ClockThứ Ba, 25/09/2018 07:00
CHỐNG XUỐNG CẤP CÁC KHU NEO ĐẬU TÀU THUYỀN:

Dự toán kinh phí 400 tỷ đồng

TTH - Về vùng biển Phú Vang, Phú Lộc, chuyện ngư dân lo lắng bây giờ không phải là tàu to tàu nhỏ ra khơi mà chính là khu neo đậu tàu thuyền, bến cá xuống cấp, bồi lắng khi mùa bão đã về.

Ngóng chờ Cảng cá Thuận An mớiNguyên tắc đầu tư xây dựng cảng biển, luồng hàng hảiPhú Hải thuộc khu neo đậu tránh trú bão trên toàn quốcThừa Thiên Huế sẽ có 2 cảng cá và 4 khu neo đậuKhu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai thi công đạt 70% khối lượng178 tỷ đồng xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận AnThiếu vốn, khu neo đậu trú bão Cầu Hai chậm tiến độ

Đường dẫn âu thuyền Phú Thuận bị sạt lở, xuống cấp

Ra, vào khó khăn

Tại âu thuyền Phú Thuận (Phú Vang), tuyến đê dài 200m dẫn ra âu thuyền này từ sau các mùa mưa lũ đã bị sạt ở khoảng 5 điểm. Đây là tuyến đường được ngư dân dùng để vận chuyển ngư lưới cụ, trung chuyển vật dụng, hải sản ra vào âu thuyền.

Ngoài sạt lở, âu thuyền Phú Thuận đang bị bồi lấp nghiêm trọng, có nơi chỉ sâu chừng 1,5m. Các thuyền vào neo đậu đều phải thả neo ngoài xa để tránh mắc cạn.

Chủ tàu Nguyễn Thanh Đô (An Dương, Phú Thuận) cho biết: “Từ nhiều năm nay, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân ở Phú Thuận không thể vào sâu trong âu thuyền vì sợ mắc cạn, rất nguy hiểm lúc mưa bão. Để đảm bảo an toàn trong mùa mùa bão, ngư dân phải lái tàu tìm nơi trú ngụ”.

Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, âu thuyền Phú Thuận được xây dựng khoảng năm 2000, do UBND huyện Phú Vang làm chủ đầu tư, kinh phí 2 tỷ đồng, phục vụ việc neo đậu tránh trú cho khoảng 50 tàu thuyền ở địa phương, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng khi hiện toàn xã có chừng gần 60 tàu xa bờ. Khó khăn ở chỗ, ngoài xuống cấp, âu thuyền bị bồi lắng nhiều năm, luồng lạch cạn, các tàu lớn không vào được. Địa phương từng trích kinh phí sửa chữa nhưng do làm “chắp vá” nên không có hiệu quả lâu dài.

Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải thuộc xã Phú Hải (Phú Vang) được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2011 với công suất thiết kế đậu, tránh trú bão cho khoảng 500 tàu công suất 90CV trở lên.

Luồng lạch âu thuyền Phú Hải bị bồi lắng khiến tàu tránh trú bão khó khăn

Nhiều năm nay đáy luồng khu neo đậu bị bồi lấp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng việc ra vào của tàu thuyền, đặc biệt trong mùa mưa bão. Khu neo đậu đã được UBND tỉnh bố trí kinh phí nạo vét nhưng qua thời gian, tình trạng bồi lắng luồng lạch vẫn tiếp diễn. Thực tế hiện nay, số lượng tàu thuyền công suất lớn đã tăng lên rất nhiều nên các khu neo đậu “sức chứa” không còn đáp ứng được.

Tại xã Phú Thanh (Phú Vang), âu thuyền Quy Lai được xây dựng từ năm 2007 để làm nơi neo đậu cho khoảng 100 thuyền bãi ngang. Hiện nay, cửa vào và cửa ra của âu thuyền bị bồi lấp, ảnh hưởng đến neo đậu và tránh trú bão của người dân trong vùng.

Chờ nguồn vốn đầu tư

Ngoài các khu neo đậu, bến cá tránh trú bão, trên địa bàn tỉnh còn có 25 âu thuyền vùng bãi ngang ven biển và đầm phá. Đến nay, đa số các âu thuyền, khu tránh trú bão đều có hạ tầng xuống cấp, luồng lạch bồi lắng đang chờ nguồn lực đầu tư. Trên địa bàn tỉnh hiện đội tàu đánh bắt xa bờ có trên 400 chiếc công suất từ 400 CV trở lên và 4 tàu vỏ thép, dự tính sẽ còn tăng mạnh trong những năm đến, phần lớn công suất từ 500 CV đến trên 800 CV.

Ông Trương Văn Giang, Trưởng phòng Quản lý- Xây dựng công trình thuộc Sở NN&PTNT thông tin, hiện nay hầu hết các âu thuyền trên địa bàn tỉnh như Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Tư Hiền, Cảnh Dương, Hải Dương đều có hạ tầng xuống cấp không đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả cho tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão. Các luồng lạch đều bị bồi lắng khiến tàu ngư dân ra vào tránh trú gặp khó khăn. Trong giai đoạn nguồn lực hạn chế như hiện nay, để khắc phục những bất cập trước mắt, chúng ta mới đầu tư nâng cấp xây dựng được cảng cá Thuận An quy mô gấp 4-5 lần cảng cá cũ. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn bố trí cũng “nhỏ giọt” nên cũng chỉ thực hiện được giai đoạn 1, đang chờ bố trí vốn giai đoạn 2.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải và bến cá Phú Thuận cùng một số âu thuyền khác, trình Bộ NN&PTNT và Chính phủ xin bố trí kinh phí từ nguồn vốn đền bù thiệt hại do sự cố môi trường biển. “Đầu năm 2018, phía Sở NN&PTNT đã lập báo cáo xong với phần dự toán khoảng 400 tỷ đồng xin kinh phí từ trung ương để nâng cấp, mở rộng các âu thuyền. Phía Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT đã cử đoàn vào kiểm tra, rà soát nhu cầu neo đậu, hướng đầu tư lâu dài để xây dựng các âu thuyền phù hợp. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn đang chờ nguồn kinh phí để triển khai”, ông Giang cho biết.

Đối với âu thuyền Quy Lai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án nạo vét khơi thông dòng chảy thoát lũ sông Hương, trong đó có khu vực âu thuyền Quy Lai, xã Phú Thanh.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho rằng, hiện nay cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc) cần phải chỉnh trị và nâng cấp mở rộng cảng cá kết hợp âu thuyền tránh trú bão; các khu neo đậu Phú Thuận, Phú Hải, Thuận An đã xuống cấp, bồi lắng gây khó khăn trong việc tránh trú bão của tàu thuyền, cần phải nâng cấp. Việc sớm đầu tư hoàn thành các dự án chống bồi lấp cửa biển và nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư ngân sách trung ương, đến nay vẫn phải chờ.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư
Đừng chủ quan với mưa bão

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có người chủ quan với mưa bão, nhất là sau những trận mưa bão đi qua. Ở đâu đó, vẫn có những hậu quả đau lòng, những thiệt hại không đáng có.

Đừng chủ quan với mưa bão
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Rà soát các khu vực có nguy cơ chia cắt khi lũ lụt

Sáng 19/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến đã có buổi làm việc với Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Sau buổi làm việc, đoàn đã kiểm tra một số công trình xung yếu trên địa bàn tỉnh.

Rà soát các khu vực có nguy cơ chia cắt khi lũ lụt

TIN MỚI

Return to top