ClockThứ Tư, 21/08/2024 11:42

Sản phẩm và dịch vụ OCOP từ dược liệu

TTH - Thực hiện Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2030, Thừa Thiên Huế tập trung tận dụng tiềm năng tài nguyên bản địa kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để hình thành các sản phẩm dược liệu chủ lực, có sức cạnh tranh cao.

“Cần phát triển các sản phẩm OCOP theo chiều sâu”Giới thiệu việc làm & mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP tại “Chợ quê ngày hội”Xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

 Hình thành các vùng nguyên liệu dược liệu sạch phục vụ sản xuất tinh dầu

Từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm OCOP

Trên địa bàn tỉnh có hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước; trong đó, có hơn 200 loài dược liệu quý với khoảng 12 loài dược liệu tiềm năng để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đây là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật, cũng như tạo được các vùng dược liệu để đầu tư, phát triển ngành công nghiệp dược liệu gắn với bảo tồn, du lịch và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên đặc hữu, quý hiếm trên địa bàn. Từ đó, dần hình thành những sản phẩm chủ lực của tỉnh, tiến đến nâng tầm lên sản phẩm chủ lực quốc gia.

Việc phát huy tiềm năng bản địa các loài dược liệu trên địa bàn đã được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, hình thành những mô hình trồng, sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu. Nhiều loại dược liệu quý hiếm được khảo sát đánh giá và thử nghiệm bằng các chương trình dự án khoa học và công nghệ (KH&CN). Một số sản phẩm dược liệu đã phát huy hiệu quả tiêu biểu như tràm gió, thiên niên kiện, ba kích, sâm cau, tinh bột nghệ... Tuy nhiên, so với tiềm năng thì vùng nguyên liệu dược liệu vẫn còn ít, chưa có những mô hình quy mô lớn.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1622 về việc phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030. Theo đó, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển dược liệu, tỉnh ưu tiên lựa chọn một số loại cây dược liệu, vùng trồng dược liệu; xây dựng trục văn hóa - thảo dược để phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP tại địa phương; phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu… góp phần mang lại sinh kế bền vững cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 69 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP với 18 sản phẩm đạt 4 sao (26,1%), 47 sản phẩm đạt 3 sao (68,1%), 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng (5,8%). Phấn đấu đến năm 2025 có trên 150 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Có một số sản phẩm được chế biến, gia tăng giá trị từ cây dược liệu địa phương, chủ yếu là các sản phẩm từ cây tràm gió (9 sản phẩm OCOP) và các cây dược liệu khác như: sản phẩm tinh dầu thanh trà, tinh dầu bạc hà, sản phẩm tinh bột nghệ, sản phẩm sâm Bố Chính ngâm mật ong.

 Các loại tinh dầu từ dược liệu tràm gió là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh

Định hình phát triển các sản phẩm dược liệu

Thừa Thiên Huế được đánh giá là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa từ dược liệu. Từ nhiều lợi thế đó, tỉnh đang tập trung gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, tạo một ngành kinh tế "lai" trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược, có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ và đặc biệt là phù hợp với các tiêu chí của Chương trình OCOP.

Các sản phẩm và dịch vụ OCOP từ dược liệu được xây dựng phát triển gắn với mỗi địa phương, địa hình cụ thể. Đơn cử, Cố đô Huế sẽ phát triển thảo dược và ẩm thực cung đình với các loại đồ ăn (các loại bánh), đồ uống (các loại trà), sản phẩm từ thảo dược (thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc y học cổ truyền), dịch vụ (vườn thảo dược Thái y viện, chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền)... Ở A Lưới, Nam Đông phát triển các sản phẩm từ thảo dược (gội đầu, xông răng, tắm lá thuốc...) và ẩm thực (nếp A coát, rượu đoác, rượu cần, cá suối…). Ở Phú Lộc phát triển tinh dầu tràm, chổi xuể và các sản phẩm từ tinh dầu tràm, dịch vụ trải nghiệm chưng cất tinh dầu tràm. Ở Hương Thủy phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm làng thuốc Nam Dạ Lê (Thủy Phương) và các dược liệu đóng gói từ thuốc Nam. Phong Điền phát triển dược liệu và tinh dầu hương nhu trắng, hương nhu tía, hoắc hương, ba kích...

Để biến các tiềm năng thành sản phẩm và dịch vụ OCOP một cách có hệ thống, ngành KH&CN cùng các cấp, các ngành cần tiếp tục vận động các cộng đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã tại các địa phương tham gia Chương trình OCOP và thúc đẩy khởi nghiệp gắn với OCOP, như thanh niên khởi nghiệp OCOP, phụ nữ khởi nghiệp OCOP... Từ đó, tăng tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng trong việc tham gia phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bài, ảnh: HOÀI NGỌC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách

Càng gần tết, nhu cầu về dịch vụ vệ sinh nhà cửa càng tăng. Các công ty có dịch vụ vệ sinh nhà cửa đang tất bật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu.

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách
Đa dạng dịch vụ, lợi ích nhân đôi

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) ở TX. Hương Thủy đang thích ứng khá nhanh trước yêu cầu kinh tế thị trường ngày càng có nhiều biến động.

Đa dạng dịch vụ, lợi ích nhân đôi
Agribank triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) - Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID trên Agribank Plus.

Agribank triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID

TIN MỚI

Return to top