ClockChủ Nhật, 03/11/2019 14:22

Sóng vỗ dưới chân người

TTH - Thời gian khó đã thuộc về ký ức, nhưng chính những lúc đó “mẹ” biển cả như mạch nguồn cưu mang bao phận người. Bây giờ, con sóng lớn đẩy thuyền xa bờ bãi, hình thành nên những “ma trận” trên biển với đủ hình hài, thể loại. Những cuộc đi về đã chai sạn và sóng gió như một phần máu thịt của ngư dân.

Vợ chồng làng biểnNghề biển

Một chuyến đánh bắt trở về của ngư dân vùng bãi ngang xã Phong Hải (Phong Điền)

1. Ai cũng biết, nghề biển lắm gian truân, chẳng có sách vở nào chỉ bày. Sau những chuyến đi kinh nghiệm đúc rút, dần dà thành ngón nghề tuyệt đỉnh. Nhắc biển, tôi không nghĩ ngay đến những chiếc tàu to mà đặt tâm trí vào những chiếc thuyền nan dập dềnh trên sóng. Đi ngang các vùng quê ven biển bãi ngang, đứng trên cồn cát mà ngó những mạn thuyền có lúc như những phận người mỏng manh nơi vùng chân sóng.

Đứng cạnh tôi bên bãi chông lăn tròn trên cát, lão ngư Nguyễn Công An (thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn) lâu lâu lại thở dài thành tiếng. Với con mắt gần nửa đời gắn bó với nghiệp ngư, ông dễ dàng nhận thấy màu nước biển biến đổi như thế nào. Nước xoay tròn, chuyển dòng chảy không theo một quy luật nào. Ông bảo đó là sự thay đổi khác lạ của biển so với độ mấy chục năm trước. “Chính sự thay đổi dòng chảy đó khiến cho cá tôm thay đổi, mà theo hướng ít đi”, ông An nói theo kinh nghiệm của mình rồi giải thích căn nguyên sự việc này. Rằng, biển bãi ngang, ngư dân chỉ đánh bắt vùng lộng (khoảng 20 hải lý trở vào), đánh bắt theo mùa cá và đặc dụng của ngư lưới cụ, nhưng khi thiên nhiên thay đổi nghĩa là vùng hoạt động của cá tôm cũng vì thế có sự chuyển dịch. “Tui ví dụ ri cho dễ hiểu: Con cá trích vào mùa thường bơi vào vùng lộng thành đàn, tùy theo dòng nước nó có thể bơi trên mặt nước. Theo kinh nghiệm, ngư dân có thể đoán định được và chọn “bủa đàn” hay “bủa nổi” nhưng bây giờ dòng chảy của nước thay đổi, ngư dân khó đoán được”, ông An chia sẻ. Sự thay đổi của biển như lời ông An nói, tôi ngầm hiểu đó là do sự tác động của biến đổi khí hậu.

Sau chuyến đánh bắt cuối tháng 9 âm lịch, các tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Vang bước vào kỳ nghỉ đông

Theo đuôi con cá, ngư dân buộc phải có sự đổi thay. Có lần nhìn hàng chục chiếc thuyền không máy dàn hàng ngang trước cửa biển Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) mùa gió chướng để đón con sóng bạc đầu mới thấy, kinh nghiệm sóng nước quan trọng đến dường nào. Cửa Tư Hiền bị bồi lấp, luồng lạch trở nên cạn khô nên mùa “trở gió”, sóng nước ập vào, mặt nước trở nên sâu hơn thường lệ, những loại cá ven bờ theo đó vào cư ngụ. Ngư dân lợi dụng dàn thế trận bủa vây bằng loại lưới mành giản đơn. Những chiếc thuyền chòng chành thay nhau xuất bến. Điều lấy làm lạ là, họ không cùng nhau “hái lộc”, mỗi lượt “vươn khơi” chỉ có một đến hai thuyền, số còn lại neo đợi canh me. “Đánh cá mùa gió chướng ở cửa Tư Hiền chỉ là nghề phụ khi con sóng bạc đầu, tàu to không thể vươn khơi. Chính sự bồi lắng của vùng biển nơi đây khiến những ngón nghề “cổ” của ngư dân có dịp được thi triển. Lúc sóng nhám, các loại cá gần bờ thường sẽ theo đầu con nước, xuôi theo dòng chảy ập vào vùng cửa biển. Bằng con mắt nghề, ngư dân sẽ nhận thấy được luồng cá. Bởi “ngư trường” có giới hạn nên phải thay nhau thả lưới và không phải con sóng nào ập vào cũng mang theo cá nên trong khi thuyền này thả lưới, các thuyền còn lại đợi và nghiên cứu con nước, chờ tới lượt mình. Mặc dù nghề phụ nhưng mùa gió bão, kiếm được mỗi ngày đôi ba trăm từ công việc này cũng cảm thấy vui”, ngư dân tên Hùng (xã Vinh Hiền) giãi bày.

Ngư dân Quảng Công (Quảng Điền) kiểm tra ngư lưới cụ trước khi vươn khơi

Thuyền nhỏ lênh đênh, tàu to “xé sóng” vươn khơi, nó vô tình trở thành quy luật theo thời gian, phản ánh những phận người nơi đầu sóng, ngọn gió. Bây giờ, chuyện ngư dân vùng cửa biển kháo nhau về những thiết bị giá trị chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng hàng ngày như cơm bữa. Nào là máy dò cá ngang, máy dò dọc, thiết bị định vị GPS hay cả hệ thống thông tin liên lạc hiện đại… Nghe vậy, ai cũng mừng bởi ngư dân đã từng bước thích nghi với xu thế. Ấy nhưng, bước vào kỳ nghỉ đông thường niên, họ đã trải qua các mùa vụ không như mong đợi. Nguyên nhân nếu nghĩ giản đơn là do cá tôm ngày một vơi cạn hay cắc cớ theo lý do xa hơn đó là quy luật thị trường đẩy ngư dân vào thế khó. Cá rớt giá, “mắc kẹt” trong các kho đông lạnh như điệp khúc chưa có lối ra. Nhưng dẫu là gì, bây giờ cho đến về sau con tàu vẫn là kế sinh nhai của hàng trăm ngư dân nơi vùng cửa biển…

2. Nghỉ đông, nghĩa là tàu đánh bắt xa bờ sẽ nằm bờ. Từ thời điểm này đến tháng 2 âm lịch năm sau, quy luật đó sẽ diễn ra tại các địa phương trên toàn tỉnh. Chính đặc thù và phương thức đánh bắt của ngư dân khiến họ phải nghỉ ngơi sớm. Và dù tàu to, thiết bị hiện đại đến đâu thì con người vẫn quyết định thành bại sau mỗi chuyến vươn khơi. Ông Trần Văn Dũng (thị trấn Thuận An) bảo, hầu khắp các địa phương tại Thừa Thiên Huế, ngư dân khai thác theo phương thức “bủa nổi”, do vậy phải tuân thủ quy luật mùa cá do ông cha đúc rút từ ngàn xưa. “Năm nay, chưa xuất hiện bão và theo thực tế thời tiết đang ủng hộ những chuyến vươn khơi. Nhưng cuối tháng 9 vẫn phải nghỉ đông, kỳ nghỉ kéo dài gần 5 tháng bởi vươn khơi trái mùa, sản lượng thường thấp”, ông Dũng nói.

Bây giờ, ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) văng vẳng tiếng thở dài đằng sau những chuyến biển. Không hẳn là thất bát, nhưng cá tôm không như kỳ vọng khiến lòng nặng thêm nỗi lo âu. Những tàu cá công suất lớn được ngư dân đóng mới, cho hạ thủy đầu năm không mang lại hiệu quả mong đợi, thu nhập chỉ vừa đủ trả lãi ngân hàng. Mùa sóng bạc đầu, ngư dân lại vắt óc nghĩ suy và lại cải hoán, nâng cấp tàu cá, đợi chờ đến mùa chính vụ, trở lại vòng tròn quen thuộc.

Ngư dân Vinh Hiền (Phú Lộc) sửa ngư lưới cụ trong kỳ nghỉ đông

Tàu to ngơi nghỉ, tôi dạt về các khu chợ hải sản tại các vùng ven biển bãi ngang. Tính cộng đồng của làng biển ngày xưa hình thành nên những ngôi chợ đặc trưng mà ai muốn cá tươi thì đến đó sẽ có đủ thứ. Chợ chiều hải sản Vinh Thanh, Phương Diên (huyện Phú Vang), chợ Vĩnh Tu (xã Quảng Công, huyện Quảng Điền)… nơi không ít những người đàn bà chạy chợ da sạm đen, nói rành mạch cho người mua về từng con cá, cách đánh bắt lẫn khung lịch mùa vụ. Tiếng cười bà Nguyễn Thị Sau (chợ Vinh Thanh) rổn rảng, nói về sự am tường đó âu cũng là quy luật của những người con làng biển. Sáng gánh thuyền, trưa đan lưới, chiều chạy chợ bán cá, vòng tròn khép kín đó khiến họ không thể không biết đến từng cỡ mắt lưới, vá từng lỗ thủng to bằng cả cái mâm cơm. “Nói thiệt với chú chơ ngày trước, canh chồng đi biển trong nỗi lo âu, chừ tụi tui rảnh là theo chồng ra khơi luôn cho chắc ăn. Biển Vinh Thanh này mùa mô cũng có cá. Dù mùa biển êm hay động đều có từng nghề đánh bắt. Chừ tàu to, thuyền nhỏ chi ở đây cũng có đầy đủ”, bà Sau chắc nịch.

Mùa này, nhìn những chiếc thuyên nan công suất chưa tới 20CV ở Vinh Thanh xé sóng vươn khơi mới thấy được tình yêu biển của ngư dân lớn đến nhường nào. Lãnh đạo UBND xã này ngoài cung cấp số lượng tàu cá tăng theo hàng năm còn tỏ ra tự hào với hàng loạt nghề phụ trợ, giải quyết lao động nhàn rỗi xung quanh con cá mọc lên như, dịch vụ hậu cần, mua bán ngư lưới cụ và có cả những người đan lưới, ghánh thuyền thuê.

Dù đã vào kỳ nghỉ đông, nhưng tiết trời còn thuận, gió chưa thật lớn, sóng chưa thật to để tiếng vọng âm u loang trên bãi biển, nhưng thiên nhiên đang ngày càng khắc nghiệt. Với những người mang lấy nghiệp ngư tâm linh dù khó lý giải nhưng vẫn là một phần của cuộc sống. Tôi nhiều lần nghe những lão ngư nói về niềm tin với sóng nước bằng lễ hội cầu ngư bài bản, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Họ bảo rằng, về phía trùng khơi phải tựa lưng vào biển, vào “ngài” ngư mới có cảm giác bình yên dẫu có những con người đã theo sóng đi xa như là định mệnh. Biển vẫn là mạch nguồn, còn sóng vẫn vỗ dưới chân người.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng
Thả lưới rùng quây cá ngát

Gần ba giờ đồng hồ sau khi thả, tấm lưới được những ngư dân lành nghề kéo lên thuyền. Theo nhịp sóng, thuyền tấp vào bờ, trong chiếc giỏ đựng lộc biển, những con cá ngát thu hút sự quan tâm của người mua.

Thả lưới rùng quây cá ngát

TIN MỚI

Return to top