ClockThứ Tư, 25/05/2022 05:47

Quản lý chợ bằng công nghệ số

TTH - Thừa Thiên Huế có hơn 150 ngôi chợ lớn nhỏ, với quy mô ngày càng mở rộng, công tác quản lý, điều hành của ban quản lý (BQL) các chợ đòi hỏi phải liên tục được cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công việc hàng ngày để nâng cao năng lực chuyên môn, bắt kịp xu hướng thời đại và chuyển đổi số quốc gia.

Nỗ lực xây dựng chợ văn minh thương mạiRa mắt mô hình “Tiểu thương chợ Đông Ba văn minh - thân thiện và nói không với thực phẩm bẩn”Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các hạng mục nâng cấp chợ Đông Ba

Việc thu phí bằng máy Pos góp phần hạn chế sử dụng tiền mặt trên địa bàn chợ

Mô hình phù hợp

Hơn một tuần nay, tiểu thương chợ Đông Ba đã dần quen với việc mỗi chiều nhân viên của BQL chợ sử dụng máy POS cầm tay thu phí, in phiếu thu cho tiểu thương kinh doanh thay cho biên lai viết tay như trước.

Theo chân bà Trương Thị Can, nhân viên thu phí của chợ Đông Ba đến các ki ốt mặt tiền chợ thu phí chiều 17/5, chỉ trong một thời gian ngắn, bà đã hoàn tất việc thu phí bằng máy POS ở khu vực được phân công.“Nhanh chóng, tiện lợi, minh bạch… là những lợi ích mà ứng dụng quản lý chợ thông minh mang lại. Trước đây, chúng tôi thu phí thủ công, phải lỉnh kỉnh giấy bút, viết biên lai giao cho tiểu thương. Sau khi hoàn tất công việc, chiều muộn còn phải ngồi cộng sổ báo kế toán, nhiều lúc có sai sót rất dễ mất tiền, nhưng nay chỉ cần máy POS, việc thu phí tiết kiệm được thời gian, tránh thất thoát, nhân viên làm việc thuận lợi hơn rất nhiều”, bà Can nói.

Khi được hỏi, việc thay đổi từ cách làm truyền thống sang ứng dụng CNTT có làm nhân viên BQL chợ lúng túng, bà Can cười vui: “Tôi sắp về hưu mà vẫn dễ dàng làm được, chỉ một số bà con, ban đầu cũng có phản ứng, sau được nhân viên BQL hướng dẫn, hỗ trợ nên đều ủng hộ”.

Bà Huyền Trân, hộ kinh doanh tại chợ Đông Ba bày tỏ: “Tiện nhất là tiểu thương có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc không tiền mặt và theo dõi được tình hình nộp phí của cá nhân”.

Theo lãnh đạo BQL chợ Đông Ba, với hệ thống này, nhân viên thu tại các chợ sẽ dễ dàng thực hiện thu các loại thuế, phí tại quầy, sạp hàng ngày bằng cách dùng máy POS tìm mã tiểu thương, xuất hóa đơn/biên lai cho người nộp và gạch nợ ngay tại chỗ. Đồng thời, quản lý được danh sách thu của khu vực nên rất minh bạch, tiện lợi, báo cáo tài chính ngay tức thời trên hệ thống. BQL, nhân viên tổng hợp, kế toán cũng dễ dàng cập nhật dữ liệu biến động, dữ liệu hóa đơn, biên lai điện tử, theo dõi tình hình thu, kiểm tra các khu vực trực thuộc…

Chủ động ứng dụng công nghệ để “số hóa”

Trưởng BQL chợ Đông Ba - Hoàng Thị Như Thanh thông tin: Nhận thấy việc quản lý chợ nếu vẫn làm thủ công như cũ thì không hiệu quả, mất nhiều thời gian, đơn vị đã có ý tưởng tìm công ty giải pháp công nghệ đặt hàng viết phần mềm thay thế cách quản lý hoạt động chợ truyền thống.

Sau đó, may mắn VNPT có “Hệ thống quản lý chợ VNPT - iMarket” phù hợp, BQL chợ đã “bắt tay” hợp tác với VNPT tỉnh cùng triển khai. Ứng dụng Hệ thống quản lý chợ VNPT - iMarket cho phép tất cả các giao dịch đều đưa lên hệ thống phần mềm, giảm tối đa sử dụng nhân công; tổng hợp, quản lý các số liệu về sổ bộ, quản lý được dòng tiền thu, tránh thất thoát, sai sót.

“Trong quá trình triển khai, chúng tôi yêu cầu đơn vị cung cấp giải pháp bổ sung thêm phần hợp đồng của tiểu thương với chợ, xuất hóa đơn điện tử; đồng thời, cung cấp cho mỗi tiểu thương, kể cả những hàng rong bạ mã QR cá nhân. Bà con chỉ cần quét mã có thể nộp tiền ngay cho nhân viên, hạn chế sử dụng tiền mặt trên địa bàn chợ. Nhân viên thu phí xong, bộ phận kế toán đã có ngay số liệu chính xác, không cần sử dụng bảng kê, tìm tên như trước”, bà Thanh cho hay.

“Cái khó là triển khai ứng dụng cho bà con. Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức: truyền thông trên hệ thống loa, trên fanpage của chợ, nhân viên khi thu phí sẽ giải thích để tiểu thương hiểu. Điều thuận lợi là lâu nay việc thu phí điện nước BQL đã làm tương tự nên bà con đã quen, không bỡ ngỡ nhiều”, Trưởng BQL chợ Đông Ba bày tỏ.

Ngày 16/4, VNPT Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi giới thiệu "Phần mềm Quản lý chợ thông minh VNPT - iMarket" cho cán bộ phụ trách của 42 chợ trên địa bàn TP. Huế. Ông Phan Trung Việt, Phó Giám đốc phòng Khách hàng tổ chức doanh nghiệp thuộc Trung tâm Kinh doanh VNPT tỉnh cho biết: Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đưa ứng dụng VNPT - iMarket triển khai đến các chợ và chợ Đông Ba là đơn vị đầu tiên sử dụng ứng dụng này.

Đầu năm 2022, chợ Đông Ba hợp tác xây dựng riêng một app phục vụ “đi chợ hộ” trên nền tảng thương mại điện tử cho người tiêu dùng trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Mục đích vừa hỗ trợ tiểu thương trong việc kinh doanh buôn bán, mặt khác phục vụ việc mua sắm của người dân thuận tiện thông qua dịch vụ mua hộ và giao hàng tận nơi. Việc này vừa tiện ích cho khách hàng vừa tạo tính cạnh tranh với các đơn vị bán lẻ hiện đại.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

TIN MỚI

Return to top