ClockThứ Tư, 23/12/2020 07:15

Bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống - Kỳ 1: Nhận diện thách thức

TTH - Ngoài cung cấp nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ, rừng còn góp phần duy trì, bảo vệ môi trường, hạn chế xói mòn đất đai, lũ lụt, sạt lở núi, điều tiết nguồn nước... Tuy vậy, nạn chặt phá rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng và chuyển đổi mục đích khác khiến diện tích rừng tự nhiên đối mặt nguy cơ thu hẹp, các loài gỗ quý ngày càng khan hiếm.

Quản lý rừng cộng đồng bền vữngLợi ích kép về bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậuRừng trồng gỗ lớn ứng phó biến đổi khí hậu

Vai trò, lợi ích của rừng rất lớn, nhưng quản lý bền vững tài nguyên rừng đang gặp nhiều thách thức. 

Một số cánh rừng lộ rõ đồi trọc, các công trình

Dai dẳng nạn phá rừng

Diện tích trên 2 ha rừng đầu nguồn sông Bồ do UBND phường Hương Vân (TX. Hương Trà) quản lý bị đốt cháy rụi cách đây vài tháng khiến nhiều người lo ngại trước sự đe dọa của lâm tặc. Cạnh khu vực rừng cháy, nhiều cây gỗ có đường kính 30-50 cm, một số cây đến 80 cm đã bị đốn hạ, mang đi khỏi hiện trường. Diện tích rừng bị cháy còn khiến nhiều cánh rừng xung quanh bị ảnh hưởng, héo khô.

Điều dư luận thắc mắc là khu rừng bị đốt cháy, đốn hạ chỉ cách Trạm Kiểm tra Lâm nghiệp bền vững TX. Hương Trà chừng 2km. Sự việc lại diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật”, trong thời gian dài nhưng cán bộ trực trạm, tuần tra rừng tại đây lại không hay biết (?!). Trong khi hằng ngày người dân lại nghe rõ tiếng cưa, thấy rõ khói bay nhưng nhầm tưởng khai thác rừng sản xuất, đốt thực bì.

Tuần tra rừng ở A Lưới

Mới đây, nhiều cây gỗ quý tại một khu rừng già ở A Lưới bị lâm tặc ngang nhiên khai thác. Đáng nói là cánh rừng này nằm không quá xa Quốc lộ 49 và cách Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (A Lưới) khoảng hơn 2km theo đường chim bay. Một vụ đốn hạ cây rừng khác bằng thủ công cũng trên địa bàn A Lưới với diện tích gần 0,5 ha. Khu rừng bị lâm tặc xâm hại nằm tiếp giáp với các cánh rừng keo tràm của người dân địa phương và diễn ra trong thời gian dài. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn, sự tắc trách trong quản lý, bảo vệ đối với chủ rừng.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh đánh giá, dù các biện pháp bảo vệ được triển khai quyết liệt nhưng hầu như năm nào cũng xảy ra nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức 627 đợt truy quét chống chặt phá rừng, lập biên bản 190 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu 70,593 m3 gỗ. Cùng thời điểm đã xảy ra 132 vụ phá rừng với diện tích thiệt hại 22,26 ha, tăng 75 vụ, diện tích rừng bị phá tăng 11,33 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 7 vụ án có dấu hiệu vi phạm hình sự đã bị khởi tố.

Hiện trường khai thác gỗ trái phép ở A Lưới năm 2019

Máu và nước mắt

Hơn một năm bị lâm tặc tấn công trả thù ngay tại trụ sở làm việc, đến nay vết thương trên cơ thể anh Nguyễn Văn Lương, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân vẫn chưa lành. Những chiếc vít nẹp xương bị rạn vỡ vẫn chưa tháo khỏi trên gò má.

Sự quyết liệt, tâm huyết bảo vệ “lá phổi xanh” của anh Lương đã trả giá bằng máu và nước mắt. Trước hôm xảy ra vụ hành hung, chính anh Lương là người bắt giữ một vụ chặt phá rừng và bẫy thú, tịch thu nhiều phương tiện, thiết bị vi phạm. Tưởng chừng các đối tượng sau khi bị nhắc nhở, răn đe, chờ xử lý có cơ hội ăn năn hối cải, nào ngờ càng hung hăng, manh động, quay lại trả thù một cách táo tợn khiến anh Lương bị trọng thương phải cấp cứu, điều trị dài ngày.

Những cây gỗ quý hiếm tại rừng phòng hộ Bắc Hải Vân được bảo vệ nghiêm ngặt

Trưởng phòng Quản lý-Bảo vệ rừng (QLBVR) thuộc CCKL, ông Mai Văn Tâm lo ngại trước cuộc chiến phòng chống lâm tặc trong nhiều năm qua, lực lượng BVR luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy. Nhiều cán bộ kiểm lâm ở Nam Đông, A Lưới đã từng bị lâm tặc hành hung, chống trả quyết liệt bằng dao, rựa, ném đá gây thương tích nặng. Những chuyến tuần tra cả ngày lẫn đêm trong rừng sâu, vượt qua bao thác ghềnh, đá núi hiểm trở, chỉ một chút sơ sẩy, bất cẩn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Chuyện anh Nguyễn Anh Kiệt, Tổ trưởng Tổ BVR Thủy An, xã Lộc Thủy (Phú Lộc) bất ngờ bị tảng đá lớn từ trên núi cao lăn xuống đè lên người bị thương nặng trong lúc tuần tra rừng năm trước. Cách đây mấy năm, trong một chuyến tuần tra rừng mùa mưa, nhóm kiểm lâm ở A Lưới bị mắc kẹt trong rừng suốt 10 ngày do lũ bất ngờ. Mất đến 10 ngày chịu đựng rét buốt, thiếu lương thực, ngày đêm băng suối, vượt rừng tưởng chừng không bao giờ về.

Gian khó, hiểm nguy thường trực với lực lượng kiểm lâm, BVR khiến nhiều đồng nghiệp của anh Lương, anh Kiệt, hay nhiều cán bộ BVR huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đành gác lại ước mơ bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh”. Tính riêng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, chỉ trong vòng 3 năm nay đã có 8 cán bộ BVR bỏ nghề. Những cán bộ trẻ thế chỗ bao tâm huyết, nhiệt tình với nghiệp BVR cũng rất nan giải trước những hiểm nguy.

Trưởng phòng QLBVR thuộc CCKL cho rằng, gian khó, hiểm nguy, lực lượng mỏng, trong khi quản lý, bảo vệ diện tích rừng rất lớn là những vấn đề “lưu cữu”, không thể tránh khỏi. Nhưng không thể “đổ lỗi” hoàn toàn cho những điều này, hầu hết các vụ phá rừng đều có nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là của một bộ phận kiểm lâm, BVR. Có sự tiếp tay lâm tặc hay không là điều chưa thể khẳng định, nhưng rõ ràng lực lượng BVR chưa làm tròn trách nhiệm trong quá trình tuần tra, giám sát để xảy ra các vụ chặt phá rừng, đốt rừng, vận chuyển gỗ, động vật hoang dã trái phép.

Những công trình phá hủy màu xanh

Ngoài nạn phá rừng khai thác gỗ, đốt rừng, lấn chiếm rừng làm nương rẫy cộng với các công trình thủy điện làm mất nhiều diện tích rừng phòng hộ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 dự án (DA) thủy điện, trong đó có 9 DA đã vận hành, còn lại đang trong quá trình xây dựng. Các công trình thủy điện thường nằm khu vực đầu nguồn, tập trung nhiều diện tích rừng tự nhiên. Quá trình xây dựng hồ chứa, bạt núi nắn dòng, xây dựng nhà điều hành, đập đầu mối, đường thi công, đường vận hành, các công trình phụ trợ… ảnh hưởng đến các diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất là không thể tránh khỏi.

Qua rà soát, đánh giá, ngoài các thủy điện lớn như Hương Điền, Bình Điền, A Lưới phải chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên đến hàng trăm ha, 7 DA thủy điện khác cũng chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 154,57 ha (gồm 101,55 ha rừng tự nhiên và 53 ha rừng trồng).

Số liệu điều tra của CCKL cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2020, cơ cấu diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi. Tỷ lệ cơ cấu các loại rừng phân theo mục đích sử dụng trong giai đoạn này cũng có nhiều biến động. Tỷ lệ diện tích rừng đặc dụng trong cơ cấu đất lâm nghiệp tăng 2,65% (từ 27,35% lên 30%); tương tự tỷ lệ rừng sản xuất tăng 0,85% (từ 44,23% lên 45,08%). Ngược lại, tỷ lệ rừng phòng hộ giảm 3,5% (từ 28,43% xuống còn 29,93%). Diện tích đất có rừng đến nay giảm trên 6.000 ha so với năm 2010.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương đánh giá, trong khi rừng được chuyển đổi sang xây dựng công trình thủy điện thì các DA này chậm triển khai trồng rừng thay thế. Hai thủy điện lớn Bình Điền, Hương Điền với diện tích rừng phải trồng là 362,69ha, tương ứng 26,8 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa nộp kinh phí trồng rừng. Hai DA đến nay vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ thực hiện trồng rừng thay thế là thủy điện Tả Trạch và A Roàng.

Các đơn vị cũng khá tích cực thực hiện chỉ đạo của tỉnh, nhưng thời gian qua ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, các nhà máy hoạt động cầm chừng, không có nguồn thu nên chậm nộp kinh phí trồng rừng thay thế. Tỉnh đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương có biện pháp, yêu cầu các DA thủy điện A Roàng, Tả Trạch cung cấp hồ sơ DA để UBND tỉnh có kế hoạch tổ chức trồng rừng thay thế.

Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, nạn phá rừng, bạt núi mở đường, xây dựng công trình... đã thúc đẩy quá trình “tai biến địa chất”, dẫn tới mất chân và mất ổn định sườn dốc, tạo độ dốc cao hơn, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Các điểm sạt lở vừa qua đều tập trung ở các công trình thủy điện, sườn núi, hoặc dọc các tuyến đường...

Bài, ảnh: Hoàng Thế - Lê Thọ

Kỳ 2: Phát triển rừng cần dựa vào thực tiễn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận dụng cơ hội & vượt qua thách thức

Đúng 20 ngày sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và 10 ngày trước khi lễ công bố được tổ chức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) tổ chức Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Tôi nghĩ, đó là một việc làm cần thiết khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa vào nền tảng văn hóa, di sản để phát triển.

Tận dụng cơ hội  vượt qua thách thức
Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

TIN MỚI

Return to top