ClockThứ Tư, 13/07/2022 07:00

Tái khởi động trao đổi sinh viên, vẫn còn rào cản

TTH - Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên đang được Đại học (ĐH) Huế và các trường triển khai trở lại, song vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Trường đại học Kinh tế ký kết hợp tác với TMA Solutions

Sinh viên nước ngoài trải nghiệm văn hóa tại Việt Nam

Chiều đi còn hạn chế

Giữa tháng 5/2022, nhiều sinh viên Trường ĐH Pitzer, Mỹ đã đến Khoa Quốc tế - ĐH Huế để tham gia chương trình trao đổi sinh viên kéo dài 6 tuần với khóa học mùa hè. “Các sinh viên nước bạn được học ngôn ngữ tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, tham gia các buổi thảo luận và chuyến đi thực tế để trải nghiệm các di tích, danh lam thắng cảnh và cuộc sống người dân ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam cùng nhiều tỉnh, thành khác. Trong tháng 7/2022, còn có hoạt động trao đổi học tập ngắn hạn của các học viên từ khu vực châu Phi”, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Khoa trưởng Khoa Quốc tế, ĐH Huế chia sẻ.

Khóa học ngắn hạn, trải nghiệm của các sinh viên Trường ĐH Pitzer đánh dấu sự trở lại sau 2 năm vắng bóng do dịch bệnh, các hoạt động trao đổi sinh viên bị gián đoạn. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, đã bắt đầu có nhiều chuyến công tác, hoạt động trao đổi giảng viên hai chiều giữa các đoàn cán bộ, giảng viên, đối tác từ Việt Nam và các nước nhưng với sinh viên, vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chiều đưa sinh viên Huế đi trải nghiệm môi trường học tập, thực tế tại các nước.

Có nhiều rào cản cho vấn đề trên. Ông Phạm Anh Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, các hoạt động trao đổi, giảng - dạy với các trường, đơn vị từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… thời gian qua vẫn còn tiến hành trực tuyến, chưa nối lại được các hoạt động trao đổi sinh viên trực tiếp như trước đây, do những mối lo ngại khách quan.

Sinh viên Trường đại học Pitzer (Mỹ) tham gia khóa học ngắn hạn tại Đại học Huế

Theo TS. Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ quốc tế ĐH Huế, một trong những khó khăn lớn là chi phí vé máy bay tăng cao, khiến các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên bị ảnh hưởng lớn, thậm chí “tắc” lại. “Chi phí vé máy bay tăng cao 2-3 lần, trong khi điều kiện hỗ trợ từ các dự án từ châu Âu giới hạn theo quy định từ trước, nên hiện có khoảng 20 giảng viên, người học đang chưa thể tham gia các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên đi học tập, công tác ở nước ngoài”, TS. Huy trăn trở.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế thừa nhận, vấn đề trên cũng đang là nỗi lo. Ảnh hưởng của dịch bệnh và những diễn biến của tình hình thế giới tác động đến hoạt động các hãng hàng không. Các chuyến bay giá rẻ rất ít, ngược lại hiện các hãng hàng không đã tăng giá vé một số đường bay quốc tế, trong khi chi phí cho cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia hoạt động trao đổi, học tập ở nước ngoài bị giới hạn. Mặt khác, việc kết nối các nguồn lực, dự án để hỗ trợ người học ra nước ngoài tham gia các khóa học, dự án ngày càng khó, số lượng ít, còn diện tự túc chỉ con em điều kiện gia đình khá giả mới có thể tham gia. Đây cũng là điều lãnh đạo ĐH Huế và các trường rất trăn trở.

Linh hoạt giải pháp

Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên mang lại rất nhiều giá trị. Đặc biệt với sinh viên, các chương trình trao đổi sinh viên sẽ giúp người học tăng cơ hội giao lưu, học tập với bạn bè quốc tế, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về thế giới bên ngoài và những kiến thức mới để trở lại áp dụng vào ngành học và thực tiễn công việc của bản thân.

Đại diện lãnh đạo ĐH Huế cho rằng, vẫn đang cần giải pháp để thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng hơn để phát triển các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên thực sự hiệu quả. TS. Đỗ Thị Xuân Dung cho biết, ĐH Huế hướng đến sẽ linh hoạt các giải pháp. Ngoài chủ động tăng cường hợp tác, tìm kiếm các dự án, nguồn hỗ trợ, thì cũng cần linh hoạt các gói dự án, quan tâm hơn gói có liên quan đến nâng cao năng lực giảng viên, sinh viên, người học thông qua các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên. Nguồn hỗ trợ có thể là các chương trình trao đổi ngắn hạn, một học kỳ hoặc vài tín chỉ.

Trong bối cảnh tự chủ, các trường thuận lợi hơn trong việc kết nối các đối tác thực hiện, ký kết các chương trình trao đổi theo hướng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. “Chẳng hạn, trường từ Việt Nam hỗ trợ cho 10 sinh viên sang Việt Nam trao đổi thì phía nước bạn cũng trao đổi, hỗ trợ lại cho đơn vị đào tạo ĐH tại Việt Nam như vậy. Dần dần, sẽ tạo được cộng đồng trao đổi sinh viên các nước, các trường”, TS. Xuân Dung phân tích.

Một trong những khu vực nên hướng đến để tập trung cho các chương trình trao đổi sinh viên là các nước ASEAN. Lý do không chỉ về mặt chi phí thấp hơn để có thể tăng số lượng sinh viên, mà giữa các nước có những điểm đồng điệu về văn hóa, giáo dục… thích hợp để tổ chức các hoạt động mang tính tập thể, trải nghiệm và dễ hiểu nhau hơn nhằm mang lại hiệu quả.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top