Các cổ vật đồ đồng được vua Minh Mệnh cho đúc mô phỏng theo lịch sử Trung Quốc. Việc sản xuất các đồ mỹ nghệ làm cho quần chúng quan tâm và là niềm vinh dự của các triều vua xưa. Các triều đại Thương, Chu đã tiên phong cho khắc các tư tưởng, các ngạn ngữ luân lý trên các đồ vật. Các vua nhà Thương như vua Thành Thang cho khắc các tư tưởng trên chiếc khay, vua Võ Vương nhà Chu cho khắc lời giáo huấn trên ghế và gậy. Các vị vua này làm thế không gì hơn là khuyến khích những điều thiện.
|
Mô phỏng Chu Thái Sư
|
Vua Minh Mệnh cũng học theo tư tưởng đó, ra lệnh cho thợ đúc cổ vật xong, lại lệnh cho quần thần đem những bài thơ Ngự chế về tư tưởng kính trời yêu dân, răn dạy con cháu và các quan… khắc trên cổ vật nhằm để răn mình tu sửa khuyết điểm, lo việc nhà, giữ công lý. Những bài thơ này được in riêng thành tập sách có tựa đề Ngự chế minh văn cố khí đồ, sách tập hợp 33 bài thơ của vua Minh Mệnh cùng với hình ảnh của 33 cổ vật bằng đồng như chậu đồng, đỉnh đồng theo mẫu nhà Thương, Chu.
Cái hay của các cổ vật và sách không phải nằm ở chỗ nó quý như thế nào, cái cổ vật đó nặng bao nhiêu cân, hoa văn họa tiết trang trí làm sao? Mà cái hay của sách Ngự chế minh văn cổ khí đồ nằm ở chỗ, tư tưởng của Minh Mệnh được thể hiện ở trên mỗi bài minh.
Trên bài minh số hai, vua răn dạy con cháu: “Ngẫm việc sáng lập cơ nghiệp thật gian nan mà việc giữ vững thành quả ấy lại không dễ. (Vì thế) con con cháu cháu ta, mãi mãi phải biết trân trọng giữ gìn mà sử dụng đồ vật này.” Lấy hình ảnh cổ vật để răn dạy con cháu có lẽ là việc làm ít thấy của người đời, song đối với Minh Mệnh, việc làm ra khí dụng và cổ vật nhằm gìn giữ và răn dạy lại là việc làm mang đầy ý nghĩa. Chẳng hạn như cửu đỉnh ở Huế được vua Minh Mệnh cho đúc năm 1835, theo như lời Minh Mệnh thì: “Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ [truyền lại] còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là [hình dạng] của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và thành Trấn Tây đều được biết”.
|
Mô phỏng Chu Bá Cách
|
Cái ý nghĩa to lớn mà vua Minh Mệnh cho đúc 33 cổ vật và khắc các bài minh lên trên cũng chính là nội dung của bài minh số năm: “Năm Kỷ Hợi niên hiệu Minh Mệnh thứ 20, ta được trời yêu mến giúp đỡ, sông thuận, được mùa, nạn trộm cắp được trừ yên. Ta đã sắp đến tuổi biết mệnh trời, bèn theo phép cổ mà đúc khí vật, tất cả 33 loại. Đỉnh này là một trong số 33 loại ấy, để truyền lại cho đời sau. Con cháu của ta phải biết gần gũi với người hiền, tránh xa kẻ nịnh bợ, biết thương dân và kính trời, thì bói xem được bao nhiêu năm, bao đời, có thể còn kéo dài hơn cả nhà Chu. Thiên hạ phải sợ phục, nước Đại Nam ngày một thịnh vượng. Mãi mãi có thể trân trọng giữ gìn và sử dụng (vật này)”.
Khi làm xong 33 cổ vật này, vua Minh Mệnh đã cho trưng bày ở điện Phụng Tiên phỏng theo các sách của Trung Quốc xưa. Lại có những bài minh của vua đi kèm với các cổ vật. Tương ứng với mỗi cổ vật là một bài minh phù hợp với hình dáng, kích thước và ý nghĩa của cổ vật.
“Người xưa làm đồ vật có thể truyền được đến ngày nay. Người nay cũng làm ra đồ vật, há chẳng có trăn trở gì hay sao? Con con cháu cháu của ta phải giữ gìn đến muôn đời. Phải biết duy trì sự thịnh vượng, bảo vệ sự hanh thông, mãi mãi được trân trọng giữ gìn hưởng thụ”. Như vậy, Minh Mệnh muốn làm cổ vật để theo các bậc đế vương xưa, bên cạnh đó là để giáo huấn con cháu phải biết bảo vệ sự thịnh trị của nước nhà.
Đọc 33 bài minh dưới thời Minh Mệnh và chiêm ngưỡng 33 cổ vật đồ đồng chúng ta mới thấm thía tư tưởng lớn lao của vị vua này trong việc trị nước an dân. Tư tưởng tề gia, trị quốc, bình thiên hạ được thể hiện rất rõ trong các bài minh, được tập hợp trong Ngự chế minh văn cổ khí đồ. Chính vì lẽ đó mà Minh Mệnh đã để lại nhiều bài học về việc trị quốc an dân, chăm sóc dân và ông thực sự là đấng minh quân dưới triều Nguyễn.