Thế giới

ASEAN và EU nắm giữ vai trò quan trọng trong phục hồi đa dạng sinh học

ClockThứ Bảy, 11/02/2023 09:00
TTH - Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết được đăng tải trên Tờ The Straits Times, của các tác giả là ông Shawn Lum, Chủ tịch Hiệp hội Tự nhiên (Singapore) và ông Vinayagan Dharmarajah, Giám đốc khu vực châu Á thuộc Hiệp hội BirdLife International (Vương quốc Anh).

EU cam kết tập trung làm sâu sắc hơn mối quan hệ với ASEAN

 

Nhiều loài chim được nuôi dưỡng và bảo tồn tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong đó, các tác giả cho hay, Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học (COP15) được tổ chức hồi tháng 12/2022 tại thành phố Montreal (Canada) đã phê chuẩn Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, với các nội dung đáng chú ý trong việc bảo tồn 30% diện tích đất liền và đại dương trên trái đất nhằm bảo vệ thiên nhiên, và khôi phục ít nhất 30% môi trường sống bị suy thoái trên thế giới.

Sự hỗ trợ đáng kể

Điều này đặc biệt quan trọng đối với những khu rừng hùng vĩ, các rạn san hô phong phú, cũng như các vùng đất ngập nước và vùng đất than bùn nhiệt đới trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các hệ sinh thái quan trọng cần sự hỗ trợ đáng kể của con người để phục hồi.

Cụ thể, môi trường sống bị suy thoái thải ra một lượng lớn khí CO2, gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết bất ổn và khắc nghiệt hơn, làm gia tăng các thảm họa thiên nhiên như sạt lở đất hoặc lũ lụt. Mặt khác, các hệ sinh thái lành mạnh sẽ giúp chúng ta chống lại những nguy cơ bất ổn về khí hậu. “Điều quan trọng là cách tiếp cận chiến lược đối với quản lý đất đai, tích hợp sản xuất nông nghiệp hiệu quả với việc bảo vệ môi trường sống lành mạnh và đa dạng, trong khi cảnh quan bị suy thoái được phục hồi”, các tác giả lưu ý.

Về vấn đề này, một tuyên bố được đưa ra hồi năm ngoái cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã soạn thảo Luật Phục hồi Thiên nhiên, trong đó sẽ áp đặt các mục tiêu ràng buộc đối với các quốc gia thành viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi thiên nhiên.

Luật này sẽ tạo ra một khuôn khổ giúp các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khôi phục các môi trường sống bị suy thoái bao gồm rừng, đất than bùn, vùng đất ngập nước, đồng cỏ và đồng cỏ biển. Họ cũng sẽ nỗ lực đảo ngược sự suy giảm của các loài thụ phấn, ngăn chặn sự mất mát của không gian đô thị xanh, duy trì mức che phủ tối thiểu tại các thành phố châu Âu, tăng tính đa dạng của đất nông nghiệp, đồng thời cải thiện chất lượng và dòng chảy của các dòng sông.

Nhân rộng các sáng kiến

Tại Đông Nam Á, nơi các hình thái thời tiết không đồng đều và thiên tai được nhận định sẽ ngày càng tác động đến tăng trưởng kinh tế và khả năng phục hồi nhanh. Các sáng kiến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vốn đã đi theo con đường phục hồi. Trong đó, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, với Sáng kiến xanh ASEAN và Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học đã sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và điều phối sự phục hồi của các hệ sinh thái. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng hợp tác với nhau trong Chiến lược quản lý đất than bùn ASEAN, nhằm giải quyết vấn đề quản lý bền vững các vùng đất than bùn.

Đáng chú ý, Campuchia đi đầu trong việc bảo vệ thiên nhiên thông qua tài chính carbon; trong khi đó, Philippines là quốc gia rõ ràng nhất trong việc liên kết lợi ích của phục hồi với giảm nghèo, sự tham gia của thanh niên và trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua Chương trình Xanh hóa quốc gia. Singapore cũng đã phát triển và thực hiện tư duy xung quanh việc xanh hóa các thành phố thông qua Trung tâm Sinh thái và Cây xanh Đô thị.

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh và bền vững phụ thuộc vào mối quan hệ tích cực với thiên nhiên, ASEAN có thể khuyến khích việc nhân rộng các sáng kiến kinh tế và quỹ đạo tăng trưởng, giúp tạo điều kiện cho sự phục hồi. Quỹ Tài chính xanh xúc tác ASEAN và Phân loại tài chính bền vững ASEAN đã hỗ trợ cho lộ trình này.

Hồi tháng 10/2021, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với sự hỗ trợ kỹ thuật của BirdLife International đã khởi động Sáng kiến Đường bay Khu vực sử dụng Đường bay Đông Á - Úc làm nguyên tắc tổ chức cho sự phát triển bền vững. Sáng kiến này bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Lào và Việt Nam.

“ASEAN có thể tác động đến các cơ quan phát triển đa phương và các ngân hàng thương mại để phát triển những sáng kiến tương tự, nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh và phục hồi thiên nhiên trong khu vực”, ông Shawn Lum và ông Vinayagan Dharmarajah khẳng định.

Đại dịch COVID-19 đã truyền cảm hứng cho những câu chuyện phục hồi sức khỏe của các hệ sinh thái, như một phần của quá trình phục hồi xanh. Tuy nhiên, tình trạng giá cả lương thực và năng lượng tăng đột biến có thể chứng kiến sự quay trở lại của những lợi ích ngắn hạn, vốn có thể gây trở ngại cho những nỗ lực nhằm phát triển mối quan hệ bền vững với thiên nhiên. Những yếu tố này làm cho vai trò và tầm nhìn của cả ASEAN và EU trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, khi các quốc gia tìm cách đạt được các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020.

Lê Thảo

(Lược dịch từ The Straits Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là trụ cột chính của hệ thống an sinh góp phần quan trọng bảo đảm đời sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng. Năm 2025, BHXH thành phố Huế triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… nhằm ổn định cuộc sống, đồng thời giúp người dân phòng tránh các rủi ro, bệnh tật.

Phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh
Phát huy vai trò của cán bộ nữ

Vai trò của cán bộ nữ ngày càng được khẳng định. Vì vậy, trong thời gian tới công tác cán bộ nữ cần được quan tâm nhiều hơn.

Phát huy vai trò của cán bộ nữ
Châu Á - Thái Bình Dương:
Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm

Khối lượng cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự phục hồi vào năm 2025, nhờ hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) và môi trường lãi suất thuận lợi, sau khi giảm trong 3 năm liên tiếp.

Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm
Return to top