ClockThứ Bảy, 10/10/2020 15:27

Doanh nghiệp dệt may “ngóng” đơn hàng

TTH - Trong khi các mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế được coi là “chiếc phao cứu sinh” cho nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trong quý II và III/2020 thì bước sang quý IV/2020, các sản phẩm này giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Thêm đơn hàng, thêm niềm vuiDoanh nghiệp dệt may tăng doanh thu từ chuỗi cung ứngDoanh nghiệp dệt may điêu đứng vì bị hoãn, hủy đơn hàng

Thị trường tiêu thụ các loại khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế bão hòa, các DN dệt may chuyển hướng sản xuất áo quần và đồng phục

Các DN phải chuyển dịch sản xuất các sản phẩm truyền thống và khai thác thị trường nội địa để ổn định sản xuất. 

Đơn hàng ký hàng tuần

Vào thời điểm này của những năm trước, các DN dệt may trên địa bàn đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau, nhưng năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, phần lớn DN chỉ nhận đơn hàng theo từng tháng, thậm chí từng tuần. Trong đó, một số đơn vị mới nhận được 70- 85% đơn hàng trong tháng 10, các tháng còn lại năm 2020, 2021 đều chưa có thông tin và con số rõ ràng.

Qua khảo sát các DN dệt may, dù nguồn cung nguyên phụ liệu đã ổn định và hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, tâm lý bất an về diễn biến dịch trong tương lai cùng những chính sách thắt lưng buộc bụng của người dân nên khách hàng dè dặt trong chi tiêu, đầu tư của các DN cũng chững lại. Theo đó, đầu quý IV/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, nhu cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều nên các đơn hàng của nhiều DN phải “ăn đong”, lo đơn hàng hàng tuần, hàng giờ và số lượng đối tác "hủy đơn" vẫn tiếp diễn.

Nhiều DN dệt may thiếu đơn hàng trong quý IV/2020

Với quy mô lớn gồm 4 nhà máy may, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động, chưa bao giờ đơn hàng của Công ty CP Dệt may Huế thiếu hụt như giai đoạn tháng 9, 10/2020. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thể thao, đồng phục ở Mỹ, châu Âu giảm sút nên đối tác phải cân nhắc, khảo sát thị trường trước khi thực hiện các giao dịch đặt hàng. Trong khi đó, các sản phẩm khẩu trang bắt đầu chững lại do nhu cầu thị trường giảm.

Theo Giám đốc điều hành Nguyễn Hồng Liên, hiện các đơn hàng lớn của công ty đã nhận đến tháng 2/2021, song số lượng hàng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Đối với các đơn hàng nhỏ thì khá bấp bênh, các giao dịch đặt hàng có khi được tính bằng tuần, bằng tháng thay vì bằng năm như trước. Song, để ổn định sản xuất, DN triển khai nhiều kịch bản, tăng cường tìm kiếm các đối tác và khai thác thêm các đơn hàng mới.

Tìm đơn hàng mới

Khác với thời điểm đầu quý II/2020, khi nhiều DN lần lượt chuyển dịch các đơn hàng sản xuất áo quần thời trang, đồ lót và sản phẩm truyền thống sang khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế đáp ứng nhu cầu chống dịch. Từ tháng 9/2020, khẩu trang, đồ bảo hộ khó cứu được các DN khi hiện nay thị trường này đã bão hòa.

Ông Phạm Gia Định, Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú cho biết, DN đã giảm dần sản xuất khẩu trang vì thị trường thế giới đã bão hòa và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm áo quần thời trang xuất khẩu sang Mỹ. Hiện, các đơn hàng đã ký đến cuối năm 2020, song số lượng hàng có giảm do sức tiêu thụ sụt giảm.

Tại Công ty Scavi Huế, cùng với việc duy trì sản xuất hơn 250 triệu sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn xuất khẩu DN ký kết từ đầu tháng 4/2020, để ổn định sản xuất, đơn vị vẫn duy trì sản xuất các sản phẩm truyền thống và tìm kiếm các đơn hàng mới thông qua Tập đoàn Scavi (Pháp).

Theo Sở Công thương, 9 tháng đầu năm 2020, các DN dệt may trên địa bàn sản xuất hơn 600 triệu sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Dù sản lượng sản phẩm truyền thống của ngành dệt may giảm mạnh, trong đó trang phục lót giảm 15%, sợi các loại giảm 2%, song chỉ số ngành sản xuất trang phục vẫn tăng trưởng khá, tăng 13% so với cùng kỳ, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn cho rằng, để giảm bớt áp lực cho các DN trong quá trình xuất khẩu hàng hóa, sở phối hợp với Cục Hải quan hỗ trợ DN trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư và hoạt động sản xuất, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành dệt may.

Ngoài ra, sở chỉ đạo các phòng ban rút ngắn thời gian cấp CO (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) nhằm tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu hàng hóa nhanh nhất, hướng dẫn các DN thực hiện công bố hợp quy sản phẩm dệt may và dán nhãn hợp quy trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, đồng thời thông báo các DN may mặc sản xuất khẩu trang đăng thông tin trên website của Bộ Công thương, hỗ trợ DN cung ứng sản phẩm khẩu trang vải cho các địa phương trong nước nhằm mở rộng thị trường, ổn định sản xuất.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top