ClockThứ Ba, 12/10/2021 14:39

Lợi thế từ nông sản hữu cơ

TTH - Trong khi nhiều mặt hàng nông sản của cả nước nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng bị đứt gãy chuỗi cung ứng vì ảnh hưởng dịch COVID-19, thì hàng ngàn tấn lúa, hàng trăm tấn thịt lợn hữu cơ, an toàn sinh học của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TĐQL) vẫn tiêu thụ ổn định...

Lợi thế xuất khẩuVươn tầm ngư nghiệp - Kỳ 1: Nghịch lý

Mô hình nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm

Tiểu nông, mạnh ai nấy làm

Trước xu thế hội nhập, nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng đang hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học. Thực tế nông nghiệp của tỉnh thời điểm hiện tại tuy có bước phát triển tích cực, nhất là năng suất cây trồng, vật nuôi tăng khá cao, nhưng thiếu bền vững do chất lượng sản phẩm thấp, thiếu an toàn. Nông dân vẫn sản xuất theo lối truyền thống, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị nên khi gặp sự cố thiên tai, địch họa thường bị đứt gãy chuỗi cung ứng như các đợt dịch COVID-19.

Tư duy tiểu nông khiến gần như hầu hết nông dân không chú trọng đến chuyện trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh học, nông sản hữu cơ (NSHC). Nhận thức về NSHC còn thấp, cộng với sự bảo thủ, thiếu kiến thức khoa học, liên kết sản xuất, kết nối thị trường nên bà con chỉ biết đến chuyện tăng năng suất cây trồng, vật nuôi bằng mọi giá.

Nhiều cán bộ, lãnh đạo địa phương từng thừa nhận, thấy người dân làm nông theo kiểu mạnh ai nấy làm nhưng vẫn không thể can thiệp. Một phần vì sự bảo thủ của người dân, phần cán bộ thiếu kiến thức quản lý, khoa học - kỹ thuật nên “không thể nói được gì với người dân về làm nông nghiệp hữu cơ, an toàn”. Trồng trọt, chăn nuôi với nông dân vì thế không thể thiếu thuốc trừ sâu, hóa chất, phân hóa học, thậm chí còn lạm dụng. Khi lúa, hoa màu xảy ra sâu bệnh, thay vì phải kiểm đếm số lượng, xác định mức độ sâu bệnh bằng công nghệ để sử dụng liều lượng thuốc phun phòng trừ phù hợp thì nông dân lại phun vô tội vạ. Điều này không chỉ tăng chi phí sản xuất, tạo ra nguồn nông sản kém chất lượng mà còn làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Chủ tịch HĐQT TĐQL, ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, để tạo ra một mặt hàng NSHC, an toàn sinh học là điều không đơn giản, phải cần một quá trình tương đối lâu dài. Trước hết phải cho người dân hiểu bài toán kinh tế về sản xuất NSHC, an toàn, tập huấn cách marketing, chia sẻ thông tin kết nối thị trường, giá cả sản phẩm. Làm thế nào để bà con biết rằng chính khách hàng là thượng đế, giữa người sản xuất và tiêu dùng phải có mối liên kết, có tiếng nói chung, lấy lợi ích người tiêu dùng làm trọng tâm để tạo ra sản phẩm.

Sản phẩm an toàn, giá ổn định

Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm, ông Nguyễn Hữu Đường cho rằng, điều kiện thời tiết ở Thừa Thiên Huế tuy khắc nghiệt nhưng vẫn có nhiều tiềm năng để khai thác sản xuất NSHC, công nghệ cao. Thực tế cho thấy, TĐQL đã hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến, tiêu thụ NSHC với tỉnh từ giữa năm 2019 đến nay và gặt hái những thành công bước đầu, mở ra triển vọng lâu dài. Tập đoàn hợp tác, liên kết sản xuất chăn nuôi lợn, lúa, thanh trà hữu cơ với các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy.

TĐQL xác định nông dân là mục tiêu tối thượng trong phát triển sản xuất NSHC, an toàn sinh học. Đến nay, tập đoàn liên kết với nông dân sản xuất 300ha lúa hữu cơ/năm theo chuỗi giá trị (không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, hóa chất…); liên kết với 40 hộ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi giá trị với 250 lợn nái, 5.000 con lợn thịt. Tập đoàn hỗ trợ, hướng dẫn bà con xây dựng chuồng trại, cung ứng đầu vào như lợn nái, thức ăn, men vi sinh; cử cán bộ kỹ thuật đến tận chuồng trại hướng dẫn sản xuất và thu mua lợn thịt với giá ổn định, cao hơn thị trường.

Để tạo ra sản phẩm hữu cơ, TĐQL tổ chức sản xuất mô hình nuôi “ruồi lính đen” với công suất 6 tấn nhộng tươi/tháng, làm thức ăn chăn nuôi giàu dinh dưỡng, sạch và an toàn có nguồn gốc hữu cơ. Mô hình này còn tận dụng các loại phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp, rác hữu cơ làm thức ăn, góp phần xử lý, bảo vệ môi trường. Tập đoàn còn liên kết với nông dân xã Nhâm (A Lưới), HTX NN Phú Thuận (Quảng Điền) trồng 200ha ngô, đậu tương làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, tạo ra sản phẩm sạch.

Ông Nguyễn Hữu Đường khẳng định, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các loại NSHC của TĐQL vẫn không đứt gãy chuỗi cung ứng. Trước mắt chưa tính đến chuyện xuất khẩu, nhưng với hàng ngàn tấn lúa, gạo hữu cơ, hàng trăm tấn thịt lợn, thanh trà hữu cơ của TĐQL đã tiêu thụ ổn định tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các khu công nghiệp và chuỗi cửa hàng Quế Lâm… Tại các huyện, thị xã, TP. Huế còn hình thành chuỗi cửa hàng liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và cung ứng cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Hải Minh đánh giá cao các mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn cũng như ghi nhận sự đóng góp của TĐQL vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát, lựa chọn các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả của TĐQL để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Ngành nông nghiệp khẩn trương phối hợp với Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế), doanh nghiệp, TĐQL, các ngành liên quan xây dựng đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa nông sản Việt vươn xa

150 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 32 tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước cùng quy tụ tại công viên Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội từ ngày 28/11-1/12 tới để trưng bày, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu; đồng thời quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm hàng hóa nông sản Việt tới các thị trường trong nước và quốc tế.

Đưa nông sản Việt vươn xa
Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh

Doanh nghiệp (DN) Huế đang và sẽ có nhiều cơ hội tận dụng lợi thế địa phương để phát triển. Tuy nhiên, DN cũng cần quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng sản phẩm và hoạch định chiến lược phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo để có được lợi thế cạnh tranh. Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Tấn Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN LEADMAN. TS. Nguyễn Tấn Bình cho biết thêm:

Liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh
Khởi nghiệp từ nông sản địa phương

Tự tin, năng động và sáng tạo, cô gái 9X Trần Thị Ngọ để lại dấu ấn tích cực với các sản phẩm khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy nông sản địa phương và mở ra con đường khởi nghiệp bền vững cho phụ nữ nông thôn.

Khởi nghiệp từ nông sản địa phương
“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL

TIN MỚI

Return to top