ClockThứ Ba, 11/10/2022 08:55

Chuyển đổi số: Nền tảng để thành công - Bài 1: Niềm tin từ chính quyền 4.0

TTH - Chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những chuyển động của chính quyền tỉnh lẫn các địa phương thời gian qua cho thấy CĐS từng bước lan tỏa vào từng ngành, từng lĩnh vực. Hình thành một chính quyền 4.0 trên nền tảng kinh tế số, con người số là mục tiêu hướng tới.

Thừa Thiên Huế đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022Thúc đẩy chuyển đổi số quốc giaGỡ “ách tắc” bất động sản: Chuyên gia kiến nghị thúc đẩy chuyển đổi số

Phát triển chính quyền điện tử là nền tảng hướng tới chính quyền số, được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Trong chương trình CĐS, đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh (ĐTTM) trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp Bộ phận một cửa xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) thuận lợi hơn trong việc giải quyết các TTHC cho người dân

Nhiều tiện ích

Từ trụ sở UBND xã, chỉ cần click chuột, ông Trần Kìm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền có thể biết được mọi diễn biến ở các trục đường chính. Ông Kìm bảo, dịch COVID-19 hay trong các đợt thiên tai, bão lũ, hệ thống camera an ninh đã phát huy tác dụng, trở thành công cụ hữu ích cho chính quyền xã trong việc quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) của địa phương.

Quảng Thọ là một trong 2 xã được tỉnh chọn xây dựng thí điểm xã thông minh. “Tôi cảm nhận được rõ sự thay đổi, đặc biệt là tình trạng trộm cắp giảm hẳn, ANTT được đảm bảo. Có hệ thống camera nên người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Long (thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ) chia sẻ.

Ngoài lắp đặt 19 camera an ninh giám sát với nhiệm vụ làm trung tâm kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng một cách toàn diện, chính quyền xã Quảng Thọ còn đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử.

“Hiện nay, chúng tôi đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3; sử dụng phần mềm văn bản đến và đi trên hệ thống mạng internet. Địa phương cũng áp dụng thông tin tổng hợp số, xây dựng trang web cho hai hợp tác xã và đang tiến tới phổ cập tài khoản ngân hàng. Điều này tạo ra giá trị thực tiễn đối với người dân và các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn”, ông Trần Kìm thông tin.

Không chỉ xã Quảng Thọ, hiện 11/11 xã, thị trấn huyện Quảng Điền đã đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đi vào hoạt động. Từ đó, tỷ lệ hồ sơ người dân, tổ chức, DN đăng ký dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 ngày càng tăng.

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, chính quyền tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của công tác CCHC, hướng tới xây dựng nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại để phục vụ Nhân dân. Đáng chú ý, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát, thực hiện cắt giảm từ 30% - 50% thời gian giải quyết TTHC ở tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, DN và cá nhân, trong đó tập trung vào các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân và DN, như đất đai, xây dựng, tư pháp...

Hiện nay, nổi bật nhất là việc giảm toàn bộ thời gian thụ lý 3 TTHC về cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và cấp giấy phép khai thác khoáng sản. “Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong toàn bộ quy trình giải quyết TTHC 100% hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận một cửa các cấp đều được số hóa và xử lý trên môi trường mạng. Giao diện của cổng dịch vụ công tỉnh được thiết kế lại với những tính năng mới, đặc biệt kết hợp tính năng chuyển từ văn bản sang lời nói và từ lời nói sang lệnh thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người yếu thế có thể tiếp cận thông tin”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

Trung tâm IOC nhận Giải thưởng Sao Khuê 2022 lĩnh vực Các nền tảng chuyển đổi số

Mỗi kỳ họp là một lần đổi mới

Tại Kỳ họp lần thứ 4, HĐND TX. Hương Trà khóa VII diễn ra đầu tháng 7, không còn xuất hiện các mớ tài liệu dày cộm trên bàn các đại biểu, thay vào đó là chiếc máy tính bảng nhỏ gọn, trang bị phần mềm có các ứng dụng cần thiết. Thông qua các ứng dụng này, đại biểu dễ dàng truy cập, tìm kiếm tài liệu, chương trình kỳ họp... Phần mềm cũng có thể truy xuất xem lại tài liệu theo hệ thống, từng mục loại, tra theo từng kỳ họp hay tra cứu theo tài liệu nghị quyết của HĐND, UBND…

Việc số hóa các tài liệu văn bản đã trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một kỳ họp HĐND tại TX. Hương Trà được tổ chức không giấy tờ cho thấy, các địa phương đã nắm bắt được xu thế.

“Với phương châm “mỗi kỳ họp là một lần đổi mới”, sau kỳ họp HĐND thị xã, Hương Trà sẽ tích cực đổi mới theo hướng linh hoạt, sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Bên cạnh các cuộc họp trực tiếp, sắp tới, các cuộc họp với các ngành, các cấp, Hương Trà cũng sẽ tổ chức họp trực tuyến để giảm thời gian đi lại, chi phí góp phần thay đổi phương thức làm việc”, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND TX. Hương Trà - Dương Thị Minh Thi cho biết.

Trong sự bùng nổ CNTT, việc thay thế cách thức họp truyền thống bằng các kỳ họp không giấy tờ sẽ góp phần cải cách TTHC toàn diện, chuyên nghiệp, hiện đại; tạo lập môi trường làm việc ngày càng công khai, minh bạch, đồng thời, tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, tạo động lực mới cho địa phương phát triển.

Không phải bây giờ mà hơn 2 năm trước, thực hiện chủ trương của Thường trực HĐND tỉnh về ứng dụng CNTT trong hoạt động, HĐND tỉnh đã lập trang web riêng, trang bị một số thiết bị công nghệ cần thiết và cấp hơn 50 máy tính bảng (ipad) cho đại biểu HĐND khóa VII (2016- 2021).

“Kỳ họp không giấy” được số hóa ở nội dung tài liệu họp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh thông qua việc tiếp nhận, phản hồi các thông tin khi tham gia các hoạt động tại kỳ họp. Các tài liệu được cập nhật trên website của HĐND tỉnh đồng nghĩa với việc người dân cũng có thể truy cập và tra cứu tài liệu.

“Ở mỗi kỳ họp, các đại biểu phải tiếp cận nhiều tài liệu, nhân viên văn phòng cũng rất vất vả để chuẩn bị những nội dung đó. Kỳ họp không giấy giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp và họp, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Mô hình này đã góp phần CCHC, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử”, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Trọng nói.

“Chìa khóa” quan trọng

Tỉnh đã xác định phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và CĐS là chiến lược phát triển xuyên suốt. Năm 2021, các chỉ số của tỉnh luôn ở tốp đầu, điển hình chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) xếp thứ 8/63 tỉnh/thành, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng đầu cả nước, Chỉ số CCHC đứng thứ 4 cả nước, Chỉ số ICT xếp thứ 2 cả nước; xếp thứ 2 toàn quốc về Chỉ số CĐS (DTI). Đến nay, 100% DN, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh đã triển khai hóa đơn điện tử, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM với sản phẩm “Nền tảng số hóa dùng chung tỉnh Thừa Thiên Huế” tiếp tục được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, CNTT Việt Nam và được công nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2022.

Đánh giá về quá trình CĐS của tỉnh, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nói tại Tuần lễ CĐS Huế 2022 mới đây, tỉnh đang có khát vọng ứng dụng công nghệ để mang lại lại giá trị. Quá trình CĐS từng bước có những thành tựu đáng ghi nhận.

Ông Khoa cho rằng, Thừa Thiên Huế cần chuẩn hóa dữ liệu bằng cách đưa tiêu chuẩn cấu trúc thông tin, cách thức lưu trữ, chia sẻ giữa các sở/ngành, huyện/thị/thành phố… và giải quyết  bài toán cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực của tỉnh; chia sẻ dữ liệu đến đúng các bên sử dụng, đảm bảo nguyên tắc “cần - sống”… Những giải pháp đó hướng tới mục tiêu chính quyền có nền tảng để quản trị, lưu trữ và đưa quyết định dựa trên dữ liệu; người dân, DN chỉ cần đến một nơi có thể thực hiện tất cả các thủ tục.

Xác định cải cách TTHC là một trọng những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là chìa khóa quan trọng để “mở cửa” thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác cải cách TTHC của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tỉnh sẽ tiếp tục các giải pháp triển khai các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 và tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia; kết hợp chặt chẽ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp CĐS với thực hiện cải cách TTHC, đặc biệt là giải quyết TTHC trực tuyến.

Bài, ảnh: LIÊN MINH - LÊTHỌ

(Còn nữa)

Bài 2: “Chìa khóa” của chuyển đổi số

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

TIN MỚI

Return to top