Mô hình nuôi vịt đàn ở Châu Thành cho thu nhập ổn định
Vượt qua khó khăn
Gần trưa, từ QL1A qua trung tâm xã Lộc An, tôi trở lại thăm Châu Thành. Khác với trước mỗi lần về Châu Thành phải băng trên các đường ruộng thì giờ đã bon bon trên con đường bê tông rộng hai bên hiện hữu những vườn cây, đồng lúa chín vàng nối từ xã Lộc Bổn, phía bắc huyện Phú Lộc.
Ông Nguyễn Ống, 83 tuổi, là nông dân chính hiệu và gần trọn đời nếm trải những khó nhọc ở vùng quê này. Ông kể, hơn mười năm trước, Châu Thành gồm hai thôn Hà Châu và Hà Thành là vùng quê không điện, không đường, nước sạch nằm biệt lập ở phía đông xứ Truồi. Bà con sống chủ yếu nhờ lúa, nhưng ruộng thấp, kênh đê thiếu, không chủ động nguồn nước tưới nên sản xuất chỉ nhờ trời. Buồn hơn khi làm ra hạt lúa giá bán không như các nơi khác vì địa hình giao thông cách trở. Giờ, vẫn ở trên cánh đồng đó, cũng mảnh ruộng ấy nhưng mọi chuyện đã đổi thay nhiều.
Anh Nguyễn Lộc, con trai của ông Ống, chia sẻ: "Bây giờ làm ruộng khác thời bố tôi rồi. Từ khâu làm đất, đắp bờ, gieo sạ, gặt hái đều bằng máy móc. Chưa tới mùa là mấy chủ máy gặt đến tìm hỏi. Tới ngày chỉ cần alô, chiều có xe chở lúa về đổ tận sân".
Chính từ tiềm năng đất đai và đổi mới trong sản xuất bây giờ bà con ở đây hơn 120 hộ vẫn theo nghề làm nông. Nhiều gia đình vốn trước đây chạy ăn từng bữa, nhưng bây giờ họ không nặng chuyện gạo cơm như ngày trước. Mỗi nhà ở đây bình quân làm 0,5-1ha ruộng. Có nhà sắm máy cày, máy gặt... vừa phục vụ cho ruộng nhà vừa làm dịch vụ cho bà con trong, ngoài địa phương nên hàng năm có nguồn thu ổn định.
Đường sá ở Châu Thành đã kết nối xóm trên qua xóm dưới bằng bê tông sạch đẹp. Nhà cửa trước đây tạm bợ, bây giờ đã chỉnh trang nâng cấp, xây mới gần 100%. Câu chuyện nước sạch, điện thắp sáng giờ cũng hiện thực hóa ước mơ bao năm qua của bà con ở Châu Thành. Và khi chúng tôi nhắc lại nỗi lo mùa mưa hàng năm nước trắng đồng thì bây giờ chuyện ấy ở đây đã quá vãng.
Bàn chuyện làm giàu
Sự đổi thay trên theo ông Lại Đình Cẩm, từng trưởng thôn Châu Thành, hiện Giám đốc HTX Nông nghiệp, chia sẻ, đó là nhờ chủ trương chính của Đảng, Nhà nước và quan trọng nữa là tinh thần đón nhận của người dân. Đơn cử như các chương trình, dự án cấp trên hỗ trợ cho nông nghiệp được thôn họp bàn, triển khai tập huấn, ứng dụng vào thực tế. Vấn đề đi đầu mà Châu Thành làm được là chung sức đầu tư đê đập, tích tụ ruộng đất, xóa bỏ những thửa manh mún.
Châu Thành từ chỗ không có một máy gặt hay một máy cày nhưng hiện tại thông qua HTX Nông nghiệp ở đây, cơ giới hóa có thể đáp ứng hơn 90% khâu cày đất, gần 100% khâu thu hoạch. Kênh mương, giao thông nội đồng từ chỗ thiếu, không chủ động nguồn nước tưới nay đã khác, đường từ ruộng vào nhà thuận lợi, nhất là tuyến đường chính được đầu tư hơn 3 cây số nối từ Châu Thành đã thông suốt với mọi nơi...
Ông Cẩm bảo hẳn là trời bù cho đất khó, bao khổ cực trong quá khứ, bây giờ bà con, nhất thế hệ trẻ đều bàn chuyện làm giàu. Nói vừa xong, ông Cẩm mời tôi lên xe máy đến thăm nhà anh Nguyễn Chuẩn và giới thiệu mô hình vượt nghèo đáng trân trọng. Anh Chuẩn trước đây làm thợ đụng, nghèo nhưng khi thấy Châu Thành "trở mình" gia đình anh chú trọng đầu tư vào ruộng do bố mẹ để lại. Ban đầu làm 1 ha nhưng tròn luôn hai vụ, trừ chi phí các dịch vụ HTX hỗ trợ, anh Chuẩn lãi ròng hơn 30 triệu đồng. Dù số tiền chưa phải là nhiều nhưng hoạch tính với nông dân ở Châu Thành là niềm vui lớn. Từ đó anh Chuẩn bắt đầu "mê" ruộng. Hiện tại anh đầu tư 3,5 ha ruộng; trong đó 2 ha thuê ở xã Lộc Bổn. Bình quân mỗi năm anh lãi từ ruộng gần 100 triệu đồng. Ngoài ruộng, anh còn nuôi thêm vịt đàn, đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt sông đầm... Nhờ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, anh Chuẩn nuôi con cái học hành, có của ăn của để.
Những trường hợp khác như anh Hoàng Long, anh Hồ Đắc Tư hay anh Lê Thanh... ngụ cùng xóm với anh Chuẩn giờ không chỉ trở thành những "Vua lúa" ở địa phương mà còn điển hình sản xuất giỏi ở làng, xã lân cận. Thành công này là do các anh luôn có khát khao lớn và sự nhạy bén để vươn lên.
Ông Hồ Đắc Sự, Chủ tịch UBND xã Lộc An thông tin, ở Châu Thành bây giờ không còn mệnh danh là vùng đất khó. Điều này chẳng có gì lạ vì khi đất "trở mình" đường sá thông thương bà con ở đây đã bắt nhịp, khai thác được tiềm năng vốn có. Họ không trồng trọt, chăn nuôi gà vịt, đánh bắt sông đầm thì kinh doanh, không kinh doanh thì cũng làm nghề để có cơ hội làm giàu...
Bài, ảnh: Minh Văn