ClockThứ Hai, 12/08/2024 12:52

Tận dụng tiềm năng, thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn

TTH - HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết (NQ) nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Kết quả, lĩnh vực du lịch - dịch vụ cơ bản đóng góp dao động khoảng 50-52% GRDP trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.

Mục tiêu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọnNỗi niềm người dân làm du lịchPhát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lựcDu lịch không thể phát triển một mìnhCơ hội cho du lịch Huế từ đường bay quốc tế

 Các hoạt động nghệ thuật tại Festival Huế đã góp phần thu hút đông đảo du khách đến Huế

Chính sách đi vào thực tiễn

NQ số 10/2013/NQ-HĐND, ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh về việc triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2013-2030 (NQ 10) đã được UBND tỉnh cụ thể hóa qua việc ban hành Quyết định số 1622/ QĐ – UBND, ngày 26/8/2013 để thực hiện quy hoạch. Song, theo yêu cầu của việc lập quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh cũng đã tổ chức đánh giá quy hoạch này thông qua tích hợp vào quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để rà soát các tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai cũng như điều chỉnh, bổ sung, định hướng các chỉ tiêu, giải pháp phù hợp với điều kiện và xu thế mới.

Kể từ khi triển khai thực hiện NQ 10, ngành du lịch đã có những tăng trưởng hàng năm đáng ghi nhận, thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, cơ sở vật chất kỹ thuật và việc làm…, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế.

Theo Sở Du lịch, ngành du lịch đã và đang được quan tâm định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Minh chứng là việc Thừa Thiên Huế nhiều lần được quốc tế ghi nhận nằm trong các top điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và khu vực, điểm du lịch có chi phí hợp lý; thành phố Huế đã 3 lần được công nhận là Thành phố Du lịch Sạch ASEAN, đang triển khai có hiệu quả dự án Huế - Đô thị giảm nhựa của Việt Nam với nhiều hoạt động gắn với du lịch và hướng trở thành Thành phố sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Nhiều loại hình lễ hội đã góp phần thu hút khách du lịch đến Huế 

Đối với các chỉ tiêu cụ thể, chỉ tiêu việc làm trực tiếp cơ bản đảm bảo gần sát NQ đề ra. Trong 2 năm gần đây, thu từ du lịch đạt tăng trưởng khá tốt, dự kiến năm 2024, thu từ du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% trong tổng GRDP toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, việc phát triển thị trường khách nội địa và quốc tế triển khai theo đúng định hướng; du lịch tàu biển có sự phát triển vượt bậc. Các sản phẩm du lịch, điểm đến được đa dạng và nâng dần chất lượng, sản phẩm chủ lực văn hóa – di sản tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt…

Ngoài NQ 10, HĐND tỉnh cũng đã ban hành NQ 05/2019/NQ-HĐND, ngày 9/7/2019 về chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Theo đánh giá, NQ 05 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các địa phương nói chung và các cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan nói riêng trong việc phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có tại địa phương; góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng vùng nông thôn gắn với phát triển du lịch; làm tiền đề lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc phát triển du lịch gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế - xã hội của tỉnh…

Các chính sách hỗ trợ theo NQ 05 đã quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách du lịch (phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực, nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái), hình thành một số thương hiệu du lịch cộng đồng và thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Nguồn hỗ trợ theo kinh phí từ ngân sách theo NQ 05 đã kích thích sự tham gia đầu tư từ nguồn xã hội hóa của người dân và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư phát triển du lịch ước khoảng gần 100 tỷ đồng…

Du khách tham quan tại các điểm di tích Cố đô Huế 

Một số chỉ tiêu chưa đạt

Không phủ nhận những kết quả, song việc triển thực hiện các NQ của HĐND tỉnh về du lịch cũng vấp phải nhiều khó khăn, thể hiện qua các chỉ tiêu vẫn chưa đạt so với NQ.

Điển hình như việc triển khai NQ 10, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 893 cơ sở lưu trú, với 14.229 phòng và 22.918 giường, trong khi chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 là 38.100 phòng.

Đối với NQ 05, qua thực tế triển khai, vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho phát triển du lịch còn ít, chưa tương xứng với kỳ vọng, tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, các hộ dân và địa phương chưa có vốn đối ứng để triển khai. Định mức chi hỗ trợ các hạng mục của NQ vẫn còn thấp, chưa theo kịp tình hình thực tế, nên khó thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Một số địa phương chưa đề xuất vốn đầu tư phát triển, vốn triển khai đối với hạ tầng du lịch cộng đồng, nên nguồn vốn đầu tư hạ tầng giải ngân còn thấp.

Thủ tục đăng ký lưu trú cho khách du lịch người nước ngoài tại chính quyền địa phương và Phòng Xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh còn nhiều bất cập, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh homestay nằm trong khu vực biên giới biển khá xa trung tâm thành phố.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, lý do khách quan chủ yếu do liên quan đến nhu cầu và khả năng thực tế của nhiều nhà đầu tư đến Huế; do năng lực thực tế của một số nhà đầu tư chưa đảm bảo, dẫn đến một số dự án khách sạn chưa thể triển khai được, hoặc phải tạm dừng. Ngoài ra, các điểm đến có quy mô và đẳng cấp, các hoạt động điểm nhấn ấn tượng vẫn còn thiếu, một số sản phẩm được kỳ vọng (du lịch mưa, du lịch sông nước, Trung tâm Hội nghị MICE, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, công viên giải trí...) chưa thể triển khai được. Công tác kêu gọi các dự án đầu tư theo quy hoạch chưa đảm bảo, nhất là những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng và sân golf.

Thừa Thiên Huế vẫn còn thiếu những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg, ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này; cập nhật nội dung các quy hoạch, đề án, dự án liên quan đang thực hiện trên địa bàn bảo đảm tuân thủ các định hướng về phát triển du lịch tại địa phương.

Tiếp tục tiếp cận, vận động các nhà đầu tư có sự tham gia của các thương hiệu du lịch lớn vào đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ tại địa phương; mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược về du lịch và địa phương kết nghĩa có tiềm lực để gia tăng các thị trường khách đến với Huế, mở thêm tuyến bay nội địa, quốc tế mới đến địa phương; nâng cao chất lượng các kỳ Festival Huế theo hướng trải dài cả bốn mùa trong năm nhằm phát triển du lịch và quảng bá văn hóa Huế. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang tính đặc trưng, có đẳng cấp và sức cạnh tranh cao, trong đó, xây dựng bộ sản phẩm mang thương hiệu Huế. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông thuận lợi cho phát triển du lịch, dịch vụ; các thiết chế, hạng mục bên trong các điểm di tích, văn hóa để thuận lợi cho công tác phục vụ và nhu cầu sử dụng dịch vụ của du khách.

“Để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với đất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trong thời gian tới khi Luật Đất đai có hiệu lực, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, định hướng công tác quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhằm thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, trong giai đoạn sắp tới, các đơn vị liên quan cần tham mưu cấp thẩm quyền phê duyệt xem xét điều chỉnh và nâng định mức các danh mục, hạng mục của NQ 05 phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay.

Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận dụng cơ hội & vượt qua thách thức

Đúng 20 ngày sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và 10 ngày trước khi lễ công bố được tổ chức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) tổ chức Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Tôi nghĩ, đó là một việc làm cần thiết khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa vào nền tảng văn hóa, di sản để phát triển.

Tận dụng cơ hội  vượt qua thách thức
Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Dù mới đi vào hoạt động chính thức chưa đầy nửa năm, song với việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, nay là thành phố Huế (Trung tâm) đã và đang có những đóng góp quan trọng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

TIN MỚI

Return to top