ClockThứ Ba, 11/10/2022 14:15

Chuyển đổi số: Nền tảng để thành công - bài 2: “Chìa khóa” của chuyển đổi số

TTH - Trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), công nghệ là phương tiện còn con người là yếu tố quyết định sự thành công. CĐS đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Ngoài hoàn thiện hạ tầng, công nghệ, tỉnh đang đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực cho thời đại số, bên cạnh hình thành nên thói quen, thay đổi nhận thức của người dân để bắt nhịp với xu thế CĐS.

Chuyển đổi số: Nền tảng để thành công - Bài 1: Niềm tin từ chính quyền 4.0

Lãnh đạo tỉnh, Bộ TT&TT nghe giới thiệu ứng dụng, giải pháp số của doanh nghiệp

Dấu ấn của một ứng dụng

Mô hình dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) và nền tảng Hue-S là kết quả nổi bật của tỉnh trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai CĐS. Hue-S đã vươn xa, trở thành niềm tự hào của Huế.

Trong các tiện ích mà Hue-S mang lại, nổi bật nhất là dịch vụ phản ánh hiện trường. Đến nay, dịch vụ này tiếp nhận xử lý trên 58.000 phản ánh với 226 đơn vị tham gia hệ thống. Số phản ánh đã được xử lý chiếm hơn 97% ,với tỷ lệ hài lòng và chấp nhận chiếm hơn 80%. Thời gian xử lý các phản ánh của người dân rút ngắn từ 60 đến 70%, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước hơn 7,7 tỷ đồng tiền in giấy tờ, văn bản.

Thông qua nền tảng Hue-S đã tiếp nhận hơn 4.000 phản ánh vi phạm liên quan đến môi trường, tiến hành xử phạt số tiền gần 400.000.000 đồng, qua đó đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Hue-S cũng đã phát hiện và cảnh báo hơn 1.300 trường hợp cảnh báo cháy, phát hiện hơn 60 vụ cháy rừng và 235 vụ đốt rơm rạ giúp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.

Điểm qua một vài con số ấy để thấy rằng, ứng dụng này như cánh tay nối dài của chính quyền, tạo sự thuận lợi cho người dân.

“Dân bức xúc vì tiêu cực có thể phản ánh lên Hue-S. Dân tìm kiếm thông tin chỉ cần truy cập Hue-S; kết nối với ngân hàng, nhà trường cũng thông qua Hue-S… Từ khi ra đời ứng dụng này đã giúp chúng tôi rất nhiều. Đặc biệt, người dân cũng hạn chế được những biểu hiện tiêu cực vì sợ “Huế méc”, ông Trần Đức Huy (phường An Đông, TP. Huế) chia sẻ. Ứng dụng Hue-S đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân.

“Có thể nói rằng Hue-S đã làm thay đổi cơ bản và toàn diện phương thức kết nối giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp (DN) và người dân. Các vấn đề bức xúc, tồn tại xã hội đã hiện diện ngày càng nhiều hơn, rõ hơn thông qua sự tham gia phản ánh của người dân, DN. Cách thức tiếp nhận, xử lý các vấn đề của cơ quan nhà nước hoàn toàn thay đổi thông qua quy trình số đã khắc phục hạn chế những bất cập tồn tại trước đây. Đặc biệt, ngoài cơ quan nhà nước, các DN như, điện lực, nhà máy nước, ngân hàng... cũng đã tham gia vào hệ thống để cùng chung tay xử lý các vấn đề bất cập phát sinh trong hoạt động đời sống xã hội. Hue-S dần trở thành nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn cho biết.

Xây dựng con người số trong thời đại số

Rất nhiều người nghĩ CĐS chỉ liên quan đến mặt công nghệ mà quên nhân tố trọng tâm là con người. Việc thay đổi nhân tố con người để sẵn sàng cho quá trình CĐS cần được đặt lên hàng đầu như chìa khóa của CĐS.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình CĐS chưa đạt hiệu quả như mong đợi vì các cơ quan, đơn vị, DN chỉ tập trung vào thay đổi công nghệ mà không đầu tư vào nhân lực cũng như văn hóa. Để giải quyết được bài toán CĐS, cần thay đổi nhân tố con người một cách toàn diện.

Các doanh nghiệp CNTT Thừa Thiên Huế đang rất cần nhân sự giỏi

Cố vấn CĐS Nguyễn Văn Hòa cho rằng, CĐS là quá trình thay đổi phương thức sản xuất, vấn đề lớn nhất của CĐS là nhận thức của con người. Do vậy, tỉnh cần kết hợp, thống nhất những nội dung CĐS để mang màu sắc Huế, con người Huế.

“Màu sắc CĐS là văn hóa và tính trí tuệ. Tỉnh cần tận dụng đặc trưng của con người Huế, nhân lực tại Huế kết hợp với hoàn thiện hạ tầng sẽ tạo ra bước tiến xa”, ông Nguyễn Văn Hòa nêu quan điểm.

Theo Báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2021, tổng số nhân lực của ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã đạt mức 1 triệu người và còn tăng nhanh trong năm 2022. Tuy nhiên, các DN ở nước ta đang thiếu đội ngũ lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin, nhân viên thiết kế, nhân viên kỹ thuật… Năm 2021 thiếu hơn 500.000 nhân sự và năm 2022, số nhân sự thiếu hụt còn tăng hơn rất nhiều trong xu hướng mọi ngành nghề, lĩnh vực đều CĐS để tồn tại. Việc thiếu hụt này là bởi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT. Ðội ngũ nhân sự mới ra trường lại thiếu những kỹ năng cần thiết.

PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế đề xuất, tỉnh lưu ý đến việc tạo ra các mô hình kinh tế mới. Ông Tiến đưa ra dự báo, 80% những công việc truyền thống sẽ biến mất nên cần nghiên cứu công việc mới cho người lao động.

“Chúng ta cần chú ý đến các kỹ năng số, việc làm số để hỗ trợ đào tạo những năng lực mới cho người lao động”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Sở TT&TT, nhu cầu nhân lực của các DN chủ lực tăng theo từng năm và đến năm 2025, tổng số nhân lực CNTT trong các DN này là 8.469 người.

Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, chiến lược phát triển nhân lực CNTT tỉnh phát triển theo từng vị trí cao cấp/ chuyên gia, trung cấp/ quản lý và chuyên viên/ lập trình viên, trong đó tập trung thu hút nhân lực chuyên gia cao cấp đến làm việc tại địa phương. Tỉnh tập trung vào 4 giải pháp chính đó là, giải pháp về truyền thông, thông tin; các chính sách hỗ trợ DN; giải pháp phát triển nguồn nhân lực; chương trình, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư.

Khắc phục tồn tại, hướng đến CĐS toàn diện

Là một trong những địa phương sớm ban hành Chương trình CĐS và triển khai mạnh mẽ. Ngoài vấn đề nguồn nhân lực, nhận diện về yếu điểm trong quá trình CĐS của tỉnh, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh về chiến lược xây dựng, quy hoạch dữ liệu.

Ông Khoa cho rằng, Huế chú trọng và đầu tư bài bản, có nhiều hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Năm 2020, Huế đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng CNTT. Mặc dù vậy, Huế chưa ban hành chiến lược dữ liệu; có ít dữ liệu đăng tải lên cổng dữ liệu mở; dữ liệu tản mát làm giảm hiệu quả khai thác, tái sử dụng; thiếu nền tảng dữ liệu tập trung… Do vậy, tỉnh cần chuẩn hóa dữ liệu bằng cách đưa tiêu chuẩn cấu trúc thông tin, cách thức lưu trữ, chia sẻ giữa các sở/ ngành, huyện/ thị/ thành phố… và giải quyết bài toán cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực của tỉnh; chia sẻ dữ liệu đến đúng các bên sử dụng, đảm bảo nguyên tắc “cần - sống”… “Những giải pháp trên hướng tới mục tiêu chính quyền có nền tảng để quản trị, lưu trữ và đưa quyết định dựa trên dữ liệu; người dân, DN chỉ cần đến một nơi có thể thực hiện tất cả các thủ tục. Dữ liệu của người dân, tổ chức từng khai báo phải được kế thừa, khai thác”, ông Khoa nói.

Việc đầu tư hạ tầng để lưu trữ dữ liệu, ông Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc VNPT Thừa Thiên Huế đề xuất, trong kế hoạch CĐS của tỉnh cần giải quyết mối quan hệ giữa các bài toán quan trọng của quốc gia về cơ sở dữ liệu; tập trung dữ liệu từ trung ương đến địa phương để khỏi xảy ra tình trạng chồng chéo. Quá trình CĐS phải lấy dữ liệu trung tâm, tạo nên nền tảng số trên các lĩnh vực.

Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nên việc hoàn thiện về hạ tầng, con người thời gian tới rất quan trọng. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức đánh giá, chuẩn hóa lại quy trình số trong vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, trong đó chú trọng đến kỹ năng số cho công chức, viên chức, lực lượng trực tiếp tương tác trên các dịch vụ thông minh kết nối người dân và DN. Thúc đẩy nhanh CĐS hướng đến xây dựng chính quyền số, chú trọng tăng cường mạnh công tác tích hợp ứng dụng, dịch vụ số của nhà nước lên Hue-S. Đồng thời tham mưu, phối hợp các giải pháp sớm nâng cấp hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ ĐTTM; trọng tâm là phát triển hạ tầng số cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Bài, ảnh: Liên Minh - Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

TIN MỚI

Return to top