ClockThứ Sáu, 11/08/2023 10:48

Chủ động di dời dân cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở

TTH - Nhiều điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn các huyện Nam Đông, A Lưới đã được chính quyền cảnh báo mỗi mùa mưa lũ. Tuy nhiên, do nguồn lực còn khó khăn dẫn đến việc đầu tư xử lý các điểm sạt trượt, di dân tái định cư (TĐC) an toàn vẫn còn “nhỏ giọt”.

Đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian sửa chữa cao tốc Cam Lộ-La SơnĐạt 50% tiến độ công trình xây kè chống sạt lở sông Tả TrạchKhẩn trương xử lý sạt trượt trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn trước mùa mưa

leftcenterrightdel
 Nhiều khu vực đối diện nguy cơ sạt lở ven bờ sông ở thị trấn Khe Tre, Nam Đông

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng của 8 đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh, 2 đợt mưa lớn, 3 đợt giông, lốc sét... gây thiệt hại nhiều tài sản của Nhân dân. Càng về cuối năm, thời tiết diễn biến càng phức tạp.

Theo dự báo từ tháng 9/2023 trở đi trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt mưa lớn trên diện rộng; tháng 10-11 tần suất xuất hiện mưa lớn sẽ nhiều hơn, mỗi tháng có khả năng xuất hiện 2-4 đợt mưa lớn diện rộng. Mưa kéo dài làm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ quét vùng miền núi, ngập úng ở đồng bằng và đô thị.

Trong phương án tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn khi có thiên tai năm 2023, ngành chức năng dự kiến di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất khoảng 4.700 hộ/15.800 nhân khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 51 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở. Trong đó, có nhiều khu vực được xác định là “trọng điểm” sạt trượt đất nằm trên địa bàn huyện Nam Đông, A Lưới.

Theo thống kế của UBND huyện Nam Đông, qua rà soát trên địa bàn toàn huyện hiện có 9 vị trí nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi có mưa lớn kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân. Trong đó “trọng điểm” nhất là ở khu vực thôn 2, xã Thượng Nhật (Nam Đông) với 86 hộ dân, 300 nhân khẩu.

Khảo sát của PV cho thấy, địa hình thôn nằm bên khu vực sông suối nên đối diện nguy cơ sạt lở cao. Do nằm dưới chân thủy điện nên nỗi lo xả lũ vẫn luôn thường trực. Đặc biệt, từ đợt mưa lũ năm 2020, trên triền đồi ở thôn 2 đã xuất hiện điểm đứt gãy núi. Trong trường hợp mưa lớn kéo dài có nguy cơ trượt lở đất vùi lấp khu dân cư bên dưới. Người dân ở đây mong muốn được TĐC nhằm ổn định cuộc sông lâu dài.

Tương tự, tại khu vực xã Hương Phú, thị trấn Khe Tre (Nam Đông) có 14 hộ dân nằm “kẹp” giữa tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan và Tỉnh lộ 14B. Ngoài việc lo sợ các sự cố về an toàn giao thông, các hộ dân ở khu vực này vẫn luôn “thấp thỏm” tình trạng sạt trượt quả đồi phía trên tuyến cao tốc. Trong quá trình thi công tuyến giao thông, nhiều đồi núi sau khu vực dân cư đã bị san ủi, mặc dù có gia cố kỹ thuật nhưng trong mùa mưa lũ, nguy cơ sạt trượt núi rất cao.

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 18 điểm nguy cơ sạt lở đất với khoảng trên 500 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó có 17 điểm cần bố trí dân cư vùng ảnh hưởng do thiên tai, cho thấy nhu cầu TĐC của các hộ dân hiện nay là rất lớn.

Trọng điểm có vị trí tại thôn Tru Pỉ (Hồng Thủy, A Lưới) luôn thường trực đối diện với nguy cơ sạt lở núi. Cụm dân cư này có khoảng 100 hộ dân sinh sống đã lâu, do ảnh hưởng thiên tai qua các năm, trên dãy núi gần khu dân cư này đã xuất hiện vết đứt gãy với chiều sâu hơn 2m, tách đôi quả đồi. Xã Hồng Thủy đã bố trí một phần dân cư ở đây xen ghép vào khu TĐC thôn Pa Ay gần đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân sống gần chân núi với nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa cần được di dời TĐC.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, đối với các điểm nguy cơ sạt lở trên địa bàn hiện nay địa phương kiến nghị rất nhiều nhưng do nguồn lực khó khăn nên việc đầu tư giải pháp công trình, xây dựng khu TĐC phục vụ di dân lại “rất khiêm tốn”.

Đến nay, khu vực 14 hộ dân thuộc xã Hương Phú và thị trấn Khe Tre nằm giữa tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan và Tỉnh lộ 14B huyện đã tiến hành xây dựng khu TĐC với diện tích gần 1ha, tổng mức đầu tư 10,3 tỷ đồng từ nguồn vốn giải phóng mặt bằng của tuyến cao tốc. Dự án sẽ đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật phục các hộ dân ảnh hưởng phải di dời nhằm đảm bảo an toàn, sinh kế lâu dài.

Riêng đối với khu vực xã Thượng Nhật, chính quyền địa phương kiến nghị cấp trên sớm bố trí nguồn vốn xây dựng kè chống sạt lở dọc sông Tả Trạch với chiều dài khoảng 8km và bố trí đất quy hoạch khu TĐC mới khu vực thôn 2 với khoảng 75 hộ, tiến hành di dời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa, bão.

Được biết, từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã báo cáo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề xuất 2 dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Theo đó, đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư DA di dân khẩn cấp tại thôn Bình An 2 (Lộc Bình, Phú Lộc) và 3 thôn tại xã Thượng Nhật, Nam Đông với 123 hộ dân có tổng mức đầu tư gần 52,5 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư và thực hiện các bước tiếp theo để triển khai dự án.

Theo phòng NN&PTNT huyện A Lưới, đối với các hộ dân ở thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thủy), UBND huyện đã tiến hành khảo sát và có phương án di dời hơn 100 hộ dân ở khu vực này qua bên kia sông Đakrông với diện tích khu vực TĐC hơn 12ha, tổng kinh phí thực hiện khoảng 45 tỷ đồng. Khu vực này vốn đã quy hoạch khu dân cư, huyện đã đề xuất UBND tỉnh và chỉ chờ kinh phí để thực hiện.

UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT hồ trợ xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất mức độ chi tiết đến cấp huyện, xã. Hỗ trợ xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai và phân cấp cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh, cấp huyện thuộc Thừa Thiên Huế Hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt vùng hạ du hệ thống các hồ chứa nước lưu vực sông Hương.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”. Các tỉnh, thành phố đang đứng trước đòi hỏi phải tạo nên được động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Chủ động, sáng tạo “trên chính mảnh đất của mình”
Đối ngoại Việt Nam năm 2024: Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Trong năm 2024, thế giới tiếp tục quá trình biến đổi sâu sắc, có nhiều diễn biến mới, phức tạp, tác động đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội. Năm 2024 cũng là năm đất nước bước vào giai đoạn nước rút thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, với nhiều hoạt động sôi động, đạt được nhiều kết quả tích cực. Mặc dù môi trường bên ngoài biến động, Việt Nam tiếp tục nổi lên là một "điểm sáng" hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những thành tựu "quan trọng, có ý nghĩa lịch sử" của đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ đến nay như đánh giá của lãnh đạo chủ chốt tiếp tục được kế thừa, phát huy và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước.

Đối ngoại Việt Nam năm 2024 Tích cực, chủ động góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

TIN MỚI

Return to top