ClockThứ Tư, 23/10/2013 20:17

Miếu Long Vương làng Phú Xuân

TTH - Tục thờ Long Vương (Thuỷ thần) của người Việt, một tín ngưỡng có nguồn gốc lâu đời của cư dân nông nghiệp, gắn liền với tục thờ thần Rắn, thần Hà Bá với mong muốn mưa thuận gió hoà. Ngày xưa việc sinh cơ lập nghiệp ở chốn sông nước, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro nên từ vua quan chí thứ dân, thường tin tưởng vào các đấng siêu nhiên phù hộ, trong đó có Thủy thần. Làng Phú Xuân, nay thuộc phường Xuân Phú, TP Huế là một trong những làng còn giữ tục thờ Long Vương ở miếu Long Vương. Đặc biệt, vua Gia Long từng tôn tạo ngôi miếu cổ này và tổ chức tế lễ hằng năm; khi gặp hạn hán thì tổ chức lễ đảo vũ.

Trước năm 1930, miếu Long Vương làng Phú Xuân rất cổ kính, linh thiêng, được dựng trên một khoảnh đất rộng khoảng 600m2, bên bờ sông Thiên Lộc; nếu xuôi thuyền từ Đập Đá theo hướng đông nam khoảng 300m thì đến miếu ở bờ nam của sông. Tương truyền ngôi miếu thuộc khoảnh đất của làng cổ Dương Xuân. Sau khi xây dựng phòng thành Huế, vua Gia Long có lệnh đền bù đất đai cho dân làng Phú Xuân, khoảnh đất có miếu Long Vương của làng Dương Xuân lại nhập vào thôn Xuân An của làng Phú Xuân. Ngôi miếu này có từ thế kỷ 14. Khi vua Gia Long cho đào vét sông Thiên Lộc và đào sông Như Ý thì tạo điều kiện tôn tạo Miếu Long Vương này, hằng năm tế lễ 4 lần vào giữa mùa xuân, hạ, thu, đông. Đại Nam nhất thống chí có chép về lịch sử Miếu Long Vương: “Miếu Nam Hải Long Vương: Ở phía tả cửa biển Thuận An xã Thai Dương huyện Hương Trà, thờ thần Nam Hải Long Vương. Trước kia, miếu ở xã Dương Xuân, huyện Hương Thủy, đầu niên hiệu Gia Long hằng năm tế vào 4 tháng trọng, năm thứ 12 đổi dựng ở chỗ hiện nay…” .

Khúc sông Thiên Lộc (còn gọi là sông Như Ý), bờ phải có miếu Long Vương

Như thế, từ năm 1802, miếu Long Vương này đã biến thành miếu thờ Thủy thần cấp nhà nước, vua Gia Long sắc phong “Long Cung Quảng Vận Đại Vương” , do nhà nước tổ chức tế lễ hằng năm vào tháng giữa của bốn mùa và giao cho các làng Phú Xuân, An Cựu, Vân Dương , Bình Lục và vạn Phao Võng chăm sóc. Năm Gia Long thứ 12, dời miếu Long Vương về Thuận An thì triều đình không còn tổ chức tế lễ ở miếu Long Vương Phú Xuân nữa. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Quí Dậu, Gia Long năm thứ 12 [1813]… Mùa hạ tháng 4… Dựng đền thần (năm Minh Mệnh thứ 3, đổi làm miếu Nam Hải Long Vương) và đền Thai Dương phu nhân ở cửa bể Thuận An”.

 
Dân sở tại, thuộc các làng quanh miếu, vẫn tiếp tục hương khói, thường năm tổ chức tế lễ vào các ngày 22-2 và 5-8 âm lịch. Lần trùng tu muộn nhất là vào thời vua Khải Định, do sự đóng góp công sức của làng Phú Xuân, An Cựu, Vân Dương, Bình Lục và vạn Phao Võng… Trong miếu, ngoài bài vị chính giữa thờ “ Long Cung Quảng Vận Đại Vương” còn có 5 bài vị Thủy thần của 5 làng vừa nêu. Về mặt kiến trúc, ngôi miếu rất bình thường nhưng có một dấu tích đáng chú ý là trong miếu từng có môtip rồng ổ mang phong cách rồng ổ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, như ở miếu Ông Ầm trên núi Phụ Ổ. Tiếc thay, khi sửa miếu, thợ “tay ngang” đã làm biến dạng rồng ổ độc đáo này.

Miếu Long Vương làng Phú Xuân là một di tích cổ của làng Phú Xuân và của Cố đô Huế. Thờ Long Vương là một mỹ tục lâu đời của dân tộc Việt, nơi còn dấu tích tập tục cầu mưa của cư dân lúa nước. Tại ngôi miếu này, vua Gia Long từng cử đại thần sắm lễ vật để cầu mưa vào những năm hạn hán mất mùa. Sâu xa hơn, mỹ tục này có từ lâu đời của người Việt, mỗi lần gặp tai ương đều cầu cứu Lạc Long Quân. Nét nổi bật của ngôi miếu này phản ánh nét văn hóa cộng đồng ở Phú Xuân, Thuận Hóa xưa. Điều đáng tiếc là khuôn viên miếu Long Vương làng Phú Xuân hiện nay đã bị thu hẹp, bình đồ miếu chỉ còn khoảng 15m2. Ngày 5/8 năm Quí Tỵ vừa rồi, làng Phú Xuân có tổ chức tế lễ đạm bạc, không còn lệ 5 làng hội tế như xưa nữa. Được biết, hội đồng thất tộc làng Phú Xuân có nguyện vọng tôn tạo miếu Long Vương, phục hồi hội tế, mong các cơ quan hữu trách can thiệp để nới rộng khuôn viên miếu và tôn tạo công trình kiến trúc cổ này.

Lãng Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

TIN MỚI

Return to top