ClockThứ Ba, 01/12/2020 07:00

Nuôi cá vùng cao

TTH - Nuôi cá trên núi giờ đây không còn là chuyện lạ ở A Lưới. Nhưng nuôi cá trọng lượng cả chục kg mới là chuyện đáng quan tâm tại huyện miền núi này.

Nuôi cá tầm ở vùng cao A Lưới

Mô hình nuôi cá tầm ở A Lưới

Thu 32 tỷ đồng/năm

Nghe người dân thôn Quảng Lộc, xã Sơn Thủy kháo rằng, ông Nguyễn Tài nổi tiếng nuôi cá trắm cỏ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả khiến chúng tôi tò mò, muốn biết thực hư.

Chúng tôi gặp già làng Trần Sơn và bắt chuyện về nuôi cá ở vùng núi này. “Muốn biết nuôi cá ở miền núi A Lưới thì phải hỏi ông Tài. Đi gần hết con đường bê tông này, nhìn ngôi nhà nào xây kiên cố, “đẹp nhất” là nhà của ông Tài. Ông ấy có được cơ ngơi này là nhờ nuôi cá đấy!, già Sơn bảo.

Vừa rũ mẻ lưới thoăn thoắt, ông Tài cười giòn tan: “Muốn thực tế hãy chờ tui 3-5 phút sẽ có ngay kết quả”. Dứt lời, ông Tài quăng lưới về phía lòng hồ. Hơn chục con trắm, mè, chép nằm gọn trong mẻ lưới được kéo lên bờ. Loại cá nhỏ được ông thả trở lại ao. Ông bảo, nuôi cá trắm, mè, chép... ở đây phải đạt trọng lượng 5-10kg mới bán. Cá càng to thịt thơm ngon, giá bán càng cao.

Thực ra, nuôi cá ở miền núi A Lưới đã có từ lâu. Nguồn nước nơi đây rất trong sạch nhờ hệ thống khe suối đổ về, có thể thường xuyên thay đổi nước trong hồ. Thời tiết, khí hậu ở A Lưới mát mẻ, cộng với nguồn nước trong lành là yếu tố môi trường phù hợp, thuận lợi cho cá sinh trưởng tốt, ít bị dịch bệnh.

Nuôi cá ở miền núi A Lưới có thể hiệu quả hơn cả đồng bằng nếu nắm bắt các quy trình kỹ thuật, chăm sóc. Ông Tài tự tìm tòi qua sách báo, ti vi, khăn gói về miền xuôi tìm hiểu, học tập kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, như trắm cỏ, trê, chép, mè, rô phi… Những điều học được, ông Tài áp dụng ngay vào thực tiễn tại ao nuôi của mình.

Những vụ cá đầu tiên được nuôi bài bản, với 4 hồ cho thu nhập mỗi năm 50-60 triệu đồng, mở ra cơ hội mới không chỉ gia đình ông Tài mà cả nhiều hộ ở huyện miền núi A Lưới. Các hộ nuôi trong và ngoài địa phương tìm đến hồ ông Tài tìm hiểu, học hỏi nghề nuôi cá.

Các khâu kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá nước ngọt trên núi cơ bản không khác mấy ở đồng bằng. Một số dịch bệnh hoàn toàn có thể chữa được như viêm ruột, xuất huyết, đốm đỏ...

Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào nuôi cá ở miền núi A Lưới phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn huyện có đến 242,8 ha nuôi cá với khoảng 400 hộ nuôi; sản lượng bình quân mỗi năm đạt trên 800 tấn (năng suất 3,3 tấn/ha); doanh thu mỗi năm 33 tỷ đồng. Hàng trăm hộ nuôi cá có thu nhập ổn định, bình quân mỗi năm từ vài chục triệu đến 70 triệu đồng.

Nhiều hộ nuôi hiệu quả phải kể đến như Đặng Thông Lộ ở thôn Quảng Phú, Trần Bá ở thôn Quảng Vinh (xã Sơn Thủy); Nguyễn Xuân Toàn ở thôn Căn Sâm, Hồ Xuân Phương ở thôn Căn Tôm, Hồ Thanh Phùng ở thôn A Lưới 1, Nguyễn Thị Liếp ở thôn Yry (xã Hồng Thượng); các hộ Hà Minh Hân, Viên Hải Xê ở thôn Ba Rít (xã A Đớt)...

Cần liên kết theo chuỗi giá trị

Vùng núi A Lưới không chỉ nuôi được cá trắm, mè, chép, rô phi... mà còn nuôi được cá đặc sản xứ lạnh. Đó là mô hình cá tầm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ nuôi thí điểm tại xã Hồng Kim với số giống thả 2.000 con. Môi trường nơi đây còn có khả năng nuôi một số loại cá đặc sản có hàm lượng dinh dưỡng cao như cá hồi.

Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cá tầm thích nghi tốt với điều kiện môi trường ở A Lưới, đang phát triển tốt nhưng chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế do chưa đến thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, bước đầu mô hình góp phần thu hút du khách khi đến khu du lịch suối Anor, xã Hồng Kim, kết hợp tham quan mô hình nuôi cá tầm.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới, ông Văn Lập thông tin: Ngành thủy sản chỉ mới quan tâm, định hướng cho người dân nuôi cá trong ao hồ nhỏ, chưa đầu tư khai thác nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Lưới vốn nhiều tiềm năng, lợi thế. Trong khi hồ thủy điện lớn này tích nước và đi vào vận hành 7 năm nay (tổng diện tích mặt nước 840ha), song bước đầu mới chỉ 7 hộ của xã Sơn Thủy và xã Hồng Thái nuôi với 40 lồng. Cá đang sinh trưởng và phát triển tốt, lúc thả giống 0,5 -1 kg/con, sau 7 tháng đạt 2,5- 3kg/con.

Mới đây, ảnh hưởng của các đợt bão, lũ lớn gây thiệt hại diện tích 67,3 ha, sản lượng cá thất thoát khoảng 120 tấn. Đây cũng là khó khăn lớn đối với ngành nông nghiệp, các hộ tái đầu tư nuôi, cơ cấu lịch thời vụ, con giống... trong điều kiện biến đổi khí hậu, bão lũ diễn biến phức tạp, bất thường.

Ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với các cấp, ngành nghiên cứu chọn đối tượng, phương thức nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, tận dụng tiềm năng, thế mạnh về phát triển thủy sản trên địa bàn huyện. UBND huyện A Lưới đang xúc tiến thành lập các HTX, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, liên kết với người dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm.

Ông Lập đề xuất, cần chuyên gia tư vấn giúp huyện về chuyên môn, kỹ thuật nuôi, đặc biệt thủy sản có chất lượng cao như cá tầm, cá hồi; kêu gọi, thu hút các DN, tổ chức liên kết với người dân, đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển mô hình nuôi cá thương phẩm, nhất là các loại cá chất lượng cao. Thời gian qua, huyện A Lưới cũng đã hỗ trợ 677 triệu đồng cho 397 hộ nghèo và cận nghèo nuôi cá, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết

Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) đã lên kế hoạch, sẵn sàng các phương án cần thiết nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết
Báu vật của núi rừng A Lưới

Nhắc đến âm nhạc dân gian trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, không thể không kể đến nghệ nhân Lê Văn Trình (thôn PaRis - Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), người đã dành cả cuộc đời mình để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Ông không chỉ là một nghệ nhân tài hoa mà còn là “ngọn lửa” thắp sáng niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ.

Báu vật của núi rừng A Lưới
A Lưới cần có ý chí vươn lên, tự lực, tự cường

Đó là yêu cầu của UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu tại buổi làm việc với Huyện ủy, UBND, các phòng, ban, lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn của huyện A Lưới​ ngày 21/1 về công tác chuẩn bị tết Nguyên đán Ất Tỵ, giảm nghèo bền vững và một số vấn đề nổi lên trên địa bàn huyện đầu năm 2025.

A Lưới cần có ý chí vươn lên, tự lực, tự cường
Xuân mới trên non cao

Mùa xuân đầu tiên thoát khỏi huyện nghèo, người dân A Lưới phấn khởi hòa mình tham gia các hoạt động lễ hội trong tình đoàn kết, sẻ chia. Cùng với giữ gìn các giá trị văn hóa bản sắc, chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm số lượng hộ nghèo, phát triển các mô hình sinh kế, nâng cao đời sống dân sinh.

Xuân mới trên non cao

TIN MỚI

Return to top