ClockThứ Năm, 15/09/2022 13:15

Giảm áp lực trong thu gom, xử lý rác thải

TTH - Rác thải đang là vấn đề môi trường nổi cộm, được quan tâm nhất. Cùng với mức sống của người dân ngày càng nâng cao, rác thải cũng càng nhiều lên, nhất là ở TP. Huế, song hoạt động thu gom, xử lý vẫn chưa được như mong muốn.

HEPCO áp dụng đơn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đúng quy địnhTrao giải "Cây chổi vàng" tôn vinh công nhân vệ sinh môi trườngPhát động Cuộc thi ảnh “Anh hùng giảm nhựa”Thay đổi nhận thức về rác thải nhựa cho người dân vùng caoCùng hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa vì "Chỉ một trái đất"Xây dựng Huế trở thành đô thị xanh

WWF cùng TP. Huế tổ chức các điểm đổi rác lấy quà

Áp lực từ rác thải sinh hoạt

Hiện mỗi ngày TP. Huế phát sinh từ 350-400 tấn rác thải sinh hoạt và được Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) thu gom, xử lý. Thế nhưng nhiều nơi, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng vứt xả bừa bãi, nhiều “bãi rác” tự phát vẫn xuất hiện. Từ rác hữu cơ, đến chai lọ thủy tinh, bao bì nhựa, giấy, thậm chí cả rác cồng kềnh khó phân hủy, như nệm, ghế cũ vứt bỏ bừa bãi... làm mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Thực tế đáng buồn trên ai cũng thấy, thế nhưng thói quen sống xanh (thải ít rác), đặt rác đúng nơi, đúng giờ quy định, cũng như  thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn thì không phải ai cũng ý thức chấp hành dù trước đây ở trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Huế nói riêng đã triển khai thông qua các hội, đoàn cơ sở phối hợp với các tổ chức trong, ngoài địa phương.

Mỗi ngày, bà Trần Thị N. (phường An Cựu, TP. Huế) đều mang rác của gia đình ra đường để chờ thu gom. Nhà bà có 6 người nên lượng rác thải ra cũng tầm 2-3 kg/ngày. Như nhiều hộ gia đình khác, bà N. bỏ tất cả các loại rác gồm rác có thể phân hủy (thức ăn thừa, rau…) và rác khó phân hủy (chai nhựa, túi ny-lông) chung vào một bịch lớn.

Bà N. cho biết, nhà bà hầu như không phân loại vì mất thời gian và nhất là phải để trong nhà 2-3 thùng rác, vừa chật nhà, vừa gây ô nhiễm.

Thực tế từ hộ bà N. cho thấy, đây là tình trạng chung của rất nhiều hộ gia đình ở TP. Huế hiện nay. Nhiều người ngại phân loại rác tại nguồn bởi việc bỏ chung tất cả rác vào một bịch thường nhanh gọn, tiện lợi hơn là việc phải lựa chọn từng loại cho vào những thùng rác, bao bì riêng.

Cán bộ phường Trường An, (TP. Huế) truyền thông giúp người dân nâng cao ý thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà

Ông Trần Văn B. (KQH Bàu Vá-Thủy Xuân) cho rằng, sống ở đô thị đất chật người đông, tất yếu lượng rác thải sinh hoạt thải ra hằng ngày rất lớn. Do đó, nếu mỗi người đều ý thức, cùng chung tay hành động sẽ giảm được lượng rác phải chôn lấp, giảm áp lực cho môi trường, từ đó cũng quay lại tạo cho chúng ta một môi trường sống xanh, sạch, trong lành hơn.

Muốn “biến” rác thành tài nguyên, hay tái chế không quá khó và bước đầu tiên phải tiến hành là phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Việc này cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Trước tiên, cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải nói trên. Tuyên truyền để người dân hiểu việc thực hiện phân loại rác là trách nhiệm và nghĩa vụ nhằm góp phần giữ môi trường trong lành của thành phố, nếu không thực hiện sẽ có chế tài xử lý, như từ chối thu gom rác hoặc xử phạt hành chính.

Đồng hành cùng WWF

Giải bài toán khó về sự quá tải trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở địa phương, mới đây, TP. Huế khởi động Chương trình phân loại CTRSH trên địa bàn với sự đồng hành của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam-WWF tài trợ. Đây là chương trình trọng tâm mang tính lâu dài để giải quyết tình trạng quá tải trong xử lý rác sinh hoạt là niềm mong không riêng người dân ở TP. Huế.

Để đạt được mục tiêu này, chương trình phân loại CTRSH tại nguồn chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I triển khai thực hiện đối với 23 phường thuộc thành phố trước khi sáp nhập; giai đoạn II triển khai thực hiện đối với 13 phường, xã còn lại; phấn đấu cuối năm 2023, có 100% hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Theo lãnh đạo TP. Huế, trước đây việc phân loại rác thải tại nguồn được triển khai thí điểm một số địa bàn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát sinh nhiều hạn chế, như: Nhiều hộ dân chưa mặn mà với việc phân loại rác tại nguồn; việc thu gom, xử lý vẫn còn nhiều bất cập về thời gian, nhân lực, phương tiện thu gom và quá trình xử lý… nên chưa duy trì bền vững.

Với sự quan tâm của WWF lần này, kế hoạch triển khai hoạt động phân loại rác thải tại nguồn lần này được xây dựng rất bài bản, đồng bộ với nhiều hình thức, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có sự đi trước một bước trong việc xác định nhóm đối tượng nào cần triển khai trước, nhóm nào sẽ triển khai sau để vừa làm, vừa điều chỉnh trước khi triển khai đồng loạt tại tất cả các địa phương.

WWF cùng UBND TP. Huế đã tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cho lãnh đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn thực hiện trước, sau đó nhân rộng trong cán bộ, người dân phân loại CTRSH tại nhà để tạo thói quen phân loại. Thông qua WWF, TP. Huế đã, đang và tiếp tục phối hợp với HEPCO tổ chức ngày hội "vệ sinh môi trường", "đổi rác lấy quà" nhằm lồng ghép tuyên truyền đến người dân cách thức phân loại, lưu giữ, giao chất thải thu gom đúng quy định; mỗi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại CTRSH khi phát sinh... để tiến đến duy trì bền vững.

Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Điều phối viên Quản lý dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa" của WWF chia sẻ, việc phân loại rác thải tại nguồn đã được pháp luật quy định. Hơn nữa, việc phân loại CTRSH tại nguồn như một mũi tên trúng nhiều đích. Đó là sẽ giúp giảm đáng kể lượng rác phải xử lý, chôn lấp; tận dụng rác thải để tái chế thay thế một phần nguồn tài nguyên; tạo ra những sản phẩm có lợi từ rác như rác hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón, rác nhựa có thể làm các sản phẩm tái chế phục vụ cuộc sống. Với ý nghĩa đó, WWF sẽ cùng TP. Huế quyết tâm giúp người dân phân loại CTRSH một cách bền vững trong thời gian đến...

Bài, ảnh: Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Giảm rác thải nhựa bằng cách nào?

Giảm rác thải nhựa là chuyện không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà cần một lộ trình và hướng đi đúng. Trong đó, trước tiên, cần xây dựng một thế hệ biết phân loại rác.

Giảm rác thải nhựa bằng cách nào
Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

Ngày 26/11, tại UBND xã Vinh Xuân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị nghiệm thu và tổng kết mô hình điểm của Hội Nông dân, tham gia phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn năm 2024 tại hai xã Vinh Xuân và Phú Diên của huyện Phú Vang. Dự hội nghị có các ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); Nguyễn Chí Quang, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Sẽ nhân rộng mô hình phân loại thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn

TIN MỚI

Return to top