ClockThứ Năm, 04/10/2012 11:10

Kim Long đất thiêng, nhà vườn và gái đẹp

TTH - Đã hơn 100 năm rồi giai thoại về vua Thành Thái ngày xuân cải trang thành một người dân bách tính liều mình lên Kim Long tìm chọn quý phi. Người đời kể lại như bịa rằng, lục kiếm khắp nơi chẳng gặp ai vừa ý, ông đành thuê một chiếc đò ra về. Đò vừa ghé vào, mới bước lên, nhà vua trông thấy cô lái đò đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng người xao xuyến đến nỗi cầm lòng không đậu, kẻ thường dân lộ nguyên hình bản tính của một bậc thiên tử: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”. Cô lái đò tình thiệt, nhìn ông khách lạ đời: “Đừng có bậy bạ mà họ lấy đầu chừ!”. Lại càng thấy đáng yêu hơn, vua dấn tới và đổi giọng: “Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!”… Câu chuyện còn dài nữa nhưng kết cục thì ai cũng rõ, cô gái lái đò Kim Long kia đã vô Nội, làm quý phi cho ông vua yêu nước chống Pháp và cũng nổi tiếng là… ông vua điên.

Bảo rằng bịa cũng không ngoa là bởi lẽ, đã có tài liệu nêu rõ ràng không phải cô gái lái đò nào cả mà nàng đích thị là con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ, nhà ở Kim Long tên là Nguyễn Hữu Thị Nga rất mỹ miều. Nhiều lần đến chơi, vua Thành Thái quá ưng ý nên đã đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được 2 người con. Ông quan Nguyễn Hữu Độ hữu duyên còn có 2 người con nữa cũng rất xinh đẹp thì một lấy vua Đồng Khánh, một được gả cho vua Hàm Nghi. Dù sự thực ra sao thì khắc sâu trong lòng bao thế hệ đã là câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Khen ai đã khéo léo và tinh tế, chỉ trong một câu ca đã giới thiệu về tính cách dữ dội của một con người và hơn thế, khơi dậy lòng người sự khao khát khám phá về một vùng đất huyền thoại. Cũng đã có bao gã si tình mãi theo lời câu ca kia tìm lên Kim Long mơ mộng dáng huyền để rồi nặng duyên với mảnh đất kỳ lạ này. Nhớ cách nay hơn 30 năm, khi còn là một học sinh phổ thông, tôi có anh bạn cùng lớp học giỏi mà yêu cũng rất mãnh liệt. Giai nhân trong mộng của bạn là một cô bé miệt trên Kim Long xinh xắn, học sau một lớp. Hắn đã đạp xe theo nàng suốt cả mấy năm học, tìm đến trước cổng nhà ở gần chùa Thiên Mụ để chỉ được nhìn em cho thoả nguyện, rồi đêm về là giấc mơ và những bài thơ không gửi. Mối tình có hồi kết chỉ là sự dở dang nhưng Kim Long và tình yêu một thuở giờ vẫn nguyên vẹn ở người đàn ông 50 tuổi, đang là một giáo sư đầu ngành tại Hà Nội.

 
 Nhan sắc xưa tại "Xuân viên tiểu cung". Ảnh: T.Ninh

Buổi sáng giữa thu tìm lên Kim Long tôi không gặp tuyệt mỹ giai nhân như bậc quân vương kia và anh bạn nghèo của ngày ấy, nhưng lại được làm quen với một con người kỳ lạ. Tên gã là Phạm Bá Vinh, chủ một ngôi nhà rường rất Huế ở Kim Long này và là một người cực kỳ khó tính, nghe đâu từng đuổi thẳng thừng mấy ai đó có thái độ coi thường khi viếng thăm nhà. Một gã đàn ông chừng 60 tuổi, tóc để dài, xanh xao và ốm nhách. Chỉ có đôi mắt thật kỳ lạ, ánh lên sự bao dung, thân thiện và thâm trầm. Không giống với vẻ bên ngoài khó gần, gã cười thật hiền, nhẹ nhàng mời chào khách. Và tôi đã theo gã, đi quanh co, ngang phòng khách có tấm gương soi để chỉnh đốn lại y phục. Qua một tường lang nhỏ, rồi dừng lại ở ngôi nhà thờ. Còn có thể đi nữa nhưng gã khoát tay, bảo dừng lại. Bộ tràng kỷ chính giữa nhà thờ, Phạm Bá Vinh không ngồi. Gã bảo: “Ngay trong nhà thờ, phía trước bàn thờ của thân phụ, gã là con không được phép ngồi. Chỉ dành cho khách”. Và gã đứng, rót nước mời khách lạ và hầu chuyện.

Vinh bắt đầu như một kẻ lên đồng. Giờ thì qua câu chuyện của Vinh tôi mới hiểu rằng nhà rường Huế mà cụ thể là nhà của Phạm Bá Vinh là tập hợp gồm cả nhà khách, nhà thờ, nhà sinh hoạt và nhà bếp, rồi trường lang, sân vườn, hồ nước bán nguyệt, cả một hệ thống hoàn chỉnh đến lạ lùng phục vụ cho một cuộc sống gia tộc sung túc. Ngôi nhà không chỉ để ở mà hơn thế là để chơi, để thể hiện, để dạy cách ứng xử làm người. Như trong ngôi nhà thờ mà tôi đang ngồi, ở bên trong chủ nhân khéo bày biện ở phía trước bàn thờ bộ bát bửu, gồm 8 loại binh khí để tạo sự tôn nghiêm và hơn nữa còn là dụng ý trấn áp, răn đe. Còn xung quanh nhà không có tường che mà tất cả đều là cửa có thể theo mùa nắng và hướng gió thổi đến mà đóng mở rạch ròi, để cái mát lành thì đón nhận và cái độc hại, rét buốt thì xua đi. Cũng là chuyện những cái cửa. Nó không cao mà thấp và có ngạch. Khách vào nhà phải cúi đầu, cẩn thận nhìn trước và ngó sau, nếu không, đầu sẽ va và chân sẽ bị vấp ngã. Nhà phải có thau nước rửa tay bằng đồng và nhiều ống nhổ, có bình vôi và cả ống điếu thuốc phiện dành cho chủ nhân sử dụng và đặc biệt cho khách. Cái bình vôi để ở nhà khách không chỉ đựng vôi để ăn trầu mà còn để trừ muỗi, kịp dùng cho ai vô ý đạp phải mẻ chai chảy máu. Thật đúng là sự cầu kỳ và kỹ lưỡng của một chủ nhân nhà rường kiểu Huế, không lẩn với bất kỳ nơi nào.

Kể từ khi xứ Hà Khê xưa, còn vương vấn trong câu thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu, dưới con mắt tinh tường đầy phát hiện của vị chúa thứ ba là Nguyễn Phúc Lan trở thành thủ phủ xứ Đàng Trong với tên gọi mới Kim Long (Rồng vàng) vào năm 1637 thì mọi cái như bừng mở với vùng đất này. 51 năm là thủ phủ, ngay cả một con người đây đó từng trải như Alexandre Rhodes cũng phải mô tả Kim Long như một thành phố lớn có phủ chúa khang trang, nhà cửa xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột kèo chạm trỗ tinh vi và nhà nào cũng có vườn. Rồi vào năm 1687, sau khi chúa Nguyễn Phúc Trăn đưa thủ phủ về Phú Xuân vắt sang thời vua Nguyễn, Kim Long là nơi ở của nhiều ông hoàng bà chúa, của các vị đại thần khoa bảng và là nơi lập nhà vườn cực kỳ lý tưởng. Lịch sử gần 400 năm phát triển để lại một “thương hiệu” Kim Long găm sâu vào lòng người: đình Kim Long, cầu Kim Long, chợ Kim Long, bến đò Kim Long… và cả gái Kim Long nữa làm mê mẩn vị vua phong tình Thành Thái cùng nhà rường Kim Long mà Phạm Bá Vinh đang cố níu giữ. Tôi lang thang giữa làng quê - phố thị Kim Long. Không thấy nữa đền đài và cung điện, nhưng Kim Long vẫn còn lại dấu tích một thời vàng son. Đó là những tên xóm Cồn Súng, Thượng Dinh, Trung Dinh, Hạ Dinh hay Nghinh Xuân, nơi lưu truyền là chốn ở của cung tần mỹ nữ một thời. Hay những tên gọi chỉ có ở những nơi từng là đô thành xưa nay còn lưu lại như Hoá Châu hay Phước Yên, Bác Vọng. Sót lại và chìm sâu đây đó trong lòng đất, ở những tầng văn hoá sâu dày thỉnh thoảng bất chợt lộ ra những dấu tích, bia đá như một lời xưa vọng về. Vườn lại vườn nối tiếp nhau và những ngôi nhà rường thấp ở phía bên trọng mà chủ nhân của nó ngày xưa ấy khiến bao lữ khách cũng phải giật mình và dừng bước. Đó là Đức Quốc Công từ (nhà thờ Phạm Đăng Hưng, thân phụ bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), phủ Quy Quốc Công (thờ ông ngoại vua Gia Long), phủ Ấn quan (thờ Thái tử Thiếu Bảo tả quân Đoàn Văn Trường), phủ Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ… Còn chỉ tính riêng ở thôn Phú Mộng còn gần như nguyên vẹn 60 ngôi rường, trong đó phủ Diên Phước trưởng công chúa (chị vua Tự Đức), phủ thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, nhà ở của quan Thượng thư Bộ Lễ Phạm Hữu Điền. Cư dân là những danh gia vọng tộc nên nếp ăn, cách nghĩ, sự hành xử cũng nền nã, gia phong. Lớn lên trong những gia đình kia, uống nguồn nước lành sông Hương, bốn mùa dưới những tán cây trái xum xuê, gái Kim Long xưa đẹp, làm xiêu lòng bao gã trai tình đến cả những bậc quân vương như vua Thành Thái cũng là điều chẳng có chi lạ.

Chuyện xưa kể rằng, một hôm chúa Nguyễn Hoàng nhàn hạ du ngoạn, khi đến xã Hà Khê (huyện Hương Trà), thấy giữa chốn đồng bằng đột khởi một một gò đồi cao, dáng tựa như chiếc đầu rồng ngoái nhìn về phía núi mẹ. Chúa Tiên ưa thích lắm, bèn trèo lên ngọn đồi cao ngắm nhìn, chợt thấy một hào đào cắt ngang dưới chân núi. Chúa lấy làm lạ, đem lòng thắc mắc, có người tỏ tường tâu bẩm: Nghe người xưa bảo rằng, núi này rất thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng Cao Biền từng đi khắp đất nước ta, xem nơi nào có vượng khí linh thiêng thì tìm cách yểm đi. Cao Biền thấy trên núi này có khí thiêng bèn đào phía sau chân núi để cắt mạch khiến cho linh thiêng về sau không quy tụ được. Đêm ấy bỗng có người đàn bà thể sắc thì trông còn trẻ nhưng mày tóc bạc phơ, mình vận sáo đỏ quần xanh ngồi dưới chân núi kêu gào than vãn rồi cất tiếng nói to: “Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, cầu thỉnh linh khí trở về núi này để phúc dân giúp nước, tất không gì phải lo”. Nói xong thì biến mất. Dân trong vùng ghi nhớ hình dáng bà ấy đã đặt tên núi là Thiên Mụ. Nguyễn Hoàng tiên sinh cả mừng: “Ấy là bà lão bảo ta mở nền định đất, biến nhà thành nước để nên nghiệp lớn”. Nói đoạn, sai người cất dựng chùa Phật, viết biển đề chữ “Thiên Mụ tự”. Mấy trăm năm rồi trôi qua, chùa Thiên Mụ soi bóng xuống dòng Hương là biểu tượng của đất Kim Long và của xứ Huế.

Lại nhớ về Phạm Bá Vinh. Ông chủ xây dựng này là cháu nội của quan Thượng thư Phạm Bá Phổ dưới triều Khải Định và là con trai của nhà báo nổi tiếng xứ Thần kinh Phạm Bá Nguyên. Hơn nửa thế kỷ rồi đi qua, vẫn mãi vấn vương hoài niệm về quá khứ vàng son của gia tộc, gã quyết chí phục hồi lại mái nhà xưa của viên quan thượng thư bị san bằng mà gã từng nghe kể với đầy những luyến tiếc, băn khoăn bởi khói lửa chiến tranh ở tận vùng đất Triều Sơn (Hương Trà). Phạm Bá Vinh đã chọn Kim Long để mua đất và dựng nhà. Bắt đầu từ năm 2000 và phải hơn 3 năm sau đó, ngôi nhà rường do chính Phạm Bá Vinh phục chế bằng chính sự hiểu biết tường tận và niềm khát khao cháy bỏng, mới hoàn thành. Đã có rất nhiều ngôi nhà rường được phục dựng và xây mới trên đất Kim Long, bề thế và uy nghi, tiền tính cả bạc tỷ, nhưng xa lạ và dấu xưa như phai mờ. Còn Vinh, gã bảo yêu lắm ngôi nhà, khao khát lưu giữ và bảo tồn những gì vốn có đã trở thành giá trị tài sản của cả một vùng đất. Và gã buồn, nhiều người không hiểu, cho rằng gã là thằng gàn, sống bám víu vào một quá khứ xưa cũ. Thì kể ra, còn lại mấy ai kỳ quặc như Phạm Bá Vinh, sự kỳ quặc đáng trân trọng của một con người có sự thấu hiểu và nỗi khát khao gìn giữ những giá trị làm nên bản sắc của đất thiêng Kim Long là nhà vườn và gái đẹp.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm nguồn lực mới

Được UNESCO ghi danh, các di sản văn hóa trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thêm nguồn lực mới
Phó Tổng Giám đốc UNESCO: Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên

Trước thềm chuyến thăm chính thức và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại trụ sở của tổ chức này ở thủ đô Paris ngày 7/10, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc UNESCO, ông Khúc Tinh, về quan hệ giữa Việt Nam và tổ chức này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Phó Tổng Giám đốc UNESCO Việt Nam là hình mẫu hợp tác hiệu quả giữa UNESCO và các nước thành viên
Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024

Đến với Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, Viện Nghiên cứu Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc (Zhejiang Wu Opera Research Centre) sẽ dàn dựng và biểu diễn một số tiết mục nổi bật giới thiệu sự quyến rũ và tinh hoa của nghệ thuật Vụ kịch Chiết Giang và Hí Kịch truyền thống Trung Quốc.

Mang tinh hoa Hí Kịch đến Festival Huế 2024
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

TIN MỚI

Return to top