ClockThứ Hai, 05/02/2024 12:52

Trồng lúa hữu cơ dễ mà khó

TTH - Trên lý thuyết thì trồng lúa hữu cơ (LHC) nghe có vẻ dễ, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì muôn vàn khó khăn.

Khó khăn trong sản xuất lúa hữu cơ ở Phong ĐiềnỦ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệpTừng bước nhân rộng lúa hữu cơ

 Thu hoạch lúa hữu cơ trong vụ hè thu 2023

Theo các chuyên gia nông nghiệp, gạo hữu cơ là sản phẩm của cây lúa được trồng theo phương pháp tự nhiên, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu. Cây lúa được trồng tập trung theo từng vùng quy hoạch sản xuất bài bản nhằm giảm thiểu sâu bệnh gây hại.

Tự tìm tòi, nghiên cứu, cách đây hơn ba năm, ông Nguyễn Ba, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền) tự tổ chức sản xuất lúa, gạo hữu cơ với diện tích hơn 20ha. Trước khi tổ chức sản xuất LHC, HTX liên kết, liên doanh với nhiều công ty, doanh nghiệp, đơn vị trường học để tiêu thụ sản phẩm như trường mầm non trên địa bàn xã Phong Hiền và các công ty: Công Thành, Awa, Hữu cơ Huế Việt, Cửa hàng Su Su Xanh... Sau khi được các chuyên gia đầu ngành kiểm tra năng suất, chất lượng đảm bảo và triển vọng đã đề xuất tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Tập đoàn Quế Lâm không chỉ nổi tiếng trong sản xuất lúa, gạo hữu cơ, an toàn mà còn giúp cho nông dân các tỉnh, thành, trong đó có Thừa Thiên Huế tập trồng LHC. Từ vài năm nay, HTX Nông nghiệp Phú Lương 1 (Phú Vang) được sự hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm đã tổ chức sản xuất LHC theo chuỗi giá trị với diện tích hơn 50ha, gieo cây giống lúa chất lượng Bắc thơm 7.

Ông Ngô Đức Phong, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Lương 1 khẳng định, sau vài vụ trồng cho thấy trồng LHC dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư mua phân bón học, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Theo mô hình trồng LHC sẽ đạt năng suất thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với trồng lúa thông thường, nhưng sản phẩm tạo ra lại chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu dùng.

Gạo hữu cơ Quế Lâm lên kệ bán hàng 

Nông dân Đặng Duy Phán ở xã Hương Phong (TP. Huế) bảo, nghe trồng LHC ban đầu ai cũng bỡ ngỡ, thiếu tự tin, nhưng khi được các đơn vị liên kết, hợp tác hỗ trợ hướng dẫn các quy trình kỹ thuật thì trồng LHC không ngờ lại dễ. Từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch không bón bất kỳ một loại phân, thuốc hóa học nào, không phun thuốc trừ sâu… đỡ chi phí mỗi sào cả triệu đồng. Các hộ trồng lại ít công chăm sóc hơn.

Tuy nhiên, trồng LHC cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với người nông dân trước nhu cầu thị trường còn bấp bênh. Đến thời điểm này, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ toàn tỉnh khoảng 1.200ha và khoàng 250ha đã được chứng nhận LHC. Diện tích ít, sản lượng còn thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ, có lúc bị tồn đọng. Hầu hết nông dân thừa nhận, họ làm ra loại gạo gì thì ăn loại đó, chưa nghĩ đến ăn gạo hữu cơ, an toàn.

Bà Trần Thị Mai ở Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân (TP. Huế) là một trong những hộ hướng đến sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ, an toàn từ nhiều năm nay. Chừng ba năm nay, gia đình bà đều mua gạo hữu cơ Quế Lâm, hoặc gạo hữu cơ An Lỗ… về ăn. Bà cũng bất ngờ khi giá gạo hữu cơ cũng rất rẻ, chỉ cao hơn 3-5 ngàn đồng/kg so với các loại gạo thông thường. Vậy nhưng phần lớn người dân chỉ sử dụng các loại gạo thông thường dù giá thấp hơn gạo hữu cơ không nhiều. Trong khi sử dụng gạo hữu cơ, hoặc theo hướng hữu cơ lại an toàn sức khỏe cho mọi gia đình.

Trong khi đó, theo nông dân thì trồng LHC đạt năng suất thấp đã đành lại ít người mua, dẫn đến thua lỗ. Bởi trồng LHC thường năng suất chỉ đạt bằng một nửa, hoặc cao hơn không nhiều so với lúa thông thường, nhưng giá LHC chỉ cao hơn vài ngàn đồng/kg nên dễ bị thua lỗ. Đó chưa kể, muốn có đầu ra thuận lợi thì phải liên kết với các doanh nghiệp, công ty nhưng khi có thiên tai, dịch họa thì các đơn vị này cũng tạm ngừng thu mua. Người chịu thiệt vẫn là nông dân và các HTX làm khâu trung gian thu mua và chế biến sản phẩm. Các năm dịch COVID-19, riêng HTX Nông nghiệp An Lỗ tồn đọng khoảng 70 tấn lúa, với hơn 40 tấn gạo hữu cơ; hay nông dân Hương Phong tồn đọng hàng chục tấn gạo đỏ hữu cơ…

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm khẳng định, trồng LHC là hướng đi tất yếu trước nhu cầu thị trường trong nước và trên thế giới. Tuy nhiên, trồng LHC vào lúc này chỉ mới mang tính tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Để tổ chức cánh đồng lớn, diện tích lớn cần phải trải qua nhiều thời gian với nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực.

Thời gian đầu trồng LHC, hay các nông sản hữu cơ phần lớn sản phẩm chủ yếu được Tập đoàn Quế Lâm biếu, tặng cho người tiêu dùng. Đến nay, một bộ phận người tiêu dùng đã tin dùng sản phẩm hữu cơ Quế Lâm. Sản phẩm tạo ra từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Song, hiện nay tỷ lệ hộ dân sử dụng gạo, nông sản hữu cơ còn rất thấp, phần lớn vẫn quen dùng nông sản truyền thống.

Ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sản xuất LHC đang được ngành nông nghiệp, nhiều địa phương quan tâm và có bước đi ban đầu đúng hướng. Ngoài Tập đoàn Quế Lâm, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều HTX, nông dân đang bắt đầu tổ chức trồng LHC. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân chuyển đổi dần sang phương thức canh tác mới, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu.

Một trong những khó khăn lớn trong trồng LHC là quản lý cỏ dại. Để quản lý cỏ dại cần kết hợp giữa các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, điều chỉnh mực nước thích hợp để ngăn chặn sự lây lan và phát triển của cỏ dại trên đồng ruộng. Trên địa bàn tỉnh đã áp dụng máy cấy và làm cỏ bằng máy cải tiến trong trồng LHC; nhưng việc áp dụng phương pháp cấy lúa bằng máy đang còn nhiều trở ngại, như kỹ thuật làm mạ khay, nhân lực vận hành máy, các cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư máy cấy. Muốn áp dụng phương thức sản xuất này phải thuê từ nơi khác dẫn đến thiếu sự chủ động và làm tăng chi phí đầu tư...

Hoàng Thế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắng nghe để gỡ khó

Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với ngư dân trên địa bàn là giải pháp quan trọng để Quảng Điền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm hướng đến mục tiêu: Phát triển hiệu quả dịch vụ, du lịch biển, đầm phá.

Lắng nghe để gỡ khó
Trồng rau vượt lũ

Mô hình trồng rau vượt lũ ở xã Điền Lộc, Phong Điền cho năng suất tương đương với các diện tích vùng thấp, trong khi giá bán lại cao gấp 2 – 3 lần nên được bà con áp dụng rộng rãi.

Trồng rau vượt lũ
Trồng nấm hữu cơ trong nhà màng khép kín

Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch, đặc biệt là các loại nấm ăn, chị Đặng Thị Hồng, trú thôn Pi ây 1, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm hữu cơ trong nhà màng kép kín.

Trồng nấm hữu cơ trong nhà màng khép kín

TIN MỚI

Return to top