ClockThứ Ba, 13/02/2024 07:18

Sông Hương ngày ấy… bây giờ

TTH - Khi hoàn thành cầu sông Hương sẽ là cầu đi bộ thứ 7 bắc qua dòng sông này, tính từ chợ Dinh lên ngã ba Tuần. Cùng với nó là cảnh quan đôi bờ được chỉnh trang, góp phần làm cho Huế hiện hữu đẹp lên từng ngày.

Bài thơ đô thị HuếNgắm di sản từ “Vọng Huế”Thành phố bên sông

 Sông Hương giữa trung tâm TP. Huế. Ảnh: Hoàng Phước

Để có bức tranh tươi sáng đó không thể không ngoái nhìn hành trình đã qua để thêm quý, thêm yêu vùng đất mà ta đang sống.

*

Cắt lũ và ngăn mặn cho sông Hương là khát vọng của nhiều thế hệ.

Nhưng mãi đến sau trận lũ lịch sử 1999 mới trở thành cơ hội để thực thi, như dự án ngăn mặn Thảo Long chẳng hạn.

Nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi Thừa Thiên Huế TS. Hồ Ngọc Phú tâm sự: Mặc dù được Bộ Thủy lợi đồng tình, ủng hộ về sự cần thiết phải xây dựng công trình này nhưng đến lượt kiến nghị Thủ tướng thì “nội bộ” lại nảy sinh vấn đề. Vin cớ Thảo Long chỉ là một công trình ngăn mặn nên các chuyên gia của ngành kiến nghị cầu công tác bắc qua đập Thảo Long chỉ giới hạn trong phạm vi 2m.

Mặc dù đã cố nài nỉ, nhưng do không “xuyên thủng” cơ chế buộc ông phải báo cáo sự tình và kiến nghị lãnh đạo địa phương tìm cách tháo gỡ. Không thể đứng ngoài cuộc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế lần lượt tìm gặp tân Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Huy Ngọ và Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn đặt vấn đề:

- Đằng nào ta cũng xây cầu công tác nên tôi đề nghị các anh ủng hộ phương án cho xây cầu Thảo Long to hơn, ít nhất đảm bảo lưu thông cho hai làn xe, bởi sắp tới để chống chia cắt ở vùng phá Tam Giang chúng tôi sẽ xây cầu mới Ca Cút. Khi xây cầu này, nếu có cầu đường bộ Thảo Long chúng tôi sẽ dựa vào đó để kết nối. Một công đôi việc, vì lợi ích chung mong các anh ủng hộ!

Trước đề nghị thiết tha của địa phương, cả hai vị Bộ trưởng đồng tình và kiến nghị Chính phủ.

Sau khi đưa vào sử dụng, ngoài đảm đương vai trò ngăn mặn, giữ ngọt cho sông Hương, Thảo Long còn có cây cầu đường bộ dài 600m, rộng 10m, cho phép xe có tải trọng 13 tấn lưu thông và hiện nay nó đóng vai trò kết nối với cây cầu mới Ca Cút bắc qua phá Tam Giang để thông tuyến Quốc lộ 49B từ Phong Điền đến Phú Lộc.

*

Trong khi đập mới Thảo Long vừa khởi công, tháng 8/2001 Thừa Thiên Huế đón đoàn công tác của Chính phủ. Tại buổi làm việc hôm đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn để xây dựng công trình hồ chứa nước Tả Trạch. Không ngờ khi thảo luận, một thành viên trong đoàn công tác đặt lại vấn đề:

- Nếu cho làm Tả Trạch thì cần gì phải cho làm đập Thảo Long, vì Tả Trạch có chức năng đẩy mặn rồi.

Không đợi vị ấy ngồi xuống, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn nói:

- Xây Tả Trạch là để giảm lũ, còn xây Thảo Long là để ngăn mặn. Không lẽ cứ để dân Huế chịu khổ mãi? Mặn lên, sản xuất tiêu và dịch vụ cũng tiêu. Sống chung với mặn, với lũ kiểu này, Thừa Thiên Huế không thể phát triển được.

Trước nhu cầu bức thiết và chính đáng của địa phương, cuối cùng Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận: Chính phủ không chỉ đồng ý cho xây Thảo Long mà còn chấp thuận cho xây dựng hồ chứa nước Tả Trạch. Sau gần 4 năm chờ đợi, ngày 16/11/2005, Phó Thủ tướng Vũ Khoan chính thức phát lệnh khởi công hồ chứa nước Tả Trạch. Tuy nhiên, do địa chất phức tạp và thời tiết không thuận nên công trình không đảm bảo tiến độ đề ra.

Còn nhớ, vào tháng 3/2009, khi đến thăm công trình này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó đang giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội) đã căn dặn đội ngũ cán bộ quản lý, tư vấn và các đơn vị thi công: “Các anh không nên chạy theo thành tích mà phải ưu tiên đặt chất lượng công trình lên hàng đầu, bởi khi làm công trình này các anh phải luôn nghĩ ở phía hạ lưu sông Hương là hàng vạn con người. Tính mạng của họ cần được đảm bảo”.

Mãi đến năm 2016, công trình hồ chứa nước Tả Trạch được đưa vào sử dụng. Ngoài triệt tiêu được lũ tiểu mãn, hai công trình này còn tham gia cắt giảm lũ thông thường cho sông Hương.

*

Đưa dân lên bờ tái định cư là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo TP. Huế. Nó khởi phát sau ngày Huế giải phóng bằng việc chính quyền cách mạng vận động những gia đình tị nạn chiến tranh trở về quê cũ hoặc tổ chức đưa họ lên vùng kinh tế mới Lương Miêu, Bình Điền.

Những năm sau đó, dù còn nghèo nhưng Huế vẫn chắt chiu nguồn lực để đưa dân lên tái định cư ở Trường An, Bãi Dâu, Hương Sơ, Phú Hậu, Kim Long. Bến Me, Kim Long - nơi có nhiều khu nhà ổ chuột được giải tỏa. Dù vậy, đến năm 2008, điểm lại cả TP. Huế vẫn còn 1.069 hộ với trên 7.000 người sinh sống trên các vạn đò. Huế thời điểm đó chưa mở rộng nên việc tìm kiếm mặt bằng để xây dựng như khu tái định cư Kim Long là bất khả thi. Thay vào đó Huế chỉ có thể xây các khu chung cư nhưng đòi hỏi phải có vốn đầu tư khá lớn; trong khi, ngân sách địa phương luôn ở trong tình trạng “giật gấu vá vai". Vì vậy mà  khi bàn đã có ý kiến không đồng thuận, đến nỗi Bí thư Thành ủy Huế lúc đó là ông Nguyễn Kim Dũng bức xúc: “Chúng tôi sẵn sàng bán trụ sở Thành ủy để lo cho dân!”. Tâm huyết đó trở thành hiện thực: 3 khu chung cư ở Hương Sơ, Phú Hậu được xây dựng và 1 khu tái định cư ở  Lại Tân thuộc xã Phú Mậu lần lượt hình thành. Cùng với hàng chục vạn chài ở  vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, năm 2010 những vạn đò cuối cùng của Huế đã được đưa lên bờ, chấm dứt hành trình di dân kéo dài trong hơn ba thập kỷ.

*

Đến bây giờ tôi vẫn rất thích ý tưởng về “quyền được nhìn” của cố KTS. Nguyễn Trọng Huấn nhưng ý tưởng ấy mãi đến năm 2017 mới trở thành thực tế khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) bắt đầu thực hiện dự án “Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương”.

Quy hoạch nhận được sự đồng tình, ủng hộ, tạo điều kiện để đầu năm 2019 Huế đưa dự án thí điểm “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống đường bộ phía nam sông Hương”; trong đó, có tiểu dự án thí điểm cầu đi bộ trên sông Hương do KOIKA tài trợ vào sử dụng.

Đây là dự án khởi đầu cho sự “dám đổi thay” ở  khu vực được cho là nhạy cảm của sông Hương mà cầu gỗ lim là minh chứng.

Trong khi đó ở bờ đối diện, chính quyền lần lượt cho chỉnh trang các công viên Thương Bạc, Phú Xuân, Kim Long. Xuyên qua những công viên này là tuyến đường bộ dài hơn 4 cây số chạy từ bắc cầu Trường Tiền đến chùa Thiên Mụ. Nổi bật hơn cả là Bến Me - một bến tắm công cộng được xây theo hình vòng cung hiện đại và đẹp.

Nguồn phúc lợi công cộng ấy được tiếp tục triển khai ở Dã Viên. Từ một cồn hoang chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, Huế đã biến khu đất rộng hơn 10ha thành Khu văn hóa phức hợp với các tuyến đường đi dạo, khu vui chơi, tập luyện thể thao, ngắm cảnh và nhà vệ sinh.

Sông Hương - báu vật mà thiên nhiên ban tặng, nhờ được bảo vệ và xây dựng đã và đang phát triển giá trị. Từ sớm mai cho đến tận chiều hôm, hầu như ở đôi bờ ít khi thưa vắng. Đi dạo, đạp xe, tập thể dục, bơi lội và hóng mát… là nét sinh hoạt mới của Huế.

Chỉ chừng ấy thôi mà đôi bờ sông Hương đã trở nên rạng rỡ!

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đò anh Đới...”

Sau nhiều lần dự định đến thăm người chủ đò đầu tiên chở du khách nghe ca Huế trên sông Hương, hôm nay tôi đã được diện kiến. Người chủ đò tên Đới năm xưa gắn liền với cái bảng hiệu có một không hai treo trên chiếc đò của mình: "Đò anh Đới - Đời anh đó". Ngôi nhà của ông Đới sát bờ sông Hương, gần khu vực cồn Hến, nhìn sang là cầu Phú Lưu nối với con đường mang tên Ưng Bình - một hoàng tộc Triều Nguyễn, nhà thơ và là soạn giả ca Huế nổi tiếng.

“Đò anh Đới  ”
Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

Ngày 16/12, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có thông báo gửi các sở, ngành, địa phương về việc điều tiết nước hồ Tả Trạch về hạ du sông Hương.

Hồ Tả Trạch tăng lưu lượng điều tiết nước

TIN MỚI

Return to top