ClockThứ Bảy, 24/09/2022 15:11

Khoảng 80% thí sinh trúng tuyển Đại học đợt 1 đã xác nhận nhập học

Theo Bộ Giáo dục và Đào, chỉ còn 1 tuần nữa để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 (trước 17 giờ ngày 30/9), thí sinh không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học đã trúng tuyển.

Đại học Huế tuyển sinh bổ sung hơn 3.000 chỉ tiêuXét tuyển đại học 2022: Lúng túng với phần mềm lọc ảo chungTuyển sinh ĐH 2022: Điều chỉnh để tạo thuận lợi cho trường và thí sinh

Giao diện hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến. (Ảnh: Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 18 đến 23/9, khoảng 80% thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã xác nhận nhập học lên hệ thống tuyển sinh chung.

Như vậy, còn 1 tuần nữa để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 (trước 17 giờ ngày 30/9). Thí sinh không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập đã trúng tuyển.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ nếu như các năm trước, hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ hỗ trợ các trường xử lý lọc ảo đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông thì năm nay mở rộng lọc ảo đối với tất cả các phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Bên cạnh đó, hệ thống xét tuyển mở rộng thêm chức năng cung cấp dữ liệu kết quả học tập trung học phổ thông của thí sinh cho các trường đại học. Tất cả quy trình từ đăng ký nguyện vọng đến thanh toán lệ phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện trực tuyến.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, về cơ bản đến nay hệ thống hoạt động trơn tru và tương đối ổn định, mang lại nhiều kết quả tích cực như thí sinh được quyền lựa chọn nguyện vọng mình ưu tiên; các trường tập trung dữ liệu để có được kết quả trúng tuyển từ hệ thống; Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở dữ liệu thống nhất, minh bạch trong toàn hệ thống và khắc phục nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý.

Đặc biệt, tỉ lệ ảo đã giảm mạnh so với nhiều năm, thể hiện qua số lượng thí sinh đã xác nhận nhập học đến thời điểm này. Có thể vẫn có tỷ lệ ảo nhất định do thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học bởi một số yếu tố như nguyện vọng trúng tuyển không phải nguyện vọng 1 mà chỉ là trúng tuyển ở các nguyện vọng 3, 4; thí sinh trúng tuyển ngành học có mức học phí quá cao nên không đủ điều kiện để theo học…

Vì vậy, các em không xác nhận nhập học đợt 1 và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung. Tất cả nội dung này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ.

Bên cạnh những mặt tích cực, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cũng nhìn nhận về những trục trặc xảy tra trong quá trình vận hành hệ thống tuyển sinh. Ví dụ như buổi đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học có xảy ra hiện tượng hiển thị thông tin trúng tuyển lặp lại. Lỗi này được khắc phục ngay sau đó và không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển của thí sinh.

Việc thanh toán lệ phí trực tuyến ban đầu cũng gặp một số vấn đề nhưng sau khi kéo dài thời gian và phân luồng thanh toán đã khắc phục tình trạng nghẽn, quá tải…

Ngoài ra, do có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau đưa vào hệ thống nên trong quá trình đăng ký xét tuyển, thí sinh có sự nhầm lẫn trong việc sắp xếp nguyện vọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn để tổ kỹ thuật, các trường đại học sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung lọc ảo tất cả các phương thức xét tuyển là mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai nên không tránh khỏi những sự cố xảy ra.

Do vậy, nhà trường luôn phải duy trì đội ngũ tư vấn, hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ thí sinh khi có khó khăn, sai sót. Trong mùa tuyển sinh năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường cần có sự chuẩn bị tốt hơn và cần hướng dẫn kỹ lưỡng hơn cho thí sinh để hạn chế sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo TTXVN/Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

TIN MỚI

Return to top