ClockThứ Năm, 04/06/2020 13:45

Phát triển dịch vụ hậu cần: Hướng đến mô hình khai thác biển khép kín

TTH - Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Thuận An (Phú Vang), chúng tôi có dịp tìm hiểu về các hiệp hội tàu thuyền nơi đây với mô hình “tàu mẹ - tàu con” - nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển với lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá ở địa phương này.

Ngư dân tỷ phúKiên trì bám biển

Ngư dân Thuận An (Phú Vang) chuẩn bị chuyến đánh bắt mới. Ảnh: LÊ THỌ

Giới thiệu các khâu chuẩn bị cho một chuyến đi biển, anh Trần Văn Hải, Hội trưởng Hiệp hội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thuận An, cho hay: “Mỗi chuyến đi biển như thế, các tàu lớn, nhất là tàu vỏ thép thường chuẩn bị 4 – 5 ngàn lít dầu máy, gần 2.000 cây đá, rất nhiều đồ ăn, thức uống, gạo, mỳ tôm, các loại thực phẩm…

Khoang làm lạnh bảo quản của tàu có thể chứa đến 30-40 tấn hàng để cung cấp cho các tàu đánh bắt ngoài biển, cũng như thu mua chừng ấy tấn hải sản từ các tàu chở về đất liền”.

Tuổi đời hơn 50, nhưng anh Trần Văn Hải đã có gần 25 năm làm nghề cá với tàu đi biển công suất lớn. Ngay từ thời còn bé, anh đã theo bố mẹ làm nghề khai thác, đánh bắt cá trên biển. Đó cũng là nghề truyền thống của gia đình anh từ thời ông bà để lại.

Thu mua hải sản tại cảng Thuận An. Ảnh: HẢI TRIỀU

Lớn lên, sau nhiều chuyến đi biển, anh Hải nhận thấy để bà con có điều kiện vươn khơi bám biển dài ngày, phải tính đến việc tổ chức đội tàu ra đến tận ngư trường cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB), gồm: dầu máy, nước đá, đồ ăn, thức uống… và thu mua hải sản đưa vào bờ tiêu thụ. Sau các phiên đi biển cung ứng dịch vụ hậu cần đầu tiên, trừ chi phí xong cho lãi ròng từ 120 - 130 triệu đồng. Thấy được hiệu quả, anh Hải lựa chọn đầu tư nghề cung ứng dịch vụ trên biển cho ngư dân.

Để nâng cao hiệu quả các chuyến đi biển, anh dốc vốn đầu tư nâng cấp tàu của mình lên gần 500 CV, tăng cường đi biển, mỗi tháng 2 chuyến (tùy theo thời tiết). Có những chuyến kéo dài 15 ngày, cung cấp hàng đủ nhu cầu cho 3 tàu ĐBXB. Sẵn có điều kiện nghề biển của gia đình, anh huy động con cái, anh em nâng cấp và đóng mới tàu thuyền, hoàn thiện mô hình tổ tàu dịch vụ hậu cần của gia đình gồm 4 chiếc tàu có công suất từ 400-750CV, có thể cung ứng dịch vụ ở các vùng biển từ gần bờ đến xa khơi như tại ngư trường Hoàng Sa.

Anh Hải cho biết thêm, trên địa bàn thị trấn Thuận An còn có các tổ “tàu mẹ - tàu con” làm dịch vụ hậu cần trên biển của các gia đình khác như anh Trần Dành, Trần Dũng, Nguyễn Hôi… với 3 tàu vỏ thép có công suất 800 – 1.000 CV. Mỗi chiếc tàu trị giá từ 20 đến gần 22 tỷ đồng, khoang chứa có thể thu mua 40 - 50 tấn cá, đi một chuyến có thể gom hàng của nhiều tàu đánh bắt cá. Đây được coi là nhân tố phát triển bền vững kinh tế biển, giúp cho giá cả sản phẩm của ngư dân đánh bắt được ổn định, đem lại lợi nhuận cao hơn, nguồn thủy hải sản tươi, ngon hơn.

Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Thuận An cho hay, hầu hết các chuyến đi biển của các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thuận An đều ra ngư trường ở Hoàng Sa, được xác định thông qua hệ thống định vị ECOM do lực lượng biên phòng trang cấp. Mỗi chuyến đi phải mất 3-4 ngày mới đến các điểm ngư trường của các tàu ĐBXB. Nhiều chuyến đi họ phải trụ lại giữa khơi xa hàng tuần để đợi thu mua đủ số lượng hải sản.

Anh Ngô Lai, một chủ tàu lớn chuyên đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, ở thôn An Dương, xã Phú Thuận (Phú Vang), tâm sự: “Ngư dân chúng tôi đánh bắt dài ngày mà không có tàu dịch vụ đưa hàng vào bờ, chất lượng hải sản sẽ giảm, đồng nghĩa với việc bị ép giá. Nghề dịch vụ hậu cần trên biển không chỉ giúp ngư dân chúng tôi có điều kiện bám biển khai thác dài ngày, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hải sản khai thác, tăng hiệu quả kinh tế, mà còn giúp cơ sở thu mua chủ động được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến”.

ĐBXB gắn với thu mua và cung ứng dịch vụ trên biển là mô hình hiệu quả và cần thiết đối với ngư dân. Những thành viên tham gia được phân định trách nhiệm trong từng công đoạn sản xuất. Tính cộng đồng được nâng lên một cách rõ rệt, giúp các chủ tàu cũng như các thuyền viên yên tâm hơn trong việc vươn khơi, bám biển dài ngày. Để kinh tế biển phát triển bền vững, ngành thủy sản cần hướng ngư dân đến mô hình kinh tế biển khép kín từ khai thác, thu mua, đến khâu chế biến.

Việc đầu tư khai thác tiềm năng đánh bắt và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, nhất là ở quần đảo Hoàng Sa góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giữa xanh thẳm trùng khơi của biển, mỗi chiếc tàu mang trên mình lá cờ Tổ quốc như những cột mốc sống, góp phần bảo vệ vùng biển thân yêu và tham gia phát triển kinh tế, làm giàu từ biển. 

Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách

Càng gần tết, nhu cầu về dịch vụ vệ sinh nhà cửa càng tăng. Các công ty có dịch vụ vệ sinh nhà cửa đang tất bật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu.

Dịch vụ dọn nhà đón Tết hút khách
Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

TIN MỚI

Return to top