ClockThứ Tư, 08/09/2021 14:47

Ngành dệt may, da giày khó khôi phục trong ngắn hạn

Là ngành công nghiệp lớn, đóng góp giá trị cho xuất khẩu và đảm bảo số lượng lớn việc làm cho nhiều lao động, nhưng ngành dệt may, da giày đến nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Với tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nhiều nhà máy phải đóng cửa và thực hiện 3 tại chỗ, doanh nghiệp ngành này được nhận định khó có thể phục hồi trong thời gian ngắn tới.

Đứt gãy nhân lực lao độngGiúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnhNgành dệt may và nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứngHỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường châu ÂuTới tấp đơn hàng nhưng dệt may vẫn đối mặt nhiều nguy cơ trong đợt dịch mớiXuất khẩu dệt may tăng trưởng mạnhXuất khẩu dệt may tăng nhẹ trong quý 1/2021Dệt may hy vọng sớm phục hồi nhờ tận dụng các FTA

Ngành dệt may đứng trước nhiều khó khăn trong dịch COVID-19. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành đang triển khai mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại khu vực phía Nam đã khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một doanh nghiệp dệt may lớn với quy mô gần 5.000 lao động cho hay, công ty đã phải nghỉ sản xuất trong vòng 1 tháng. Theo đó, riêng chi phí khấu hao khoảng 6 tỷ đồng/tháng; chi phí bảo hiểm vẫn phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỷ đồng/tháng; chi phí lãi vay ngân hàng phải trả 1,5 tỷ đồng/tháng. Cùng đó, cộng thêm chi phí xét nghiệm test COVID-19 cho người lao động 2 tỷ đồng/tháng; chi phí đi vận chuyển bằng máy bay cho những đơn hàng gấp 4 tỷ đồng/tháng. Tổng cộng những chi phí cố định đó, công ty phải trả lên đến số tiền 17,5 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, công ty này vẫn đang trả lương cho người lao động, dù họ ở nhà không đi làm.

Theo tính toán sơ bộ, với một doanh nghiệp da giày với khoảng 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể chi phí đầu vào tăng từ 5-10%.

Các doanh nghiệp cho hay, nặng nhất vẫn là tiền phạt chậm giao hàng. Nếu đơn hàng bị chậm, ngoài việc tăng chi phí vận chuyển bằng máy bay, doanh nghiệp còn có thể bị phạt lên đến cả trăm tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ không phát triển được đơn hàng cho mùa tiếp theo.

Để giữ đơn hàng cho năm tới, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã xoay xở, tìm giải pháp duy trì, cố gắng đảm bảo đúng tiến độ đơn hàng. Hiệp hội cũng đã đề xuất phương án mở cửa dần dần với 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, doanh nghiệp đưa khoảng 30% công suất. Từ đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tăng dần lên từ 50 – 70% công suất sản xuất.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, triển vọng năm nay và có thể sang cả năm 2022 là không mấy khả quan. Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không thể tiếp tục sản xuất; sản lượng sản xuất không đạt như mục tiêu đề ra.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì và ổn định sản xuất và khó giữ chân khách hàng tại Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn cho ngành dệt may, da giày...

"Bên cạnh đó, người lao động tại các doanh nghiệp cũng rời bỏ các trung tâm sản xuất lớn ở phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... để tránh dịch khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng", ông Vũ Đức Giang nói thêm.

Về vấn đề này, phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, quan trọng hiện này là đảm bảo nhân lực trong điều kiện kế hoạch sản xuất biến thiên, thiếu hụt nguồn vaccine tiêm phòng và dịch bệnh khó dự báo được như hiện nay.

Báo cáo mới đây từ Bộ Công Thương cho hay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng 7 và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, giày dép các loại giảm 38,5%...

Khó có thể đưa ra một dự báo chính xác về tương lai và triển vọng của ngành dệt may trong thời gian ngắn và trung hạn, khi dịch bệnh trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp và tâm lý người lao động.

Bộ Công Thương nhìn nhận, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam buộc phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn.

Để khôi phục sản xuất, riêng với nhóm ngành dệt may, da giày, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, chuỗi cung ứng. Trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.

Ngoài ra, Bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030. Cùng đó, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hoá ngành công nghiệp dệt may, da giày; phát triển dệt nhuộm trong nước, đảm bảo nhu cầu vải cho ngành.

Bộ sẽ củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Trước tiên là sẽ tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm…

Theo Tin tức TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD

TIN MỚI

Return to top