ClockThứ Bảy, 09/01/2021 13:45

Có chiến lược tốt, không lo thiếu nhà đầu tư

TTH - Thừa Thiên Huế cần làm gì để tăng khả năng kêu gọi đầu tư; làm sao để doanh nghiệp “sống sót” khi đối mặt với rủi ro… Báo Thừa Thiên Huế có buổi trao đổi với ông Trần Sĩ Chương, nhà đầu tư độc lập dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây về vấn đề này.

Xúc tiến dự án nhà máy điện khí 6 tỷ USD tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng CôĐa dạng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện

Nhà đầu tư độc lập Trần Sĩ Chương

Theo ông Trần Sĩ Chương, mục tiêu phát triển, hoài bão của tỉnh Thừa Thiên Huế đã rõ, bây giờ làm sao để cụ thể hóa mục tiêu đó, có chiến lược phát triển bởi điều này chưa được thể hiện rõ nét.

Là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây (Phú Lộc) với tổng mức đầu tư lên đến 6 tỷ USD. Vì sao ông lại giới thiệu nghiên cứu dự án?

Trước tiên, Thừa Thiên Huế là vùng đất tuyệt vời, ông cha có lý do tại sao chọn Huế làm kinh đô, từ đó tạo ra truyền thống văn hóa đặc thù mà đến nay vẫn còn giá trị.

Chúng tôi quyết định triển khai dự án này ở Chân Mây – Lăng Cô trước hết bởi thấy có nhiều thuận lợi về địa lý, đấu nối thuận lợi tuyến điện quốc gia 500KV... đặc biệt có cảng nước sâu và đê chắn sóng.

Cảng Chân Mây được đầu tư mở rộng, nâng công suất là lợi thế để thu hút đầu tư

Hơn nữa, trong ban quản trị công ty đa số đều là những người gốc Huế. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để giúp Huế phát triển. Nhìn vào thu nhập đầu người ở Huế còn thấp, chỉ còn một cách là công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thoát nghèo; đồng thời cố gắng để giữ gìn văn hóa, bảo tồn di sản.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nơi đặt dự án vừa định hướng phát triển công nghiệp và du lịch. Theo ông, liệu có sự xung đột phát triển trong tương lai?

Đó là một thách thức lớn. Không thể khẳng định phát triển công nghiệp mà không có ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái du lịch. Bởi vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Hợp đồng đầu tiên mà chúng tôi ký kết là với một công ty khảo sát, đánh giá môi trường số 1 ở Hoa Kỳ, để có đánh giá chính xác nhất. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy ở đây không có vấn đề gì nghiêm trọng về môi trường. Thế nên, về lâu dài, chúng tôi đặt mục tiêu biến nơi đây thành một đô thị kiểu mẫu, đáng sống trong tương lai.

Nhấn mạnh về vấn đề “trách nhiệm”, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Nói một cách “nôm na”, kêu gọi đầu tư cũng giống như mời một người bạn đến ở trong nhà của mình, không chỉ một thời gian ngắn, mà đến mấy chục năm, sau này còn ở với con cháu mình. Thành thử tiêu chí đầu tiên mà chúng tôi chọn là người đàng hoàng, tử tế. Đàng hoàng, tử tế ở đây là những công ty có trách nhiệm xã hội. Chủ nhà sẽ không phải quản lý họ mà họ sẽ tự giác sống cho đúng mực, không thể nửa đêm mà xả thải xuống sông, xuống biển.

Thời tiết ở Huế được cho là khắc nghiệt hơn so với các nơi khác, điều này có ảnh hưởng đến sự đầu tư của doanh nghiệp?

Không! (cười). Vì môi trường đầu tư, hệ sinh thái đầu tư và thủ tục hành chính quyết định tất cả.

Nếu nói thời tiết ảnh hưởng thì những “con rồng” kinh tế của châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông… có thời tiết còn khắc nghiệt hơn Huế nhiều. Khi nắng thì lên đến 40 độ C, mùa đông thì băng giá. Tôi dám chắc những ai đã đi ngang qua Thừa Thiên Huế, nếu biết Chân Mây – Lăng Cô thì phải có cái nhìn khác, thấy tuyệt vời như thế nào.

Thừa Thiên Huế có thế mạnh về phát triển xanh và đây cũng là xu hướng phát triển nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về thế mạnh này của Huế?

Đây là chủ trường đúng đắn. Chúng tôi có tham khảo các trường đại học lớn ở Hoa Kỳ và họ vô cùng ngạc nhiên khi có một địa phương giữ được môi trường như ở Huế, dù công nghiệp hóa ngày càng mạnh mẽ.

Tôi nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”, Huế mà cứ xanh và đẹp như thế này thì sớm muộn gì ai cũng biết. Nhưng quan trọng của Huế là đừng để đẹp mà nghèo. Vì nghèo thì rất khó duy trì được cái đẹp và cứ nói mà không làm được. Do đó cần phát huy thế mạnh, có chiến lược phát triển đúng đắn để nâng thu nhập của người dân; đồng thời tăng ngân sách Nhà nước để có nguồn lực thực hiện những hoài bảo của Huế, như bảo tồn di sản, xanh - sạch - đẹp…

Ông cho rằng chiến lược trong kêu gọi đầu tư chưa rõ ràng, vậy Thừa Thiên Huế cần làm gì?

Trước hết, phải xác định Huế muốn gì và cần gì. Từ đó xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư lâu dài và có sự đồng thuận cao từ chính quyền đến người dân.

Khi nhà đầu tư đến, phải có sự chăm sóc để họ ở lại với Huế. Phải xác định, khi nhà đầu tư “làm ăn” được sẽ tạo được việc làm tốt, Huế sẽ phát triển tốt theo họ.

Tôi nghĩ rằng, khi Huế có chiến lược tốt, không chỉ có rất nhiều những người con gốc Huế về quê hương để cống hiến, mà những nhà đầu tư hàng đầu thế giới sẽ đến.

COVID-19 cho thấy doanh nghiệp thường ít tính đến yếu tố “rủi ro”. Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Các doanh nghiệp khi làm ăn thường nhìn hướng tới chứ ít khi nhìn đường lui. Ít có doanh nghiệp đặt ra chiến lược quản lý rủi ro, với những câu hỏi: nếu, mà, thì, sao?

Dù thế, nói về đại dịch COVID-19 là một tình trạng khác. Ngay ở Hoa Kỳ, quốc gia có kinh nghiệm về quản lý rủi ro cũng “trở tay” không kịp vì đây là sự khủng hoảng, gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Kinh tế gồm chuỗi cung ứng, bây giờ tất cả đều bị gián đoạn, con người đi lại không được, hàng hóa không di chuyển được, tài chính bị ứ đọng.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị đường dài, nhưng để kinh tế phục hồi như năm 2019 thì phải mất 5-7 năm nữa. Nhà nước sẽ khó có thể đủ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp về lâu về dài. Ngay ở Hoa Kỳ, cũng chỉ hỗ trợ doanh nghiệp một vài tháng, nên doanh nghiệp phải chủ động giải pháp.

Đầu tiên, cần cắt giảm những chi phí cố định tối đa để tồn tại được nếu giữ doanh nghiệp. Nhưng tôi cũng có lời khuyên, các chủ doanh nghiệp gắn bó lâu, xem doanh nghiệp như một “đứa con” sẽ rất khó bỏ, nhưng phải tỉnh táo để nhận thức xu hướng của kinh tế địa phương, trong nước, thế giới ảnh hưởng đến công việc mình như thế nào. Nếu công việc đang làm không phù hợp với tương lai, nên nghĩ đến chuyện “xóa đi làm lại” và chuyển sang công việc khác phù hợp với xu hướng.

Xin cảm ơn ông!

Đức Quang (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1
Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư
Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

Châu Á là khu vực thương mại hội nhập cao thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu (EU), với gần 57% giá trị thương mại có nguồn gốc từ khu vực này, tăng 3% trong 20 năm qua, trái ngược với sự sụt giảm được ghi nhận ở các khu vực khác.

Năm 2025 mở ra cơ hội đầu tư tích cực tại châu Á

TIN MỚI

Return to top