Thế giới
Năng lượng mặt trời:

ASEAN đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

ClockThứ Sáu, 14/10/2022 14:40
TTH.VN - Trong bối cảnh thế giới đang nhanh chóng hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, khu vực Đông Nam Á đang nổi lên như một trong những thị trường năng lượng mặt trời phát triển nhanh nhất.

Năng lượng tái tạo tăng trưởng có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn cầuNhật Bản: Tokyo sẽ yêu cầu lắp pin mặt trời trên mái các tòa nhà mớiLĩnh vực năng lượng tái tạo cung cấp gần 13 triệu việc làm trong năm 2021

Các tấm pin mặt trời nổi tại một nhà máy điện mặt trời nổi ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh minh họa: TTXVN

Sự phát triển về năng lượng mặt trời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng tốc trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi nhu cầu về điện gia tăng, thời tiết nhiều nắng và các chính sách của Chính phủ. Các nhà quan sát trong ngành này nhận định, đây sẽ là một khu vực đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của tương lai.

Đáng chú ý, năng lượng mặt trời được dự báo sẽ tạo ra tác động lớn nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo một báo cáo từ Công ty tư vấn quản lý Bain & Co (Mỹ), phân khúc này sẽ mang lại cơ hội trị giá 20 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời sẽ là một trong những đòn bẩy giảm thiểu carbon hàng đầu cho khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù sản xuất điện trong khu vực phụ thuộc nhiều vào than và dầu mỏ, các quốc gia như Singapore và Thái Lan, nơi đặt trụ sở của các công ty Sunseap Group và Constant Energy, đã bắt tay vào một số dự án điện mặt trời.

Ông Gregory Seow, Giám đốc Ngân hàng toàn cầu của Maybank Singapore cho biết: “Sự gia tăng này là bởi ASEAN đang ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời làm nhiên liệu thay thế, nhằm thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các kế hoạch phát triển năng lượng gần đây của khu vực”.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang tìm cách tăng cường ưu thế trong chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu thông qua 3 lĩnh vực, bao gồm: đưa ra luật về năng lượng tái tạo mới; tăng cường lắp đặt quy mô lớn đối với năng lượng mặt trời và năng lượng gió; và lắp đặt các tấm pin mặt trời nổi, ông Gregory Seow nói thêm.

Ngoài ra, khi các Chính phủ bắt đầu tập trung nhiều hơn vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng các tấm pin năng lượng mặt trời, Đông Nam Á có thể nổi lên như một nhân tố quan trọng trong sản xuất năng lượng bền vững.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia chiếm gần 98% công suất năng lượng mặt trời trong khu vực.

Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore đang có tham vọng lớn đối với ngành năng lượng mặt trời của quốc gia này, với mục tiêu triển khai ít nhất 2 GWp năng lượng mặt trời vào năm 2030, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 350.000 hộ gia đình trong một năm.

Được biết, thành phố Singapore của quốc gia này đã trở thành một trong những thành phố có mật độ sử dụng năng lượng mặt trời cao nhất trên thế giới, với công suất năng lượng mặt trời tăng theo cấp số nhân, lên hơn 7 lần kể từ năm 2015.

Ngoài việc xây dựng những trang trại năng lượng mặt trời nổi tại các hồ chứa, quốc gia này đang thử nghiệm một loại hệ thống mới gồm các tấm pin năng lượng mặt trời nổi, sẽ được đặt trên biển và có khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Trong khi đó, Thái Lan, nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo được sử dụng để sản xuất điện lên mức 50% vào năm 2050, tăng từ mức 20% được ghi nhận hồi năm 2021.

Indonesia, quốc gia có dân số lớn nhất khu vực, đã đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 23% tổng năng lượng vào năm 2025 và ít nhất 31% vào năm 2050. Một số công ty điện than lớn nhất của quốc gia này cũng đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, trong một lưu ý liên quan, ông Dale Hardcastle, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Bền vững Toàn cầu tại Bain & Co cho rằng, mỗi quốc gia có những điểm nghẽn riêng, có thể khiến các dự án năng lượng mặt trời đối mặt với thách thức.

Ông Dale Hardcastle nói thêm, để các dự án có thể mở rộng đáng kể về quy mô, cần tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với các nhà cung cấp vốn, nhằm cải thiện các điều khoản tài chính dành cho những dự án xanh.

Về phần mình Giám đốc Ngân hàng toàn cầu của Maybank Singapore nhận định: “ASEAN sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thông qua các chính sách điều tiết, khai thác công nghệ và phát triển các quan hệ đối tác hợp tác trong khu vực, hướng tới phát triển bền vững năng lượng mặt trời, để mở rộng vị thế của khu vực này trong lĩnh vực năng lượng mặt trời”.

Lê Thảo (Lược dịch từ The Business Times)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF):
Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu

Thị trường việc làm toàn cầu đang chuẩn bị cho một sự chuyển đổi đáng kể vào năm 2030, khi nhiều việc làm phải đối mặt với sự gián đoạn, theo Báo cáo Tương lai của việc làm tháng 1/2025, vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.

Những dự báo mới nhất về tương lai của việc làm toàn cầu
Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025

Trong bối cảnh thực phẩm ngày càng “trở nên toàn cầu”, những sáng kiến phát triển ẩm thực ra đời với tốc độ ánh sáng, cộng thêm sức nặng của truyền thông xã hội, các đầu bếp trên thế giới đang ngày càng biến đổi và sáng tạo ẩm thực, trong đó mọi quy luật đều có thể bị phá vỡ. Trong năm mới 2025, dưới dây là một số xu hướng được nhận định sẽ định hình xu hướng ẩm thực toàn cầu.

Xu hướng thực phẩm toàn cầu năm 2025
2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng

Năm 2024 chứng kiến bước thụt lùi của các mục tiêu tiếp cận năng lượng. Báo cáo Theo dõi SDG7 (Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 7 về phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý) cho thấy, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, khả năng tiếp cận điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.

2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng
Return to top