Thế giới

Đại dịch COVID-19: Hai năm nhìn lại

ClockThứ Hai, 20/12/2021 18:29
TTH.VN - Giao thừa sắp tới sẽ đánh dấu 2 năm từ khi ca nhiễm COVID-19 được báo cáo lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Kể từ đó, hơn 272 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận trên toàn thế giới và hơn 5,6 triệu người đã chết vì COVID-19, theo thống kê của Reuters.

Số ca nhiễm và từ vong vì COVID-19 nhanh chóng gia tăng trên toàn cầu. Ảnh: AFP/TTXVN

Để đối phó với cuộc khủng hoảng y tế này, các quốc gia trên toàn cầu đã sử dụng hơn 8,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 và các hãng dược vẫn tiếp tục chạy đua phát triển các phương pháp điều trị mới.

Hãy cùng điểm lại một số thời điểm quan trọng của đại dịch COVID-19 trong hai năm qua:

* Ngày 31/12/2019

Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, báo cáo một loạt các trường hợp “viêm phổi lạ” ở Vũ Hán, thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc. 

* Tháng 1/2020

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã xác định đợt bùng phát dịch bệnh này là do một loại virus corona mới gây ra. Ngay sau đó, Thái Lan đã báo cáo ca đầu tiên được xác nhận nhiễm virus coronabên ngoài Trung Quốc.

Ngày 23/1, Trung Quốc tuyên bố phong toả thành phố Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đến cuối tháng, WHO tuyên bố đợt bùng phát virus corona lúc đó là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm”.

* Tháng 2/2020

WHO đã đặt tên cho loại virus corona mới là SARS-CoV-2, từ viết tắt của hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng do virus corona 2 gây ra. Tổ chức này đặt tên cho căn bệnh này là COVID-19, viết tắt của Coronavirus Disease 2019.

* Tháng 3/2020

WHO chính thức tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là một “đại dịch toàn cầu”.

Vùng Lombardy của Ý trở thành “điểm nóng” về COVID-19, với hơn 3.000 ca tử vong, vượt xa số ca tử vong được báo cáo ở Hồ Bắc, Trung Quốc.

“Toàn bộ nước Ý giờ đã đóng cửa” là tiêu đề được đăng tải trên tờ Corriere della Sera, sau khi Rome áp đặt những biện pháp kiểm soát nghiêm gặt nhất đối với một quốc gia phương Tây kể từ Thế chiến II.

Một số quốc gia khác, bao gồm Tây Ban Nha, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Australia và Malaysia, cũng áp đặt các lệnh phong toả.

Vào ngày 13/3, Mỹ tuyên bố đại dịch COVID-19 là “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và giải ngân 50 tỷ USD viện trợ liên bang. Cuối tháng đó, California trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ ban hành lệnh “ở trong nhà”, trong khi New York đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu.

Ngày 24/3, Ấn Độ thông báo ngừng hoạt động trên toàn quốc, cùng ngày khi Thế vận hội mùa hè 2020 ở Nhật Bản được tuyên bố sẽ bị hoãn lại.

Ngày 27/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

WHO chính thức tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là một “đại dịch toàn cầu”. Ảnh: UMP

* Tháng 4/2020

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới vượt qua mốc 1 triệu người. WHO đã đưa ra bằng chứng cho thấy sự lây truyền từ người bị nhiễm bệnh có thể xảy ra trước khi các triệu chứng biểu hiện.

* Tháng 7/2020

Ngày 7/7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Cuối tháng đó, các hãng dược Moderna và Pfizer đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng lớn đối với các mũi vaccine ngừa COVID-19 của hãng.

* Tháng 9/2020

Số người chết vì COVID-19 vượt mốc 1 triệu người, chưa đầy một năm sau khi virus này được phát hiện ở Trung Quốc.

* Tháng 10/2020

Ngày 1/10, Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc đó là Donald Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, hơn một tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống.

* Tháng 11/2020

Hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech của Đức cho biết vaccine COVID-19 thử nghiệm của họ có hiệu quả ngăn ngừa bệnh hơn 90%, được xem là dữ liệu tạm thời thành công đầu tiên về vaccine COVID-19 từ một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.

Tiếp đó, Moderna trở thành công ty dược phẩm thứ 2 của Mỹ chứng minh được sự thành công của vaccine COVID-19, với báo cáo vaccine của hãng có hiệu quả phòng ngừa bệnh đến 94,5%.

* Tháng 12/2020

Anh đã phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm chủng đại trà chống lại virus SARS-CoV-2.

Ngày 11/12, Mỹ cho phép vaccine Pfizer-BioNTech được sử dụng khẩn cấp cho những người từ 16 tuổi trở lên khi số người chết vì COVID-19 ở nước này tăng lên gần 300.000 người.

Tiếp đó, các biến thể mới của virus corona đã được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Ấn Độ. WHO phân loại các biến thể từ Anh và Nam Phi là các biến thể cần quan tâm, sau đó, chúng đặt tên lần lượt là các chủng Alpha và Beta.

* Tháng 1/2021

WHO đã phân loại biến thể P.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Brazil vào tháng 11/2020, là “biến thể đáng lo ngại” sau sự gia tăng số ca mắc và tử vong ở nước này. Sau đó, nó được đặt tên là biến thể Gamma.

* Tháng 3/2021

Sao Paulo - bang đông dân nhất của Brazil thông báo ngừng hoạt động một phần để chống lại tình trạng lây nhiễm đang tăng nhanh, nguyên nhân một phần được cho là do việc triển khai vaccine chắp vá.

* Tháng 5/2021

WHO tuyên bố biến thể B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, là “biến thể cần quan tâm” ở cấp độ toàn cầu. Biến thể này đã thúc đẩy làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này, khiến số ca mắc hàng ngày lên đến hơn 300.000 ca và làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ.

WHO sau đó đã đặt tên cho biến thể này là Delta.

* Tháng 6/2021

Các ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá con số 4 triệu khi biến thể Delta trở thành chủng virus thống trị trên toàn thế giới.

* Tháng 7/2021

Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tăng cường nỗ lực chống lại biến thể Delta bằng cách triển khai việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người trên 60 tuổi.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Israel. Ảnh: AFP/Nhanhdan

* Tháng 8/2021

FDA Mỹ cấp phép tiêm liều thứ 3 của vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna cho những người bị suy giảm miễn dịch.

* Tháng 9/2021

Các cơ quan quản lý Mỹ kêu gọi tiêm mũi tăng cường vaccine cho những người từ 65 tuổi trở lên, tất cả những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và những người thường xuyên tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

* Tháng 10/2021

Mỹ cấp phép sử dụng mũi tăng cường vaccine Moderna cho một số bộ phận dân cư và mũi tăng cường từ Johnson & Johnson cho những người từ 18 tuổi trở lên. Nước này cũng ủng hộ việc sử dụng mũi tiêm tăng cường là một loại vaccine khác với loại trong lần tiêm chủng ban đầu.

Trong tháng này, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt qua con số 5 triệu.

* Tháng 11/2021

Ngày 4/11, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc uống kháng virus SARS-CoV-2 do Merck & Co Inc và Ridgeback Biotherapeutics đồng phát triển.

Mỹ cũng mở rộng nhóm đối tượng đủ điều kiện để tiêm nhắc lại cho tất cả người trưởng thành, ngay cả khi WHO lên tiếng lo ngại về việc cung cấp công bằng vaccine trên toàn cầu.

Một biến thể COVID-19 mới, sau này được gọi là Omicron, đã được phát hiện ở Hongkong (Trung Quốc) và miền nam châu Phi.

* Tháng 12/2021

Ngày 12/12, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Theo thống kê của Reuteurs, tính đến ngày 17/12, số người tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới là 5,6 triệu người.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top