ClockThứ Năm, 21/04/2022 06:15

Nhiều dấu ấn trên chặng đường phát triển của Đại học Huế

TTH - Tháng ba, Đại học (ĐH) Huế kỷ niệm 65 năm ngày thành lập. Ngày 1/3/1957, Viện ĐH Huế, tiền thân của ĐH Huế ngày nay ra đời. Ngày 4/4/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/CP thành lập ĐH Huế trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Đại học Huế mở rộng hợp tác với doanh nghiệpTiếp nhận gần 270 đơn vị máu từ sinh viên Trường đại học Sư phạm

NGND. PGS. TS Nguyễn Thế Hữu, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, nguyên Giám đốc ĐH Huế

65 tuổi đối với một ĐH không là lớn, nhưng đối với những ĐH ở Việt Nam thì cũng không còn quá trẻ. Chỉ tính 28 năm sau ngày tái lập, với 4 đời giám đốc ĐH vùng, ĐH Huế đã có nhiều biến chuyển rất lớn, đang chuẩn bị đầy đủ các mặt để trở thành ĐH Quốc gia. Nhân dịp này, NGND. PGS. TS. Nguyễn Thế Hữu, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, nguyên Giám đốc ĐH Huế nhiệm kỳ đầu tiên1994 - 1998 đã có những chia sẻ về những hoạt động mang dấu ấn, định hướng tương lai của ĐH Huế sau này.

Từng là Giám đốc ĐH vùng, thầy đánh giá như thế nào về ĐH Huế những năm mới tái lập?

ĐH Huế được tái lập đến nay đã 28 năm, một khoảng thời gian không dài, nhưng cũng không quá ngắn để có thể đánh giá về nó. Mô hình ĐH vùng phát huy được sức mạnh nghiên cứu khoa học và đào tạo cho cả vùng lãnh thổ, đủ tầm trong đối ngoại và xếp hạng quốc tế vì tất cả các tiêu chí xếp hạng được gộp chung từ các trường ĐH, khoa trực thuộc thành viên. Vị thứ trên bảng xếp hạng quốc tế những năm gần đây của các ĐH Việt Nam là minh chứng.

Việc tổ chức mô hình ĐH vùng từ ngày đầu đã có khó khăn. Người ta quen với cơ cấu tổ chức nhỏ lẻ, đơn tuyến và độc quyền về một mảng nào đó hơn là một tổ chức lớn, cơ cấu quản lý, quản trị đa dạng hơn, phức tạp hơn, cần có sự điều phối vừa vĩ mô vừa vi mô. Đã có trường tách ra lại, đó là trường hợp của ĐH Quốc gia Hà Nội. ĐH Huế cũng tương tự sau ngày thành lập nên việc điều hành thời gian đầu thật sự gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy có thể nói cụ thể hơn?

 Có rất nhiều khó khăn, tôi chỉ nói một số khó khăn chính thôi.

Thứ nhất, mô hình ĐH Quốc gia, ĐH vùng thời Bộ trưởng Trần Hồng Quân (năm 1994) là mới, các văn bản pháp quy đi kèm như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH chưa có nói tới hoặc rất ít, nghị định thành lập của Chính phủ thì có, nhưng thông tư, quy định chưa theo kịp, mất hơn một năm sau mới có quy định cấp bộ để hoạt động.

 Thứ hai, vẫn là tâm lý nhỏ lẻ, đóng khung trong tư tưởng không cần quy mô lớn, không mất bản sắc trường của cán bộ, ổn định cơ cấu tổ chức đại học vùng, vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của nó là cả một vấn đề cần đả thông. Hiện nay thì khá ổn từ luật pháp đến các cơ cấu tổ chức chính trị và quản lý Nhà nước nên có thể nói dễ hoạt động hơn.

 Thứ ba là kinh phí, cơ sở vật chất và quản lý hoạt động. Lúc đó là sự ghép cơ học các đơn vị lại, chưa rõ ràng các mặt quản lý như sau này. Mô hình ĐH Đại cương nếu làm tốt thì rất hay, nhưng kinh phí thì eo hẹp, cơ sở vật chất thụ động, dựa vào các trường cũ nên khó thực hiện tốt.

Thứ tư là thống nhất mô thức quản trị ĐH vùng. ĐH vùng thì quản trị cái gì, như thế nào để khỏi chồng chéo với bộ chủ quản, không làm nặng gánh các trường, để các trường hoạt động tốt.

 Đã có đánh giá về tính khoa học bản đề án chiến lược nhiệm kỳ đầu. Thầy có thể nói những nét chính của đề án đó mà các nhiệm kỳ sau tiếp tục thực hiện?

Đó là quy hoạch tổng thể cơ sở vật chất của ĐH Huế để đủ điều kiện mở rộng quy mô đào tạo ĐH; Tập trung các nguồn kinh phí và nhân lực sẵn có để đào tạo chuyên sâu sau ĐH các chuyên ngành mũi nhọn thế mạnh của ĐH Huế, như khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học sức khỏe; thành lập thêm các trung tâm khoa học môi trường, khoa học xã hội và nhân văn, đào tạo từ xa; chú trọng đến nghiên cứu khoa học để có thứ hạng cao… Đặc biệt là qua các cấp lãnh đạo tỉnh và bộ để có được quy hoạch ban đầu về làng ĐH Huế tại khu vực Trường Bia trên 150ha...

Khi làm Giám đốc ĐH Huế, thầy đã phát huy được thành công gì từ thời gian làm quản lý ở Trường ĐH Sư phạm?

Phải nói là làm Giám đốc ĐH Huế khác nhiều lắm về quy mô, tầm vóc so với thời làm Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm. Tôi đã phát huy tiếp tục một hướng đi từ thời còn làm hiệu trưởng, đó là: các trường ĐH thành viên trong ĐH Huế phải phấn đấu đạt được thật nhiều giảng viên có học vị, học hàm PGS, GS để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại chỗ. Trường ĐH Sư phạm trước khi thành lập ĐH Huế đã có một số biện pháp, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, nâng đỡ cho số giảng viên trẻ đi học sau ĐH, như: Giảm giờ dạy chuẩn cho họ (dạy 1 được tính 2), hỗ trợ tàu xe, ăn ở cho người đi học, hỗ trợ cả tiền học phí, đi dự hội thảo chuyên ngành.

 Muốn có đội ngũ tiến sĩ, PGS, GS để nâng chuẩn, khẳng định thương hiệu của trường và của ĐH Huế lên thì phải đi học và lấy đào tạo trong nước làm đầu, không chờ các đề án cấp chính phủ. Trường ĐH Sư phạm đi đầu với anh Nguyễn Khoái, Khoa Hóa học, bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại Trường ĐH Sư phạm Huế khoảng năm 1990 do anh Hồ Sĩ Thoảng, lãnh đạo ngành Dầu khí hướng dẫn. Đi học sau ĐH để có học vị, về đào tạo sau ĐH để có điểm hướng dẫn nghiên cứu sinh, điểm bài báo khoa học thì sẽ thuận lợi đạt PGS hay GS. Đấy là điều tôi đem lên, phát huy ngay từ nhiệm kỳ đầu làm giám đốc ĐH Vùng.

Điều thầy mong mỏi nhất là gì trong hành trình phát triển ĐH Huế?

Thời ấy, anh em chúng tôi trong Ban Giám đốc tâm huyết lắm, gạt bỏ rất nhiều cái riêng của các đơn vị đã từng gắn với mình mà vì cái chung, kể cả những quyền lợi nhỏ cho bản thân như lương bổng, danh hiệu. Thú thật, ngay cả lương của tôi khi về hưu cũng thấp. Tôi nghĩ, thế hệ lãnh đạo ĐH Huế sau này nhanh nhạy và quyết liệt, đã làm được rất nhiều việc để nâng tầm ĐH Huế lên trong hệ thống giáo dục ĐH Quốc gia và cả quốc tế. Hy vọng, trong thời gian không xa ĐH Huế sẽ thành ĐH Quốc gia, xứng đáng với lịch sử, truyền thống và thành tích xây dựng của các thế hệ trí thức khu vực.

Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Lê Nam Hải (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên
Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

TIN MỚI

Return to top