ClockThứ Năm, 08/02/2024 13:48

Nụ cười Đông Ba

TTH - Mệ Hoàng Thị Khanh, 81 tuổi, buôn bán cau trầu từ thời con gái như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến bao buồn vui của ngôi chợ trên 120 tuổi này. Mệ kể, trước năm 1975, tiểu thương đều mặc áo dài, và Đông Ba như một xứ Huế thu nhỏ, là nơi gìn giữ bản sắc của di sản văn hóa Huế. Đôi khi khách phương xa đến Huế, ra chợ Đông Ba, cốt chỉ để được nghe rặt tiếng Huế của các dì, các mệ.

Treo thưởng cho người phát hiện tiểu thương “nói thách” ở chợ Đông BaNgười “lột xác” chợ Đông Ba

Chị Thanh luôn gần gũi với tiểu thương. Ảnh: An Nhiên 

1. Những người như mệ Khanh truyền tai nhau lý lịch “sếp’’ mới trong những ngày đầu Hoàng Thị Như Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Huế chuyển về. Không ít người tỏ ý “thất vọng” khi cô chỉ là thế hệ 8X. Nhưng rồi, họ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khi Thanh với phong cách bình dân, miệng nói tay làm vì quyền lợi của người lao động. Chợ có trên 3.500 tiểu thương, song hầu như ai Thanh cũng gặp và giãi bày, thậm chí có những cuộc gọi kéo dài tận 2 - 3h sáng.

Ba tháng đầu, việc chính của Thanh là nắm bắt tâm tư. Những ngày đầu, áp lực lắm. Người tặng quà, kẻ đe nạt ?! Thanh cười, chẳng có chi. Mình có nguyên tắc sống, mọi thứ đều minh bạch. Mình không phân biệt giàu nghèo, quen lạ. Chủ lô chính cũng như lô bạ, hàng rong... đều tôn trọng như nhau. Thanh nhận ra, không phải ngày một, ngày hai nhưng muốn phát triển chợ, chỉ có tiểu thương, những chủ nhân này mới thay đổi được. Chính cách làm việc  công tâm và vô tư của Thanh khiến mọi người nể phục. Cái tên “Thanh liều” cũng từ đó mà có.

Hoàng Thị Như Thanh là gương mặt điển hình được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt,  biểu dương năm 2023. Ảnh: NVCC 

Ngày trước, người dân đến chợ không chỉ mua bán mà còn để thăm hỏi, trao đổi thông tin… Nhưng suốt thời gian dài, có rất nhiều tệ nạn đã khiến chợ Đông Ba dần “mất điểm”. Thanh nhớ, cách đây không lâu, từng muốn “độn thổ” khi dẫn bạn ở xa qua Đông Ba mua quà. Cứ lẩm nhẩm câu “chợ Đông Ba chia ba mà trả” nhưng rồi vẫn bị… hớ. Chưa kể, chỉ cần mua hàng này, đứng chệch qua hàng kia một tý cũng bị chửi. Ớn nhất là làm mất “mì xưa” các mệ. Họ dùng ghế để đuổi “vong” rất phản cảm. Chưa kể, cứ nơm nớp lo mất cắp khi nạn móc túi hoành hành.

2. Ý tưởng chợ Đông Ba phải cạnh tranh với siêu thị cũng là một cách để giữ gìn văn hóa Huế. Thanh so sánh và nhận ra rằng, người ta thích đến siêu thị không chỉ có điều hòa thoáng mát mà ở đó được mua hàng trong không gian sạch sẽ, được phục vụ tốt, không bị ép giá… Tại sao chợ Đông Ba không làm được. Nghĩ là làm, Thanh mời các chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ cho tiểu thương kỹ năng chăm sóc khách hàng.

Tiểu thương phấn khởi khi lần đầu tiên biết cách trở thành người bán hàng hạnh phúc, mở hàng bằng nụ cười tươi... Thanh hướng tới xây dựng hình ảnh “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba” gắn với phong trào “3 không 2 có” (không mì xưa, không nói thách, không chèo kéo và có uy tín, có chất lượng). Từ đó, Thanh vận động bà con tiểu thương bán hàng đúng giá với hơn 400 gian hàng tham gia và niêm yết giá đạt 92%. Những vấn nạn không còn khi trong chợ có đến hơn… 150 camera. Đông Ba là chợ truyền thống đầu tiên của cả nước xây dựng ứng dụng riêng “Chợ Đông Ba” trên nền tảng thiết bị thông minh để tạo nên kênh mua bán trực tuyến.

Cảnh quan, cơ sở hạ tầng chợ Đông Ba xuống cấp là điều mà ai cũng nhận ra. Hệ thống dây điện chằng chịt gây mất an toàn và mỹ quan. Diện tích lô hàng nhỏ, tiểu thương phải trưng bày hàng hóa tràn trên lối đi. Thanh lại nhỏ to với các mệ, các chị đóng góp thêm để chỉnh trang lại. Mọi người thuận theo nên việc xã hội hóa chợ Đông Ba dễ dàng hơn với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Nhiều tiểu thương chủ động đóng cửa quán cả chục ngày để sửa chữa, hàng nghìn ki-ốt được sắp xếp phù hợp và an toàn. Rồi 100% tiểu thương đã trả lại diện tích mà trước đây họ lấn chiếm trong chợ từ 0,2 - 1m2.

Tính từ lúc Thanh về Đông Ba đến nay, thành phố Huế đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để quy hoạch lại toàn bộ, từ cầu Trường Tiền đến cầu Gia Hội và trục đường Chương Dương. Bất ngờ hơn khi chỉ trong vòng 10 ngày, BQL chợ thu thuế được đến trên 90%, điều mà trước đây ít khi làm được. Rồi chợ lắp đặt thêm 100 đèn năng lượng mặt trời và các hoạt động góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Các lối đi, cầu thang, hành lang hay cổng chợ trở thành điểm check-in.

3. Nghiêm túc và quyết đoán nhưng khi tiếp xúc bà con, Thanh lại hòa nhã và tình cảm, sẵn sàng hỗ trợ khi tiểu thương gặp khó khăn. Quyết tâm chấn chỉnh văn hóa ứng xử tại chợ. Thanh áp dụng cách làm thưởng phạt công minh. Chợ có quy chế rõ ràng. Lần đầu nói thách và ép giá nhắc nhở, nhưng lần sau thì đình chỉ mở quầy từ 3 đến 5 ngày. “Nhờ có o Thanh biết dùng tình cảm để thuyết phục, vừa nghiêm khắc nhắc nhở, nên chị em tiểu thương hiểu và nghe theo. Quan trọng là o Thanh công tâm”, bà Trần Thị Liên, kinh doanh hàng đặc sản Huế tâm sự.

Chuyện trò với Thanh, tôi được biết có trên 50% tiểu thương gắn bó gần như cả đời người với chợ. Thanh cho rằng, văn hóa chợ cần để mọi người xích lại gần nhau. Thanh bắt đầu “rủ rê” xin tài trợ cho các chị đi tham quan. Như đoán trúng niềm vui và  sự khát khao, họ nhập cuộc ngay. Có lẽ, ấn tượng nhất đối với nhiều tiểu thương là được vào Bảo tàng Hồ Chí Minh để báo công và được nghe giọng Bác Hồ. Xúc động nhất là  lần đầu tiên, chợ Đông Ba kết nạp 4 đảng viên là tiểu thương.

Còn như một sự kết nối tuyệt vời là 4 chuyến đi Lăng Cô ở lại qua đêm do Thanh khởi xướng, chị em phấn khích đăng ký đến “cháy sô”. Chị Nguyễn Thị Mận, buôn bán hàng trái cây nói thật thà, cùng kinh doanh một mặt hàng mà bấy lâu ni có biết nhau mô. Được đi chơi, mọi người gắn kết yêu thương nhau. Sự kiện Đêm Đông Ba cách đây hơn một năm, hàng trăm diễn viên không chuyên của chợ trong trang phục áo dài lần đầu được bước trên sân khấu, trình diễn các tiết mục tái hiện hoạt động buôn bán trong suốt 123 năm hình thành và phát triển chợ thật đặc biệt. Còn nữa, sau gần 50 năm vắng bóng, tiểu thương chợ đã quyết tâm khôi phục truyền thống mặc áo dài.

Tôi như hiểu hơn con số thống kê trong năm 2023 chợ Đông Ba có tới 400.000 lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Giờ đây, họ đến Đông Ba đôi khi chỉ để được “kéo ghế” ăn dĩa bánh, uống cốc trà đá, cùng trò chuyện cùng nhau trong không gian thoáng đãng và an toàn. Vượt qua khó khăn và thử thách, ngôi chợ truyền thống với “Nụ cười Đông Ba” đang dần lấy lại vị thế của một trung tâm giao thương mang đậm văn hóa, tinh hoa của xứ Huế. Và tôi cũng cảm nhận được rằng, trong từng đổi thay của 1 trong ba ngôi chợ nổi tiếng nhất nước này, có bóng dáng của  Hoàng Thị Như Thanh.

Thu Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đồng hành xây dựng hình ảnh chợ Đông Ba

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Hội Cựu chiến binh Ban Quản lý (CCB BQL) chợ Đông Ba thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng...

Đồng hành xây dựng hình ảnh chợ Đông Ba
Những dấu ấn hoạt động cách mạng ở chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba vừa tổ chức kỷ niệm 125 năm ngày xây dựng và phát triển (1899 – 2024). Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, những tiểu thương ưu tú của chợ Đông Ba đã tham gia cách mạng, một lòng theo Đảng đấu tranh, kiên cường kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Trong tiến trình đó, những ngày đầu cách mạng ở chợ Đông Ba đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đóng góp chung cho sự lớn mạnh của Thành ủy Huế nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

Những dấu ấn hoạt động cách mạng ở chợ Đông Ba
Đổi thay từ “ngôi nhà” 125 năm tuổi

Trải qua 125 năm xây dựng và phát triển, chợ Đông Ba đang khoác lên mình "chiếc áo mới", khang trang, sạch đẹp và mến khách. Với sứ mệnh của ngôi chợ truyền thống nằm trong lòng Cố đô Huế, Đông Ba tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, thay đổi phương thức kinh doanh để xứng đáng với thương hiệu “Văn minh - thân thiện là người Đông Ba”.

Đổi thay từ “ngôi nhà” 125 năm tuổi

TIN MỚI

Return to top