ClockThứ Sáu, 20/10/2017 13:21

Đối mặt với khó khăn ngoại ngữ

TTH - Theo lộ trình đề án Dạy và học ngoại ngữ không chuyên theo cấp độ (NNKC), từ khóa học 2014 - 2018, Đại học (ĐH) Huế áp dụng chuẩn đầu ra NNKC đối với sinh viên cao đẳng và ĐH hệ chính quy các cơ sở giáo dục trực thuộc là phải đạt năng lực bậc 3/6 (B1).

Giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ hướng dẫn sinh viên học ngoại ngữ không chuyên để thi chứng chỉ B1

Bậc phổ thông và ĐH đều than khó

Ông Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, phụ trách công tác NNKC ĐH Huế cho biết, kết quả khảo sát đầu vào đợt 1 – năm 2017 đối với sinh viên năm thứ nhất ở các cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế cho thấy, hơn 60% sinh viên đạt trình độ tiếng Anh bậc 1/6 (A1) và dưới bậc 1/6 (A0). So với đợt khảo sát các năm trước, con số này chưa cải thiện và khó khăn cho bậc ĐH trong công tác đào tạo NNKC đáp ứng chuẩn đầu ra. “Đúng ra, từ khóa tuyển sinh ĐH 2013, ĐH Huế đã áp dụng điều kiện ra trường với sinh viên học NNKC là chứng chỉ B1, song do thực tế còn khó khăn và vận dụng lộ trình đề án NNKC có thể áp dụng chứng chỉ bậc 2/6 (A2) nên từ khóa tuyển sinh ĐH 2014 (ra trường năm nay nếu học ngành đào tạo 4 năm) mới bắt đầu áp dụng B1”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, lẽ ra học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông phải đạt chuẩn A2. Khi đó, ở bậc ĐH, với chương trình 7 tín chỉ, việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên từ A2 lên B1 sẽ không quá khó. Song, hiện tại nhiều sinh viên phải học lại ngoại ngữ từ đầu, việc đào tạo để các em đáp ứng đúng chuẩn B1 là rất khó. Đây là gánh nặng của bậc ĐH, có một phần trách nhiệm của giáo dục phổ thông, cần các sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quan tâm hơn.

TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, hạn chế về ngoại ngữ là câu chuyện chung của học sinh trong cả nước, kể cả học sinh Huế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập từ tổ chức, quản lý dạy học còn nhiều vướng mắc. Với số lượng học sinh trong một lớp hiện nay khá lớn, rất khó đảm bảo tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá đúng và đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết do thời lượng ít, lớp học đông. Trong khi đó, không thể chia nhỏ lớp vì sẽ gia tăng số lượng giáo viên cùng nhiều vấn đề liên quan. Đây là vấn đề cấp sở khó giải quyết, cần có giải pháp từ bộ, ngành trung ương.

Ông Hùng thẳng thắn, việc cải thiện trình độ ngoại ngữ cho học sinh khó cũng có nguyên nhân từ phía người học và giáo viên. Trong khi người học chưa mặn mà học ngoại ngữ, chưa chủ động tiếp cận các phương pháp học bên ngoài nhà trường thì năng lực nghề nghiệp của một số giáo viên còn hạn chế. “Khi tuyển dụng, họ có đủ các bằng cấp liên quan, song có trường hợp bằng cấp không phản ánh được năng lực nghề nghiệp. Đây là thực trạng chung, cần đổi mới khâu đào tạo đội ngũ giáo viên, chuẩn hóa văn bằng, quản lý chặt chẽ hơn việc tổ chức thi và cấp phát bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ là cấp bách nhưng nếu không tiến hành đồng bộ thì khó có kết quả tốt”, ông Hùng nói.

Trong khi cả bậc phổ thông và ĐH có khó khăn nhất định thì hai bên lại chưa “bắt tay” trong công tác đào tạo, ngoại trừ các cuộc họp chung về ngoại ngữ do Bộ GD&ĐT tổ chức. Lý giải điều này, ông Tiến cho hay, đầu vào sinh viên ĐH Huế từ nhiều tỉnh, thành, trong khi học sinh Huế lại chọn học ĐH nhiều địa phương khác nhau, rất khó phối hợp. Chính phủ và Bộ GD&ĐT nên có giải pháp cho vấn đề này.

Tập trung giải quyết ngoại ngữ

Khảo sát của người viết với các nhà tuyển dụng, hầu hết khẳng định, siết chặt đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên là cần thiết, không chỉ B1 mà còn tiến tới trình độ cao hơn. Đây là hướng đi cần có lộ trình từng bước, từ giáo dục phổ thông lên ĐH. Muốn làm được, cả hệ thống đào tạo từ phổ thông lên ĐH phải cùng tập trung giải quyết, trước mắt là B1 và tiếp đó là trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

Trong các cuộc họp vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp trước một số bất cập về đào tạo ngoại ngữ, song rất khó thay đổi trong một sớm, một chiều, cần các đơn vị chủ động đối mặt với khó khăn ngoại ngữ. Ông Phạm Văn Hùng cho biết, Sở GD&ĐT đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế của châu Âu. Từ năm 2011, Sở GD&ĐT phối hợp các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, ngoại ngữ cho giáo viên. Năm nay và những năm tiếp theo, ngoài cách làm trên, sở còn chỉ đạo giáo viên tăng cường tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu 4 kỹ năng. Khuyến khích học sinh tăng cường tự học, học ngoại ngữ theo nhóm, học qua mạng online, học trong câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh và giao lưu giữa các câu lạc bộ… Ngành giáo dục tỉnh cũng kêu gọi xã hội hóa việc học ngoại ngữ, thúc đẩy vai trò của các đơn vị đào tạo ngoại ngữ bên ngoài nhà trường.

Về phía ĐH, năm học này, Trường ĐH Ngoại ngữ chính thức áp dụng phần mềm tự học miễn phí để sinh viên tăng cường học thêm ngoại ngữ (ngoài 7 tín chỉ quy định). Phần mềm có hệ thống bài tập, tài liệu và phần đánh giá sinh viên. Với những sinh viên yếu ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ còn xây dựng chương trình tiếng Anh tăng cường, tổ chức để sinh viên đăng ký học tự nguyện (học phí công khai bằng tín chỉ ở trường).

Các cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế đang phát triển mô hình CLB ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong sinh viên nhằm giúp nhau tự học. Lãnh đạo các trường giao các khoa, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên có phương án phối hợp. “Ngoài việc thúc đẩy vai trò của CLB tiếng Anh, năm nay, nhà trường còn thành lập trung tâm Tin học và bồi dưỡng ngoại ngữ, sẽ tổ chức ôn tập và giúp sinh viên học ngoại ngữ”, Ths. Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm nói.

Các đơn vị đã “chấp nhận” đối mặt với khó khăn ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, yếu kém ngoại ngữ của người học là “căn bệnh” trầm kha, hiệu quả từ những chủ trương hay giải pháp đó ở mức độ nào còn tùy thuộc vào hành động và sự quyết liệt từ cấp lãnh đạo đến các bộ phận giáo viên, giảng viên ở các đơn vị.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

​“Xuân kết nối yêu thương” đến với bệnh nhân khó khăn

Chiều 20/1, tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, UBMTTQ Việt Nam thành phố, Hội Doanh nhân nữ thành phố, Chi hội Nữ trí thức BV, Ban nữ công BV, Phòng Công tác xã hội-Chăm sóc khách hàng tổ chức chương trình “Xuân kết nối yêu thương” cho bệnh nhân.

​“Xuân kết nối yêu thương” đến với bệnh nhân khó khăn
Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn

Chiều 19/1, Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 đã đến thăm, chúc tết và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy. Cùng tham dự có có Đại tá Hoàng Văn Nhân, Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố.

Tư lệnh Quân khu 4 tặng quà Tết cho người dân khó khăn
Tặng quà, hỗ trợ xe cho gần 600 sinh viên

Ngày 18/1, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức chương trình hỗ trợ xe, tặng quà cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Tặng quà, hỗ trợ xe cho gần 600 sinh viên
Ngân hàng Thế giới: Các nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt nhiều thách thức trong tương lai

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các nền kinh tế đang phát triển - chiếm 60% tăng trưởng toàn cầu - được dự đoán sẽ có triển vọng tăng trưởng dài hạn yếu nhất kể từ năm 2000. Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu ổn định trong 2 năm tới, các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ tiến triển chậm hơn trong việc bắt kịp mức thu nhập của các nền kinh tế tiên tiến.

Ngân hàng Thế giới Các nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt nhiều thách thức trong tương lai

TIN MỚI

Return to top