênh và bước đi sau đó có thể là miễn cách ly đối với tất cả du khách đã được tiêm vaccine đầy đủ.

…và một nỗ lực đa phương

Theo khuyến nghị của ông Brendan – tác giả “sách trắng” được xuất bản hồi tháng 12/2020 bởi Viện Nghiên cứu Hàng không tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), 10 nước thành viên ASEAN nên hợp tác cùng nhau trên cơ sở đa phương - thay vì song phương - để tạo nền tảng cho việc nối lại các chặng bay vốn đang đứt gãy.

Bản cập nhật “sách trắng” được SUTD công bố hồi đầu tháng 6 cũng khẳng định, “bong bóng vận tải hàng không xuyên ASEAN, cũng như các sáng kiến ​​khác như hộ chiếu y tế ASEAN, sẽ giúp tạo điều kiện phục hồi sớm hơn và mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho khu vực”.

Hồi tháng 3/2021, ASEAN từng tuyên bố đang xem xét triển khai một hộ chiếu vaccine COVID-19 kỹ thuật số chung, nhưng sáng kiến ​​này cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển, do những lo ngại về tính khả thi cũng như hệ luỵ của việc nới lỏng các biện pháp kiểm dịch khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trong khu vực. Tuy nhiên, dù hộ chiếu vaccine của ASEAN vẫn chưa đạt được, nhưng 10 nước thành viên vẫn có thể hợp tác về các tiêu chuẩn và giao thức đi lại, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa trở lại nói chung.

Song song đó, các nước ASEAN cũng nên làm việc cùng nhau để cùng thông qua các sáng kiến ​​trong ngành như Thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) hay các ứng dụng du lịch để tạo bước đệm cho kế hoạch khôi phục ngành hàng không.

Dù không thể thay đổi hoàn toàn triển vọng ảm đạm trong vài tháng tới cho đến khi các nước ASEAN ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm COVID-19 và đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng cho người dân, nhưng giới chuyên gia tin tưởng đây là thời điểm để Ban Thư ký ASEAN và các nước trong khối đẩy mạnh và đưa ra các giao thức và khuôn khổ để tạo điều kiện thúc đẩy sự phục hồi của du lịch quốc tế, có thể bắt đầu vào cuối năm nay và đạt thành tựu đáng kể vào đầu năm tới, khi tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 đạt được mức miễn dịch cộng đồng.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ CNA & Flightglobal)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Các nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực phát triển ngành bán dẫn của Việt Nam
Return to top