ClockChủ Nhật, 09/06/2024 07:56

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng cà-phê, gỗ và cao su của Việt Nam với kim ngạch hằng năm đạt gần 3 tỷ USD. Đây cũng là các mặt hàng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quy định chống phá rừng (EUDR) sắp có hiệu lực thi hành. Quy định này sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt.

"Thông luồng'" xuất khẩu nông sản ViệtKhai thác thị trường Mỹ cho nông sản Việt NamCoi trọng bản quyền, thương hiệu để nông sản Việt vươn xa

 Diện tích cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. (Ảnh TRẦN TUẤN)

Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR), theo đó, sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (trong đó có cà-phê, gỗ, cao su, của Việt Nam) vào EU, nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng.

Để được phép lưu thông các mặt hàng cà-phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca-cao và đậu, các doanh nghiệp nhập khẩu của EU phải bảo đảm sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, không gây mất rừng và suy thoái rừng, với thời điểm được tính từ ngày 31/12/2020 trở về sau. Từ ngày 29/6/2023 (thời điểm EUDR có hiệu lực), doanh nghiệp nhập khẩu có thêm 18 tháng (đối với doanh nghiệp có quy mô lớn) hoặc 24 tháng (đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ) để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu của quy định. Một trong những yêu cầu quan trọng trong EUDR là truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn bộ chuỗi cung, trong đó có việc truy xuất tới vị trí từng thửa đất nơi các mặt hàng này được sản xuất.

Theo chuyên gia Tô Xuân Phúc của Tổ chức Forest Trends (tổ chức hoạt động phi lợi nhuận tăng cường đóng góp từ rừng và quản lý rừng bền vững), để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu phải chứng minh được tính hợp pháp theo các yêu cầu của EUDR, tập trung vào khía cạnh vị trí địa lý của các thửa đất canh tác. Đối với cả ba nhóm mặt hàng Việt Nam hiện đang xuất vào EU nằm trong sự kiểm soát của EUDR, thì nông hộ đóng vai trò chủ đạo tại khâu đầu của chuỗi cung ứng. Quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong EUDR đưa ra hai yêu cầu cốt lõi đối với các sản phẩm hiện đang chịu sự kiểm soát của EUDR được phép lưu thông tại thị trường này là không làm mất rừng và hợp pháp. Theo đó, sản phẩm được sản xuất trên các diện tích đất liên quan tới mất rừng hoặc suy thoái rừng sau thời điểm 31/12/2020 sẽ không được nhập khẩu và lưu thông tại thị trường EU. Sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ toàn bộ các yêu cầu liên quan của quốc gia sản xuất. Các yêu cầu này bao trùm nhiều lĩnh vực, gồm các quyền về đất đai, các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng (bao gồm quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học), quyền của bên thứ ba (quyền cộng đồng), quyền của người lao động, quyền con người theo các công ước quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết. Thêm vào đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguyên tắc đồng thuận tự nguyện, các quy định về thuế, phí, thương mại, hải quan quy định các hoạt động trên chuỗi cung... Để chứng minh sản phẩm là hợp pháp và không gây mất rừng, EU yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thu thập thông tin và bằng chứng minh chứng cho việc tuân thủ.

Đề xuất các giải pháp hướng tới đáp ứng đầy đủ các quy định của EUDR và phát triển bền vững các ngành nông sản của Việt Nam trong tương lai, ông Hoàng Thành, đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, thực hiện quy định của EUDR, các sản phẩm từ gỗ, cà-phê, cao su xuất khẩu vào thị trường EU cần được bảo đảm đã thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm giải trình, bảo đảm tính hợp pháp. EUDR đòi hỏi các ngành hàng nêu trên cần đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung, hệ thống và tài liệu hóa kênh lưu thông sản phẩm đầu ra. Đối với nguồn cung trong nước, cần thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp có diện tích sản xuất tập trung cần ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm đạt chứng chỉ quản lý bền vững.

Một trong những đặc điểm chung của cả ba ngành gỗ, cà-phê, cao su là chuỗi cung có sự tham gia đông đảo của các nông hộ. Diện tích canh tác của các hộ thường nhỏ, manh mún. Một hộ thường có nhiều mảnh đất khác nhau. Một số hộ hiện tại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho nên họ thiếu các bằng chứng pháp lý chứng minh mình là chủ thể hợp pháp khi sử dụng các mảnh đất này. Thêm vào đó, các sản phẩm hộ sản xuất ra được thu mua bởi các tiểu thương. Hiện trong cả ba ngành hàng này, mạng lưới tiểu thương bao gồm rất nhiều đại lý thu mua hoạt động từ cấp thôn, xã đến huyện. Các đại lý này đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng, kết nối nông hộ với người mua là các cơ sở chế biến, xuất khẩu. Giao dịch giữa nông hộ và các tiểu thương thường mang tính chất phi chính thức, với các ưu tiên tập trung vào chất lượng sản phẩm và giá cả, trong khi các yêu cầu về pháp lý như bằng chứng về nguồn gốc sản phẩm, về các giao dịch (thuế, phí) thường bị bỏ qua. Do đó, các ngành hàng nằm trong diện kiểm soát của EUDR cần có đánh giá về thực trạng, từ đó đề ra kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung nhằm thích ứng với EUDR. Ở góc độ doanh nghiệp, cần có chiến lược giảm thiểu rủi ro trong chuỗi và hỗ trợ các nhà cung cấp của mình, bao gồm mạng lưới thương lái và nông hộ. Tất cả các hoạt động này khi được thực hiện đồng bộ và lưu trữ hồ sơ, thông tin đầy đủ, nhất là thông tin về nông hộ sản xuất, sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của EUDR.

Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (VICOFA), tổng diện tích cà-phê ở nước ta là 680.000 ha, trong đó có tới 1,2 triệu hộ nông dân trồng cà-phê với diện tích nhỏ. Tương tự với cao su, trong năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,4 triệu tấn cao su thiên nhiên để sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Còn cao su tiểu điền vẫn đang chiếm khoảng 50% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong nước. Yên tâm hơn là đối với ngành hàng gỗ xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam không còn tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên. Còn những trường hợp chuyển đổi bất hợp pháp không có “cửa” để xuất sang EU. Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đã thông báo cho các doanh nghiệp về quy định mới của EU. Các doanh nghiệp gỗ cũng phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà doanh nghiệp sử dụng. Cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Quang Bảo cho biết, khi có hiệu lực, EUDR sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su và cà-phê. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà còn là cơ hội để đẩy nhanh thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng trước khi EUDR chính thức được thực hiện, việc rà soát các khía cạnh rủi ro trong chuỗi cung ứng liên quan tới nông hộ là rất cấp thiết. Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng, cập nhật các thông tin và chia sẻ với các bên liên quan như hiệp hội, doanh nghiệp về thực trạng rừng, hiện trạng đất đai, bản đồ số hóa, vị trí và hiện trạng các lô đất chưa được cấp sổ đỏ, tính chính xác của vị trí và ranh giới các thửa đất theo sổ đỏ đã cấp. Các cơ quan quản lý chuyên môn (Cục Trồng trọt, Cục Lâm nghiệp) phối hợp với đại diện các ngành hàng liên quan rà soát chuỗi cung ứng của các ngành hàng nằm trong diện kiểm soát của EUDR để đánh giá thực trạng và khả năng đáp ứng của các bên tham gia chuỗi, đặc biệt từ góc độ nông hộ sản xuất…

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối thị trường lao động

Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố Huế hoạt động định kỳ và thường xuyên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến đã giúp kết nối nhu cầu của người tìm việc và việc tìm người hiệu quả, minh bạch.

Cầu nối thị trường lao động
Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi
Thông tin doanh nghiệp:
Các mẫu máy bơm mỡ bằng chân tay phổ biến trên thị trường

Chưa đến 3 triệu đồng là khách hàng đã có thể đầu tư máy bơm mỡ bằng chân chính hãng cho công năng bơm mỡ hoàn hảo, thiết kế nhỏ gọn, sử dụng khu vực không sẵn nguồn điện, khí nén. Hiện sản phẩm đang được trợ giá siêu tốt tại Kumisai Việt Nam.

Các mẫu máy bơm mỡ bằng chân tay phổ biến trên thị trường

TIN MỚI

Return to top