ClockThứ Năm, 13/12/2018 07:00
THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2019:

Nhiều điểm mới, lắm nỗi lo

TTH - Phương án thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2019 có nhiều điểm mới gắn với đổi thay tích cực, tuy nhiên cũng đã có nhiều băn khoăn và nỗi lo.

Sáu giải pháp để 'lấy lại lòng tin' vào kỳ thi THPT Quốc giaKỳ thi THPT quốc gia sẽ có những thay đổi chủ yếu về kỹ thuật

Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018

Không còn “2 trong 1”

Công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhấn mạnh sẽ có sự thay đổi theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017 và 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, thay đổi cơ bản dễ dàng nhận thấy ở đây là kỳ thi sẽ không ra đề với mục đích “2 trong 1” mà là phục vụ để đánh giá học sinh THPT. Đề thi sẽ chủ yếu và căn bản là nội dung chương trình lớp 12.

Lâu nay, điểm học bạ gần như “phao cứu sinh” để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp. Từ năm 2019, đề thi sẽ chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của THPT. Đề thi chủ yếu là nội dung chương trình lớp 12. Điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT Quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT + 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Yêu cầu về đảm bảo tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, khách quan và an toàn là cần thiết và là vấn đề đặt ra trong bối cảnh có khá nhiều bất cập và tiêu cực xảy ra trong các kỳ thi vừa qua. Đáng ghi nhận ở đây là việc quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; hướng dẫn chi tiết kỹ thuật niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi, đề thi để tăng cường bảo mật; đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày và tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thông tin: Năm 2019, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép. Giáo viên địa phương không chấm bài thi trắc nghiệm THPT Quốc gia 2019. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD-ĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với việc chấm bài thi tự luận (môn ngữ văn) do Sở GD-ĐT chủ trì. Điều động cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học và các trường cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên (gọi chung là trường ĐH, CĐ) đến các hội đồng thi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Băn khoăn & nỗi lo

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT Quốc gia năm 2019, chúng tôi đã có dịp về nhiều địa phương và trường học ở Thừa Thiên Huế. Bên cạnh sự ủng hộ về phương án thi, nội dung kiến thức trong đề thi là điều khiến nhiều giáo viên, học sinh còn đặt câu hỏi. Nhiều giáo viên ở TP. Huế cho rằng, Bộ GD & ĐT công bố nội dung thi “chủ yếu là chương trình lớp 12” là rất mơ hồ. Bộ nên công bố tỷ lệ tương đối giữa các lớp, ví dụ 10% lớp 10; 20% lớp 11 và 70% lớp 12 để giáo viên và học sinh có định hướng ôn thi tốt hơn.

Em Nguyễn Ngọc Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ, em và bạn bè cùng lớp khá lo lắng về đề thi năm tới. “Nếu kỳ thi không còn phục vụ 2 mục đích, em không biết đề thi sẽ ra theo hướng nào. Vì trước đó, Bộ GD&ĐT thông tin năm nay, đề thi sẽ có cả kiến thức lớp 10, 11, bây giờ lại có thông tin khác nên chúng em khá lo lắng”.

Việc tăng tỷ lệ 70% - 30% giữa điểm bài thi và điểm học bạ cũng là biện pháp kỹ thuật thúc đẩy quá trình học tập của các em, chuẩn bị ôn tập từ sớm, tránh tình trạng bị điểm liệt khi làm bài thi thật. Tuy nhiên, Bộ GD & ĐT nên có văn bản chỉ đạo các sở GD & ĐT giám sát việc đánh giá quá trình 3 năm học THPT, đề phòng nâng điểm để bù trong số điểm xét tốt nghiệp.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa THPT Quốc gia 2019, nhiều trường cho rằng đề thi đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT và chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, số câu hỏi lớp 12 tăng lên so với đề thi các năm trước (khoảng 85%-90%). Phần kiến thức còn lại gần như chỉ rơi vào chương trình lớp 11, không có câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10. So với đề thi chính thức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, độ khó của đề thi tham khảo giảm rõ rệt và tập trung nhiều vào mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề thi mang tính chất tham khảo để học sinh hình dung được sơ bộ về hình thức của 1 đề thi thật, đồng thời có thêm thông tin để phục vụ việc ôn tập. Thế nên, học sinh cần bám sát quy chế thi THPT Quốc gia, tập trung ôn tập để nắm chắc các phần kiến thức lớp 12, đồng thời rà soát lại các phần kiến thức lớp 11 và một số phần có liên quan ở lớp 10 để gia tăng cơ hội đạt tối đa điểm số.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy: Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

Các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tinh gọn bộ máy Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

TIN MỚI

Return to top